Sau khi TANDTC ra quyết định đình chỉ thi hành án và nhất Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm đề điều tra lại vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Kể từ sau khi bị 2 cấp tòa xử tội giết người, ông Chấn và vợ (bà Chiến) liên tục kêu oan và gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Vậy hàng trăm lá đơn đã được gửi đi, chẳng lẽ không cơ quan chức năng nào nhận được? Và hậu quả là ông Chấn vẫn ngồi trong tù hơn 10 năm. Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
|
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
PV: Ngay từ khi bị bắt cho tới khi phải chấp hành án, ông Chấn liên tục kêu oan, nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng, nhưng 10 năm sau mới vụ việc mới được xem xét. Ở đây có sự thiếu xót nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng, nếu nói rằng mãi cho đến 15/7/2013 cơ quan chức năng mới nhận được đơn kêu oan của bà Chiến vợ ông Chấn là không đúng! Theo nhưng thông tin mà tôi biết thì ông Chấn và bà Chiến đã gửi đơn đi rất nhiều cơ quan khác nhau, nhưng không được xem xét nên mới phải ngồi tù oan đến 10 năm.
Những cán bộ quản giáo ở trại giam đã tạo điều kiện để ông Chấn gửi đơn kêu oan nên họ biết chính xác điều đó. Vậy hàng trăm lá đơn trước đây của ông Chấn, của bà Chiến chẳng lẽ không cơ quan chức năng nào nhận được???
Một điều đáng tiếc nữa là trong suốt mấy tháng vừa qua khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao truy lùng đối tượng Lý Nguyễn Chung thì ông Chấn vẫn phải ở trong tù. Lẽ ra, khi biết có một đối tượng như thế đang lẩn trốn và xác định được đó là kế giết người thì phải lập tức ra quyết định đình chỉ thi hành án với ông Chấn.
Hoặc chậm nhất là khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú (ngày 25/10) thì phải thả ông Chấn ngay, nhưng người ta đã để tới tận 4/11 mới ra quyết định đình chỉ thi hành án và thả tự do cho ông Chấn. Người xưa đã nói “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”, ấy thế mà cơ quan công quyền lại quá chậm chễ trong việc trả tự do cho ông Chấn.
Qua 2 sự việc đó cho thấy có biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm và vô cảm trước nỗi oan ức của một con người, một gia đình.
|
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ: 10 năm tù oan của ông Chấn cho thấy có sự vô cảm của một số cơ quan chức năng. |
PV: Ông Chấn cho biết đã từng bị điều tra viên ép cung (dùng búa và dao để dọa, không cho ngủ nhiều ngày liền, ép viết và ký vào bản khai nhận tội…), và trên thực tế ở nhiều phiên tòa khác nhau, các bị cáo đã nói bị “bức cung”. Theo ông thì cần làm gì để ngăn chặn “bức cung”?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Ở đây có hai vấn đề cần phải nói: Thứ nhất là luật đã quy định nghiêm cấm bức cung, kể cả trong nhà giam. Cách đây hai ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời báo chí đã nói rất rõ: “Nếu có trường hợp ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà giam”.
Nhưng có vấn đề thứ hai là phạm trù đạo đức, cần phải nhìn nhận lại để có đánh giá, lý giải vì sao luật quy định cấm bức cung nhưng vẫn diễn ra? Nhà nước giao cho anh quyền thực hiện thực thi pháp luật, là một con người có đạo đức thì phải hành xử công minh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngoài lý do năng lực chuyên môn của cán bộ điều tra yếu kém thì còn có cả sự tha hóa về đạo đức nên đã hành xử sai luật.
Ở vụ việc của ông Chấn, chắc chắn có dấu hiệu bất thường từ các bản khai đã từng được coi là của ông Chấn viết và ký tên. Ngay từ đầu, ông Chấn đã kêu oan và liên tục kêu oan 10 năm trời. Ông ấy không giết người, vậy thì tại sao lại phải viết và ký tên mình vào các bản khai (mà theo lời ông Chấn là điều tra viên đọc cho viết và bắt ký).
Nói như vậy để thấy rằng, việc ông Chấn cho biết thông tin từng bị bức cung là rất logic. Vấn đề này cần sớm được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể, đặt sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật lên hàng đầu.
Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an đã rất thẳng thắn, đúng mực khi cho rằng sẽ phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật.
PV: Có ý kiến cho rằng trong vụ án oan sai của ông Chấn, trách nhiệm chính thuộc về Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, nhưng cũng có ý kiến cho rằng trách nhiệm chính thuộc về VKSND tỉnh Bắc Giang – đơn vị phê chuẩn lệnh bắt và truy tố ông Chấn. Quan điểm của ông thế nào?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Các cán bộ tham gia vào quá trình truy tố, xét xử ông Chấn trước đây đang có dấu hiệu đổ lỗi cho cơ quan điều tra khi nói rằng đã xét xử dựa trên kết luận điều tra. Nói như vậy là thể hiện thái độ vô trách nhiệm! Khi thực hiện quyền công tố, xét xử thì Viện kiểm sát và Tòa án hoàn toàn có quyền xác định kết luận điều tra đo đúng hay sai, các chứng cứ đưa ra có xác thực không, có đủ căn cứ để buộc tội một con người không, nếu không thì họ hoàn toàn có quyền bác bỏ và trả lại hồ sơ để điều tra lại cơ mà!
Còn đối với cơ quan điều tra thì cũng không nên đổ hết lỗi cho các điều tra viên! Phó thủ trưởng cơ quan điều tra đã ký vào kết luận điều tra thì phải chịu trách nhiệm về nội dung của kết luận điều tra đó. Vì nếu không có chữ ký của ông, làm sao bản kết luận điều tra ấy có giá trị pháp lý để chuyển sang truy tố, xét xử được?
Theo quy định của pháp luật xử oan thì phải đền bù. Thiệt hại về vật chất đó thể tính được một cách tương đối, nhưng những thiệt hại tinh thần thì thật vô cùng lớn. Thử hỏi số tiền đền bù đó có làm dịu đi những mất mát, đau thương mà ông Chấn, gia đình và họ hàng ông ấy phải mang tiếng, chịu đựng suốt 10 năm qua không?!
Nói như vậy để thấy rằng, đây là một bài học đau xót mà các cơ quan công quyền phải nghiêm túc chấn chỉnh, đừng để xảy ra những vụ oan sai như thế nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!