Tiếp tục cập nhật...
Đà Nẵng: Cuộc chạy bão lịch sử
Đúng 12h hôm nay (9/11), chính quyền tại Đà Nẵng đã tiến hành cuộc sơ tán dân lớn nhất trong lịch sử bão lụt 10 năm qua.
Theo đó, ở Đà Nẵng, gần 20.000 hộ dân với gần 74.000 nhân khẩu phải sơ tán đến nơi an toàn. Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, người dân tại các chung cư, ký túc xá, nhà cấp 4… nhà cách biển 500m phải sơ tán triệt để. Đây là cơn bão cực lớn, diễn biến phức tạp và dự báo gần như không thể tránh khỏi sự tàn phá khốc liệt. Vì vậy, việc sơ tán và chủ động phòng tránh là hết sức kiên quyết, khẩn trương. “Các địa phương, quân đội sẽ kiên quyết sơ tán, thậm chí cưỡng chế đối với ngư dân, tuyệt đối không cho người ở lại trên các phương tiện tàu thuyền trên sông, biển, bè lồng nuôi cá”, ông Chiến nhấn mạnh.
Một số hình ảnh đầu tiên về đợt di dân lớn nhất trong lịch sử 10 năm qua vừa được phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu gửi về.
Cụ già và trẻ em được ưu tiên sơ tán trước
Người dân xóm 2, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã được sơ tán đến nơi an toàn
Lực lượng quân đội đóng trên địa bàn giúp dân sơ tán
Cán bộ địa phương cung cấp mì tôm để phục vụ người dân trong những ngày phải đi sơ tán
Những đứa trẻ chưa thể biết hết sự nguy hiểm của cơn bão nên vẫn vô tư nô đùa sau khi được sơ tán đến nơi tránh bão
Nhân viên trực đài phát thanh địa phương liên tục phát đi thông báo về kế hoạch sơ tán dân để người dân chủ động, tránh sự hoảng loạn
Ở nơi trú ẩn, bà Nguyễn Thị Hà (trú ở phường Hòa Hiệp Bắc) bế cháu nội, nhưng vẫn nóng lòng nghĩ đến căn nhà của mình
Lực lượng quân y (Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) kịp thời có mặt khám bệnh cho người dân
Quảng Nam: Đào hầm tránh bão, di dời dân ven biển
Không khí người dân vùng ven biển chạy bão Haiyan diễn ra rất khẩn trương. Ông Đỗ Vin (81 tuổi, ở thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) lo lắng: “Từ nhỏ đến lớn, sống ở vùng biển này tôi thấy đây là cơn bão mạnh nhất, hung dữ quá. Dân làng ai cũng sợ, lo lắng, tìm chỗ ẩn nấp hết. Nhà cửa chằng chống xong rồi, ai cũng lo hết. Chắc bão này đổ bộ vào bờ là quét sạch hết…”.
Ông Trần Văn Bảy ở thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành đang đào hầm tránh bão, cho biết: Người dân ở đây thấy bão này khủng khiếp quá, nhà tôi chọn cách đào một cái hầm gần sát nhà để trốn bão”.
Theo ghi nhận, người dân đào một cái hầm diện tích khoảng 5m2, cao khoảng 1m, sau đó dùng những đoạn bê tông hoặc cây gỗ chắc gác lên trên và bỏ ván hoặc những tấm cửa nhà lên trên rồi phủ bạt lên. Sau đó, múc cát đổ giằng xung quanh bạt. Chừa một cái lỗ vừa một người chui vào. Cái hầm của ông Bảy đủ chứa 6 người trong gia đình.
Chiều nay, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam đã tiến hành di dời khẩn cấp hàng chục nghìn dân sống dọc ven biển huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Những cụ già và trẻ em được ưu tiên di dời trên chuyến xe buýt đầu tiên.
Không khí di dời dân tại xã ven biển Tam Thanh rất khẩn trương. Khoảng 7.000 dân toàn xã Tam Thanh đã được di dời lên ở tại Trường Đại học Quảng Nam ở đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ.
Chùm ảnh người dân xã Tam Tiến đào hầm tránh bão và người dân xã Tam Thanh tập trung di dời chiều ngày 9/11:
Nhiều nhà dân đào hầm tránh bão
Hầm được đào dưới đất và lợp bằng gỗ
Phủ bạt lên trên
Những chiếc hầm đã được hoàn thành để tránh bão
Những đứa trẻ được ưu tiên xuống hầm khi bão đến
Dân tập trung tại các nhà văn hóa thôn để chờ xe quân đội chở lên Tam Kỳ tránh bão
Từng đoàn người dân xã ven biển xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ từ nhà văn hóa thôn tiến ra đường lên xe buýt để di dời lên Trường ĐH Quảng Nam.
Sự lo lắng hiện rõ trên từng nét mặt người dân biển Tam Thanh đang đứng chờ di dời lên Tam Kỳ.
Những chiếc xe buýt từ TP.Tam Kỳ chạy xuống Tam Thanh để di chuyển dân.
