Vào “chảo lửa, túi mưa” đón bão

Thứ sáu - 09/06/2017 22:51
“Trắng tay hết rồi các chú ơi, nhà cũng ngập, hồ nuôi tôm cũng tràn hết rồi, tài sản tích góp bao năm giờ trôi theo nước hết rồi lấy chi mà nuôi con ăn học đây”. Chị Nguyễn Thị Thinh (trú tại xóm Đức Minh, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ) nói với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn lòng.
Vào tâm bão
 
Từ thành phố Hà Tĩnh, nhóm PV chúng tôi xuôi theo quốc lộ 1A thẳng tiến vào huyện Kỳ Anh nơi được mệnh danh từ lâu là “chảo lửa, túi mưa”. Nhưng khi vừa chạm ngõ cái vùng phên dậu đầy khắc nghiệt này, chúng tôi mới chợt nhận ra rằng nơi đây chẳng còn là túi mưa nữa mà phải khẳng định “túi bão” thì đúng hơn.
 

Vượt qua hơn 60km trong mưa gió mịt mờ cùng “con ngựa sắt cũ kỹ” thỉnh thoảng lại chao đảo vì gió giật quá mạnh, khiến tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đôi phen thót tim vì sự liều mạng của mình. Nhưng vì lời hối thúc cần phải có thông tin thật nhanh về cơn bão, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình chưa biết những hiểm nguy nào đang đón đợi phía trước.
 
Rất khó khăn để điều khiển xe vào đến xã Kỳ Nam trong cơn bão.
 
Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những hàng cây hai bên đường oằn mình trong mưa gió, những ngôi nhà chơ vơ gồng mình chống chọi trong mưa bão. Bước vào “túi bão”, chúng tôi mới cảm nhận hết sự khốc liệt mà vùng đất này đang hứng chịu.
 
Trên con đường dẫn vào Cảng Vũng Áng, những thân cây lớn đã đổ sập xuống choán gần hết cả con đường, ngoài kia biển gầm lên những đợt sóng như muốn nốt trôi đi tất cả.
 
Cần phải nhanh chóng hơn, đó là mệnh lệnh chúng tôi đặt ra lúc này, khi tin từ Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho chúng tôi biết ở huyện Kỳ Anh, nơi cơn bão càn quét mạnh nhất tỉnh, đã có khoảng 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều trường học ở các xã ven biển cũng bị hư hỏng và tốc mái. Hệ thống thông tin bị tê liệt, nhiều cột điện bị đổ gãy.
 
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi thẳng tiến vào xã Kỳ Nam, tại đây, qua điện thoại ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam nói như lạc giọng “gió mưa lớn quá các chú ơi, vào gấp”. Vừa trờ tới cổng đồn Biên phòng Đèo Ngang chúng tôi đã được được đón tiếp bằng ánh mắt đầy kinh ngạc của các chiến sĩ bộ đội biên phòng cũng như người dân trú bão nơi đây.
 
Sóng biển Vũng Áng dội vào tận nhà dân.
 
Trung tá Phan Mạnh Tâm – Trưởng đồn biên phòng với cái siết tay thật chặt nói trong vẻ ngỡ ngàng: “Mình không ngờ các chú liều đến thế”. Ông nói như không muốn trút hết cả bầu tâm tư nặng trĩu: “Vừa rồi đồn mới cứu được hơn 30 công nhân bị cô lập trong KCN Fomosa ra đến nơi an toàn các chú ạ, tôi mừng quá. Hai hôm nay đồn đã điều động gần 70 chiến sỹ túc trực tại các xã và KCN, bây giờ chỉ còn một nỗi lo là tình hình ở xã Kỳ Nam đang rất phức tạp, mưa gió trong đó lớn quá”.
 
Như đọc được suy nghĩ, ông đã cùng các đồng chí trong đội cho xe ô tô đưa chúng tôi vào “mục sở thị” tình hình mưa bão tại xã này.
 
“Bão lòng”
 
Ngoài kia những cơn gió đang rít lên từng hồi như muốn lật tung lên tất cả những vật cản mà nó đi qua. Trong ánh đèn pha mập mờ của chiếc U-oát, chúng tôi đang cố mường tượng ra những hình ảnh nào mình sẽ bắt gặp.
 
Vào đến nơi mới biết, trời gây giông tố, người dân nơi đây cũng đang nổi cơn “bão lòng”. Trước mắt chúng tôi là những ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ ở các thôn xóm trong xã được các lực lượng chức năng đưa ra đây trú bão. Trong suy nghĩ của các em hẳn nhiên chưa thể nào hình dung được sức tàn phá của cơn bão, nên đôi khi chúng còn cười đùa, trêu chọc lẫn nhau. Sự trong trẻo của tuổi thơ được dẫn chứng bằng cách chúng tạo dáng để được các chú phóng viên chụp hình đăng báo, song không thể nào trách được chúng. Có chăng là trách ông trời sao quá nghiệt ngã đối với vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” này.
 
Người dân xã Kỳ Nam vào Đồn biên phòng tránh bão.
 
Chị Nguyễn Thị Thinh (trú tại xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh) nói trong tiếng nấc: “Trắng tay hết rồi các chú ơi, nhà cũng ngập, hồ nuôi tôm cũng tràn hết rồi, tài sản tích góp bao năm giờ trôi theo nước hết rồi lấy chi mà nuôi con ăn học đây. Giờ chồng còn ở nhà để trông coi của cải cũng không biết như thế nào nữa. Tui lo quá các chú ơi, đường vào xóm giờ ngập hết rồi, không đi vô được nữa, tui đã nói với anh lên đi đừng ở lại mà anh không chịu, giờ không biết ông ấy như thế nào dưới đó”.
 
Bà Nguyễn Thị Phịnh (70 tuổi) cùng ở Minh Đức với chị Thinh nhìn ra ngoài trời giông bão với ánh mắt lạc thần nói trong ngắt quãng: “Lâu lắm rồi mới thấy cơn bão mạnh như như thế này, giờ con trai cũng đang ở dưới đó để trông coi nhà không biết thế nào nữa, mưa bão khổ quá các cháu ơi”.
 
Sau sự âu lo của người lớn thì nụ cười trẻ thơ vẫn luôn thường trực, chúng không biết rằng sau cơn bão có thể không còn nhà để ở.

Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, ông cho biết: “Gió mạnh quá, trạm biên phòng gần đây cũng đã bị tốc mái, nhiều nhà dân cũng thế, mưa lớn đã làm các con đường dẫn vào các thôn, xóm ngập nặng lắm rồi. Kể từ cơn bão năm 76 đến giờ tui mới lại được chứng kiến cơn bão mạnh và khó lường thế này. Cũng may là nhờ các đồng chí đội biên phòng đã đưa được hết các em nhỏ, người già cả cùng phụ nữ lên đây trú bão hết rồi, chứ không thì chẳng biết hậu quả sẻ thế nào!”.
 
Tạm biệt bà con cùng các cán bộ chiến sỹ trực chiến nơi đây, chúng tôi trở về khi cơn bão đã dần tan. Lúc này cũng đã gần 21h đêm, trên đường trở về trung tâm thị xã Kỳ Anh, hai bên đường các cán bộ, công nhân đang dọn dẹp lại cây cối đã bị cơn bão làm bật gốc, gãy đổ ra đường. Cùng với đó là hình ảnh những công nhân, bà con đi về nhà sau khi đã vào các điểm an toàn tránh bão.
 
Lòng chợt nhói lên những cảm giác xót xa vô cùng, vì sau bão sẽ còn rất nhiều nỗi đau mất mát, song vẫn cảm thấy nhẹ lòng vì bão đã đi qua. 
Theo Phan Anh - Bui Trung  Ngaynayonline

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây