Hàng chục nghìn hộ dân ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chìm trong nước lũ. Ảnh: vietnamnet.vn |
Ông Đỗ Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, cho biết: Từ đêm 30/9, mưa ở đây to cộng gió lớn. Nước dâng lên quá nhanh. Đến 3 giờ sáng 1/10, nước lớn đã làm hồ Đồng Đáng bị vỡ, nhấn chìm 500 hộ dân ở 7/13 thôn trong xã. Trâu, bò, lợn, gà... của bà con cũng bị nước lũ cuốn trôi. Lực lượng cứu hộ của xã đã phải khẩn trương di dời 200 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Xã cũng tổ chức bữa ăn cho nhân dân, bảo đảm không có hộ, nhân khẩu đứt bữa do mưa lũ; triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tổng lượng mưa lên tới 340mm-450mm, có nơi lên tới gần 800mm. Toàn huyện có 1.000 ha lúa, 900 ha lạc vụ đông, 600 ha rau màu, 15 ha đồng muối bị ngập. Mưa lũ đã cuốn trôi 2 học sinh ở xã Công Bình, huyện Nông Cống.
Tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ mang 73 xuồng cùng 450 thùng mì tôm, 100 thùng nước khoáng, các nhu yếu phẩm cần thiết trợ giúp nhân dân vùng lũ.
Hồ Vực Mấu xả cả 5 cửa gây ngập lụt rên diện rộng ở Quỳnh L:ưu và Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: vietnamnet.vn |
Tính đến 1 giờ sáng nay (2/10), trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã có 20.000 nhà dân bị ngập hoàn toàn, 20 người dân đang gặp nguy hiểm, 600 hộ dân trong vùng ngập sâu, cần phải di dời khẩn cấp. Hồ Vực Mấu vẫn đang tiếp tục xả lũ, trong khi đó, theo dự báo, thời tiết ở khu vực Hoàng Mai vẫn tiếp tục mưa, vì vậy trong thời gian ngắn, nước chưa thể rút xuống.
Tình trạng ngập sâu vẫn đang xảy ra tại các xã vùng thượng lưu như Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân và các xã vùng hạ du như Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Mai Hùng, Quỳnh Phương và các phường trung tâm như Quỳnh Xuân, Quỳnh Thiện…
Đại tá Hà Tân Tiến, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, hiện nay, tại hiện trường đã có ca nô, xuồng cao tốc dùng trong cứu hộ, cứu nạn nhưng loại xuồng cỡ lớn này rất khó tiếp cận nhà dân.
Trong một diễn biến khác, chiều 1/10, Sở Công Thương Nghệ An chuẩn bị 10 tấn mì tôm, 100 thùng nước khoáng để ứng cứu khẩn cấp cho người dân bị ngập lũ ở thị xã Hoàng Mai. Ông Nguyễn Tài Dũng, Phó GĐ Sở Công Thương, cùng tài xế Nguyễn Minh Cường đi xe 7 chỗ chở mì tôm để đến khu vực tập kết trên cầu Hoàng Mai. Tuy nhiên, vì trời tối, nước chảy xiết, xe bất ngờ bị chết máy và bị lũ cuốn trôi. Tài xế thoát được qua khe cửa kính, còn ông Dũng bị trôi cùng chiếc xe.
Thống kê sơ bộ tại Nghệ An, bão số 10 đã làm ngập 1.061 ha lúa, 2.533 ha rau và hoa màu các loại, 337 ha cây ăn quả và cây công nghiệp, cuốn trôi 4.545 con gia cầm, 263 con gia súc, 524 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập; hư hỏng 6 tràn xả lũ, 11 đập thủy lợi…
Theo Ban Chỉ huy PCLBTKCN Nghệ An, đến sáng 2/10, mực nước trên sông Cả tại huyện Nam Đàn ở mức 5,6m, dưới mức báo động 3 là 1,3m. Tỉnh Nghệ An đang đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn; tổ chức sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn những vùng bị ngập nặng.
Khẩn trương cứu hộ cho người dân vùng lũ. Ảnh: vietnamnet.vn |
* Tại Hà Tĩnh, theo thống kê sơ bộ có 18 người bị thương, 260 nhà bị sập và ngập sâu trong nước, hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái, chủ yếu xảy ra tại các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà.
Hơn 500 ha lúa, hoa màu các loại bị ngập, trên 13.000 cây ăn quả bị đổ gãy, hàng chục héc-ta nuôi trồng thủy hải sản bị mất trắng. Có 263 cột điện trung thế và hạ thế bị đổ, gãy, đường dây điện bị đứt gần 11.000 m. Nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở và hư hỏng nặng.
Theo Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Quảng Bình, bão số 10 đã làm 5 người bị chết, 2 người mất tích và 140 người bị thương. Về tài sản có đến 345 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 156.517 ngôi nhà của người dân cùng 460 trường học, 98 công trình phúc lợi, trạm y tế, bệnh viện bị bão đánh tốc mái một phần hoặc toàn bộ; 113 tàu, thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm và gây hư hỏng nặng.
Về nông nghiệp thủy sản, thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh Quảng Bình có 238 ha lúa bị ngập và hư hỏng; gần 2.500 ha hoa màu các loại bị bão tàn phá; gần 7.500 ha cây công nghiệp và gần 11.300 ha cao su bị thiệt hại và bị gãy đổ. Diện tích nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị thiệt hại lên đến gần 300 ha.
Cùng với đó, bão số 10 cũng gây nhiều thiệt hại cho hệ thống giao thông, thủy lợi, điện và cơ sở hạ tầng tại tỉnh này. Trong đó, chỉ riêng lượng đất đá bị xói mòn và sạt lở từ các bạt ta-luy trên các con đường đã lên đến hơn 215.000 m3...
* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLBTLCN tỉnh Quảng Bình, tính đến 16 giờ ngày 1/10, do hậu quả của bão số 10, toàn tỉnh có 156.517 nhà bị tốc mái, 345 nhà bị sập, 3.581 nhà bị ngập nước; có 46 trường học và 98 trạm y tế bị tốc mái; 113 tàu thuyền bị hư hỏng; 11.297 ha cao su bị hư hại; 298 ha nuôi trồng thuỷ sản bị mất mát. Về giao thông, có 215.200 m3 đất đá bị sạt lở. Về người, toàn tỉnh có 5 người bị chết, 2 người mất tích, 140 người bị thương... Tổng thiệt hại toàn tỉnh là 4.600 tỷ đồng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn