Ảnh minh họa. (Ảnh: Cao Thăng/Vietnam+)
Tại Hà Tĩnh, bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Kỳ Anh.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Anh, hiện tại chưa có thiệt hại về người tuy nhiên đã có 5 xã của huyện này bị ngập cục bộ là Kỳ Thư, Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh... và đã có 278 nhà dân, các công trình trường học, trụ sở, trạm y tế, bưu điện văn hóa xã bị tốc mái, hàng trăm nhiều cây cối bị đổ.
Đặc biệt, có 2 thuyền gỗ ở xã Kỳ Lợi bị sóng đánh trôi do bị đứt dây néo.
Trước đó, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng công an, huyện đội, bộ đội biên phòng cùng với các ngành tổ chức sơ tán 10.951 người dân ở 7 xã ven biển, vùng bãi ngang, 8 xã vùng cửa sông, vùng có nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn; giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, công trình, trường học...
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân dùng bao cát chèn lên các mái tôn, mái ngói để đề phòng lốc xoáy, gió mạnh; thực hiện phương án bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con khi di chuyển tránh trú bão; không để xảy ra mất cắp, mất trộm tài sản của ngư dân khi tàu thuyền vào tránh bão; phân công các lực lượng giám sát, lập chốt tại các ngầm, tràn xung yếu, nghiêm túc yêu cầu các phương tiện giao thông lưu thông khi không đảm bảo an toàn.
Người lao động, phương tiện máy móc làm việc tại tại các công trình được di chuyển đến nơi an toàn.
Cùng với huyện Kỳ Anh, tại huyện ven biển của tỉnh Hà Tĩnh là Lộc Hà, công tác phòng chống lụt bão cũng đã được địa phương khẩn trương di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Tại nơi trú ẩn, nhân dân đã được lãnh đạo các cấp chính quyền thăm hỏi, động viên với hơn 200 thùng mỳ tôm và hơn 5 triệu đồng.
Tại tỉnh Quảng Trị, khi cơn bão đi qua đã có rất nhiều cây cối, cột điện và các biển quảng cáo lớn bị đổ gẫy, nhiều nhà dân bị tốc mái. Đặc biệt, các đoạn đường liên huyện có nhiều cây cối đổ, gây ách tắc giao thông.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, sau khi bão số 10 vào đất liền trên địa bàn tỉnh đã làm 12 người bị thương, hơn 6.000ha cây cao su tiểu điền từ 5 đến 7 năm tuổi bị ngã đổ hoàn toàn, hàng nghìn nhà dân bị tốc mái.
Đặc biệt, tại khu vực đảo Cồn Cỏ, đến 14 giờ chiều cùng ngày đã có gió to cấp 12, cấp 13, làm toàn bộ nhà của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên đảo bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây cối ngã đổ.
Tại địa bàn thành phố Đông Hà và các huyện, thị như Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, gió giật mạnh, mưa to đã khiến một số tuyến đường nội thị, liên huyện bị ngập.
Đường diện 110KV bị sự cố khiến toàn tỉnh Quảng Trị bị mất điện từ 12 giờ trưa 30/9. Đồng thời, mọi thông tin liên lạc (qua điện thoại) giữa huyện đảo Cồn Cỏ với đất liền đều bị gián đoạn.
Để khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, tỉnh Quảng Trị đã huy động các lực lượng quân đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế gồm hơn 6.200 người với 70 xe ôtô các loại, 52 tàu tham gia ứng cứu, chủ động trong mọi tình huống khẩn cấp, giúp đỡ người dân trú ẩn, tránh bão, đảm bảo an ninh trật tự, tài sản cho nhân dân.
Chiều 30/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, toàn tỉnh đã thực hiện di dân tránh bão được 1.643 hộ, 5.995 nhân khẩu tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò và thị xã Hoàng Mai.
Tỉnh Nghệ An cử 4 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác đối phó với bão tại các địa phương. Chiều 30/9, hầu hết các trường học trong tỉnh Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học, ở nhà để đảm bảo an toàn tính mạng.
Hiện nay, mối lo ngại nhất của tỉnh Nghệ An trong công tác phòng chống bão số 10 đó là nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét tại các huyện ven biển và các huyện miền núi trong tỉnh; nguy cơ ngập lụt nặng gây sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, cầu cống, trường học, công trình thủy lợi khác./.