Trẻ em được nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn chạy bão Haiyan
Cụ Trần Nghiêu Chuẩn ở xã Tam Thanh ngồi trên xe lăn được lực lượng chức năng chuyển lên xe buýt để di chuyển lên Tam Kỳ.
Cụ Nguyễn Thị Sở (83 tuổi ở xã Tam Thành, là mẹ liệt sĩ) được người dân bồng ra xe buýt.
10.000 người dân Quảng Ngãi chạy bão
Bão số Haiyan là cơn bão khiến cho trên 1,3 triệu người dân của tỉnh Quảng Ngãi “lo sốt vó”.
Để không bị những trận cuồng phong của bão kéo đến uy hiếp, trong ngày hôm nay (9/11), tỉnh Quảng Ngãi đã dốc toàn lực cho công tác ứng phó với bão.
Trên 10.000 người dân Quảng Ngãi đã tìm cách chạy bão, hàng trăm ngàn ngôi nhà đã được người dân chèn chống trước giờ bão đổ bộ.
Người dân Quảng Ngãi thu dọn đồ đạc đi tránh bão
Gia đình ông Nguyễn Thanh, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã gọi điện thuê hẳn xe taxi di tản đồ đạc và cả gia đình 5 người của mình chạy lên TP.Quảng Ngãi để thuê khách sạn…trốn bão.
“Nhà tôi ở gần biển. Bão này khủng khiếp quá nên phải di tản thôi. Bão số 9 năm 2009 đã lạnh người rồi giờ cơn bão này còn kinh khủng hơn. Mình mà ở nhà bão nó càn vô quét là tiêu hết” – ông Thanh nói gấp gáp rồi hối tài xế taxi chạy nhanh về phía TP.Quảng Ngãi. Hàng trăm chiếc taxi trong ngày hôm nay chỉ chuyên làm mỗi nhiệm vụ là chuyên chở dân đi lánh nạn trước bão.
Người dân trú bão ở Trung tâm văn hóa Thể thao Dung Quất
Ông Trần Hữu Phúc, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cũng vội vã lo thu dọn đồ đạc để dẫn cả gia đình 6 người của mình lên trú bão ở Trung tâm văn hóa Thể thao Dung Quất (thuộc khu kinh tế Dung Quất). Lúc rời nhà, vật dụng mà vợ chồng ông Phúc cùng các con mang theo là mì tôm, mùng mền, chiếu.
Trong buổi chiều ngày 9/11, riêng tại xã biển Bình Hải đã có trên 2.000 dân chạy sơ tán trước bão.
“Tỉnh cũng đã chỉ đạo cho tất cả các huyện, thành phố phải toàn lực lo ứng phó với bão. Nhiệm vụ quan trọng nhất và đặt lên hàng đầu chính là công tác di dời dân. Tỉnh đang tập trung di dời hơn 54 ngàn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, triều cường, sạt lở” – ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Ở từng địa phương của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã lập các ban chỉ đạo ứng phó với bão 14. Trong đêm nay, tất cả các thành viên của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ “nằm vùng” ở từng địa bàn trọng yếu để chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Lúc này, thời tiết ở Quảng Ngãi đã bắt đầu có mưa lớn, gió to dần lên và trời âm u. Trong ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã về Quảng Ngãi triển khai công tác ứng phó với bão số 14.
Bình Định: Chằng chống nhà cửa, mua mì tôm ứng phó với bão
Nhằm chủ đồng phòng tránh và ứng phó với siêu bão, các địa phương của tỉnh Bình Định tích cực triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Tại khu vực các huyện nằm ven bờ biển và TP Quy Nhơn, địa phương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; vận động di dời dân đến tránh trú bão an toàn.
Gia cố nhiều bao cát lên mái tôn để khỏi bay khi bão vào
Tại các huyện miền núi như Hoài Ân, An Lão, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo người dân chèn, gia cố nhà cửa, đắp bao các lên mái nhà, mái tôn, chặt bớt những cây cao, tỉa nhánh cây xung quanh nhà. Để đối phó với bão, nhiều hộ dân đã mua sẵn nhiều thùng mì gói, nhu yếu phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Nhiều người dân cũng lo gia cố, chằng chống nhà cửa
Theo Đại tá Trương Đức Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng về các địa phương để chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan. Tại huyện Hoài Nhơn đã triển khai 2 ca nô và 20 cán bộ; tại huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn đã triển khai 20 cán bộ và 100 giáo viên, học viên Trường Quân sự tỉnh để giúp di dời dân; tại huyện Tây Sơn cử 20 cán bộ để vận động nhân dân chuẩn bị phương án phòng chống bão; tại huyện Tuy Phước, Vân Canh và TP Quy Nhơn cử 20 cán bộ và 150 chiến sĩ để giúp di dời người dân tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn); tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), Đại đội hỗn hợp Đ30 cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương di dời những hộ dân sống gần mép biển đến nơi an toàn. Ngoài lực lượng huy động từ Sở chỉ huy của Bộ CHQS tỉnh, các địa phương cũng đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ với tổng số từ 5.000 - 6.000 quân.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn