Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 7 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 130km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
Thanh Hóa – Hà Tĩnh khẩn trương chống bão
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế sẽ có mưa lớn (Ảnh đường đi của bão số 10 -TTDBKT)
Như vậy, bão số 10 đã có những diễn biến mới, đường đi hết sức phức tạp, tốc độ đi nhanh hơn, cường độ mạnh lên. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đưa ra nhận định mới, bão sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Để chủ động đối phó với diễn biến mới trên của bão số 10, 10h sáng nay (28/9), Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công điện hỏa tốc số 70 gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh thực hiện mọi công việc phòng chống bão, tùy theo diễn biến của bão, chủ động xác định thời điểm cấm biển; Chỉ đạo việc thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để hạn chế thiệt hại.
Trên đất liền, để đối phó với bão và diễn biến mưa khó lường sau bão, các tỉnh miền Trung đang khẩn trương điều tiết các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn. Cụ thể, các hồ chứa Sông Tranh đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn, mức nước hiện tại 141,58m, cao trình ngưỡng tràn 161m. Có 12 hồ đang xả điều tiết là các hồ A Lưới, A Vương, Sông Ba Hạ, Hồ A Thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Sha, Buôn Kuốp, Srêpốk 3, An Khê, Playkrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4.
Các hồ thủy lợi tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, mực nước đang tích phổ biến ở mức từ 70%-100% so với thiết kế, các tỉnh Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa mực nước đang ở mức thấp đang tích nước ở mức 30%-60 %, một số ít hồ đang trữ ở dung tích trên 90% như Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Khe Tân (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa).
Đặc biệt, các hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên hiện đang tích ở mức tương đối cao, phổ biến đang ở mức trên 80% dung tích thiết kế, một số hồ đang xả lũ điều tiết như A Yun Hạ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk); các hồ đang tràn tự do là Đạ Hàm, Đạ Tẻ, Tuyền Lâm (Lâm Đồng).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động thông báo với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương về kế hoạch xả nước các hồ chứa thủy điện, tránh thiệt hại cho người dân vùng hạ du.
Trên biển, công tác kêu gọi tàu thuyền vẫn được Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng khác khẩn trương tiến hành. Tính đến sáng nay (ngày 28/9) Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 32.796 phương tiện/177.753 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn