Sushi chen, hủ tiếu chuột và chuyện "tứ khoái"

Thứ bảy - 10/06/2017 00:38
Ngẫm đi ngẫm lại hóa ra chuyện ăn, miếng ăn cũng không "nhỏ như con thỏ". Bởi qua nó, người ta phần nào thấy được nhân tình, thế thái, thấy được cái tâm thế của con người mỗi thời...

1. Nhật Bản, đất nước vốn nổi tiếng về nền ẩm thực tinh túy, hẳn cũng khó hình dung sức sáng tạo trong cách thưởng thức món "quốc thực" sushi của họ ở Việt Nam. Có thể tạm gọi đó là món "sushi chen", để diễn tả không khí "rộn ràng" của hàng nghìn nam thanh nữ tú tràn ngập một con phố, quyết không bỏ lỡ bữa sushi miễn phí.

Sushi có thể chưa phải là một món ăn quá phổ biến, nhưng "đặc sản" chen thì không hề xa lạ ở Việt Nam. Tắc đường: chen. Đi ngắm hoa: chen. Phát áo mưa miễn phí: chen. Đổi mũ bảo hiểm: chen. Phát Ấn: chen, v.v... Chen đến nỗi mà hồi nào, khi một hệ thống café mới mở hệ thống ở Tp.HCM, người ta đâm kinh ngạc với cách xếp hàng trật tự chờ đến lượt của các thượng đế.

Cách đây ít hôm, chúng ta chào đón công dân thứ 90 triệu, ai đó đã nói đến khái niệm cường quốc... dân số. Với đà đông đúc ấy, có lẽ chẳng mấy nữa lại có thêm danh hiệu cường quốc... chen cũng nên.

Song hẵng khoan bàn đến chuyện quốc thể hay cường quốc, mà hãy thử nhìn chuyện miếng ăn từ góc độ cá nhân.

Đã có những chuyên gia lên tiếng về chiến tranh lương thực tương lai, hay nói cách khác là chiến tranh vì cái ăn, khi nguồn lương thực trở nên thiếu thốn, cạn kiệt. Nếu rơi vào một nghịch cảnh tương tự, hoặc ở cấp độ nhỏ hơn khi xảy ra thiên tai chẳng hạn... mỗi con người sẽ hành xử trước miếng ăn ra sao?

Nghịch cảnh thường dễ đẩy con người vào chỗ hành động khác với bản tính lúc thông thường rất nhiều. Vậy nếu khi chưa phải đói, chưa phải là "thèm khát" (như cách lý giải của một số "thành viên" tham dự "sushi chen" giải thích) đã chen lấn, xô đẩy, thì khi thực sự lâm cảnh đói khát liệu chúng ta có đủ tỉnh thức để bao bọc, chia sẻ khốn khó với nhau? Hay sẽ theo bản năng mà cuống cuồng tranh giành cốt sao mình sống sót?

Nếu lường đến những tình huống như thế, hẳn mỗi người sẽ phải cẩn trọng hơn trước từng miếng ăn. Ngay cả khi nó là miễn phí.

Chen chúc chờ ăn sushi miễn phí

2. Cũng liên quan đến chuyện ăn, thời gian qua nhiều người không khỏi bàng hoàng trước thông tin về hủ tiếu chế nước lèo từ thịt chuột cống. Và sau đó, họ lại một phen bàng hoàng khi phát hiện đây chỉ là thứ tin tức giật gân được tung ra câu view.

Kẻ câu view chẳng rõ vì mục đích gì, nhưng đã khiến cần câu cơm của bao nhiêu người sống bằng nghề hủ tiếu gõ khốn đốn. Đằng sau mỗi xe hủ tiếu gõ là cuộc sống của cả một gia đình trông cả vào khoản tiền nhỏ kiếm được từ công việc mưu sinh đầy vất vả này.

Nhưng đứng từ một góc nhìn khác, cũng cần đặt câu hỏi là tại sao giờ đây những tin đồn thất thiệt kiểu đó lại ngày càng khiến mọi người tin? Nếu chúng xuất hiện ở những quốc gia khác, ngoài Việt Nam, ngoài Trung Quốc, v.v..., thì có dễ dàng gây bão đến vậy không?

Thịt chuột dẫu sao vẫn là loại thịt con người ăn được và vẫn có nơi hiện đang ăn. Nhưng có những thứ vốn không dành cho con người, mà ăn vào có thể phá hủy dần sức khỏe, tính mạng vẫn đang được đều đặn ngâm tẩm vào thức ăn hàng ngày. Măng ngâm axít, bún "phát sáng", hóa chất gây ung thư tẩm tràn lan trong các loại hoa quả, thực phẩm, đủ thể loại chất không rõ nguồn gốc được đưa vào nước dùng, các món ăn hàng quán, v.v và v.v...

Ngày qua ngày "sống trong sợ hãi" như vậy, nên có gì lạ khi giờ đây bất cứ tin đồn nào về thực phẩm bẩn, độc hại cũng khiến người Việt nhanh chóng tin ngay mà không cần kiểm chứng. Miếng ăn của con người dành cho con người mà đáng sợ đến vậy!

Hủ tiếu gõ mưu sinh đất Sài Gòn. Ảnh: Saigonamthuc.vn

3. Ngôn ngữ tiếng Việt kể cũng lạ. Ăn vốn thuộc tứ khoái (4 khoái lạc về vật chất) của con người mà đôi khi lại được ghép với những thứ vốn chẳng hề liên quan đến "khoái", chưa kể còn mang nghĩa rất xấu. Ăn chặn, ăn chia, ăn hối lộ, ăn đút lót, v.v... chẳng hạn. Tựu chung lại là những kiểu... "ăn bẩn".

Còn nhớ, cách đây ít lâu, một vị lãnh đạo nhà nước đã chia sẻ: "Càng đi nhiều càng buồn. Người ta ăn của dân không từ một cái gì". Và những đối tượng "bị ăn" lại là những người cần đến "cái ăn" nhất. Đó là những gia đình nghèo, đồng bào bão lụt, thương binh, gia đình liệt sỹ, bệnh nhân...

Bằng một thao tác kiểm chứng nhỏ, chúng ta sẽ thấy ngay điều này: thử gõ từ khóa tìm kiếm "ăn chặn" trên cỗ máy tìm kiếm Google, lấy kết quả chỉ trong một tháng lại đây, cũng đã vô cùng "phong phú". Nào là "ăn chặn tiền chính sách", "ăn chặn bữa ăn học sinh", nào "ăn chặn nhiều tỷ đồng ở bệnh viện lớn", "ăn chặn gỗ phục vụ chương trình đánh bắt xa bờ", "ăn chặn trợ cấp người khuyết tật"...

Những thông tin "ăn bẩn" như thế trên báo chí không hiếm thì chắc chắn ngoài đời thực còn phổ biến hơn nhiều!

Ngẫm đi ngẫm lại hóa ra chuyện ăn, miếng ăn cũng không "nhỏ như con thỏ". Bởi qua nó, người ta phần nào thấy được nhân tình, thế thái, thấy được cái tâm thế của con người mỗi thời...


Theo Hải Tâm Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây