Linh hoạt điều tiết xả lũ hồ đập: "Cẩn tắc vô áy náy"

Thứ bảy - 10/06/2017 00:42
Theo dự báo, chỉ còn không đầy 24 tiếng đồng hồ nữa, bão Haiyan - một trong bốn siêu bão có sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử nhân loại sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Trung bộ.

Nằm trong cung đường đi của bão, Hà Tĩnh được dự báo sẽ xảy ra mưa lớn với “đỉnh” cực đại có thể đạt 500- 600 mm. Để đảm bảo an toàn cho hồ chứa và vùng hạ du, từ ngày 8/11, các hồ đập lớn đã thực hiện điều tiết xả lũ, đưa mực nước về cao trình mực nước “đón” lũ theo quy trình đã được phê duyệt.

Kịch bản điều tiết xả lũ “đón” lũ đã được Công ty TNHH MTV Nam Thủy lợi Hà Tĩnh thực hiện từ cơn bão số 10 và 11 năm nay. Thay vì xả lũ một lần như trước đây, công ty chủ động xả đón lũ và đóng tràn trước khi mưa lũ xảy ra, góp phần giảm thiểu tình hình ngập lụt ở hạ du. Trước khi cơn bão HaiYan đổ bộ 2 ngày (8/11), mực nước Kẻ Gỗ đạt 30,8 m (quy trình 31,5m); Sông Rác: 21,38 m (quy trình 22,2m) ; Tàu Voi: 14,65 m (15,5 m) và Kim Sơn: 95,15 m. Như vậy là các chỉ số này đang ở ngưỡng an toàn so với quy trình điều tiết các hồ chứa vào trước 15/11 do Bộ NN&PTNT quy định.

Thủy điện Hố Hô sẽ mở tự do 3 cánh cửa van cung, đưa mực nước về mức đáy tràn

Tuy nhiên, trước diễn biến của cơn bão siêu nhanh và siêu mạnh như bão HaiYan thì tất cả các kịch bản vận hành trong tình thế cấp bách đều phải lường đến. Ông Nguyễn Duy Hoàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Với kịch bản mưa với lưu lượng lớn nhất (600mm), để đảm bảo an toàn công trình, vừa để đảm bảo đủ nước, mặt khác để giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du trong mưa bão, công ty đưa ra phương án đưa mực nước hồ Kẻ Gỗ trước khi bão vào về mức 29m. Theo đó, chúng tôi tăng lưu lượng xả tràn từ 120 m3/s lên 365 m3/s, như vậy đến trưa ngày 10/11 cao trình của hồ sẽ đạt mực nước như kế hoạch. Trong điều kiên điều tiết liên hồ, khi mưa lũ diễn ra, Kẻ Gỗ sẽ dừng xả, ưu tiên cho tràn tự do Bộc Nguyên”. Cũng phải nói thêm rằng, vấn đề xung yếu hiện nay tập trung vào hồ Bộc Nguyên (do công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh quản lý). Ở trận mưa sau hoàn lưu bão số 10, lượng mưa mới chỉ hơn 300 mm xả tràn tự do này đã xối xả đổ xuống hạ du với lưu lượng 170 m3/s.

Nếu tình huống cực đoan xảy ra với lượng mưa trên 500 mm, nguy cơ sự cố của công trình này là rất cao. Đó là lý do, đơn vị quản lý đã mở rộng tràn phụ, chủ động đưa mực nước về mức thấp nhất trước bão. Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Theo dự báo đây là cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay, việc xuất hiện mưa cực đoan kết hợp với triều cường và nước biển dâng là nguy cơ có thể lường trước. Các hồ đập cần chủ động vận hành điều tiết lũ hợp lý, tránh bị động xả lũ khi mưa lớn đang diễn ra, lượng nước dồn dập sẽ gây những hệ lụy khôn lường cho công trình và vùng hạ du. Không chỉ đối với các hồ đập lớn, các công trình nhỏ nếu có cống dẫn riêng thì cũng nên áp dụng theo quy trình này”.

Cửa tràn phụ của hồ Bộc Nguyên đã được mở rộng nhằm đảm bảo hoàn thành xả lũ trước 10 h ngày 10/11

Toàn tỉnh có 345 hồ, đập thủy lợi lớn nhỏ và 2 hồ thủy điện. Từ kinh nghiệm của nhiều năm trước, đặc biệt là những chứng tích tang thương từ đợt lũ lịch sử 2010 để lại do xả lũ dồn dập đã khiến các đơn vị quản lý cẩn trọng hơn trong phương án điều tiết. Tại nhà máy thủy điện Hố Hô, một trong những công trình PCLB trọng điểm của tỉnh, đến thời điểm này cũng đã hoàn thành các phương án phòng lũ cho hệ thống nhà máy cũng như vùng hạ du.

Anh Nguyễn Bá Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã chủ động điều tiết mực nước từ cao trình 64,8 m về đáy tràn 57 m, sau đó sẽ mở tự do 3 cánh cửa van cung để đảm bảo đưa nước về thấp nhất trước bão. Hiện nay, lưu lượng xả của công trình là 117 m3/s, chúng tôi sẽ liên tục thông tin lưu lượng nước về và cảnh báo sớm cho vùng hạ du chuẩn bị công tác di dời dân”.

Xả lũ an toàn hồ đập là quy luật tất yếu của hệ thống thủy lợi, thủy điện trước mỗi mùa mưa bão. Tuy vậy, bão dồn bão, lũ chồng lũ khiến cho những công trình trên địa bàn tỉnh vốn đã xuống cấp, chưa kịp phục hồi, nay lại càng trở nên xung yếu. Đó là lý do khiến cho những người dân đang sinh sống dưới vùng hạ du các công trình này vẫn luôn canh cánh một nỗi lo. Cộng với đó, do ảnh hưởng của siêu bão HaiYan, lượng mưa nội đồng có thể giao động từ 200- 400 mm, nơi cao đạt lưu lượng cực đại 600 mm khiến cho vùng hạ du khó tránh khỏi tình trạng ngập lụt.

Ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Thành phố là nơi tập trung dày đặc các công trình giao thông, xây dựng và dự án gây ra tình trạng thoát lũ rất chậm. Nếu mưa xảy ra với cường độ lớn, cộng với thủy triều thì mực nước nội đồng sẽ dâng nhanh, do vậy chúng tôi rất cần thông tin về tình hình điều tiết các hồ đập để có phương án xử lý kịp thời”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cũng cho rằng, các hồ đập có vùng ảnh hưởng hạ du lớn không nên xả lũ vào thời gian cao điểm của đợt mưa lũ sắp tới.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác phòng chống siêu bão HaiYan sẽ phải hoàn tất trước trưa nay (10/11). Có thể thấy rằng, động thái chủ động “đón đầu” xả lũ của các công trình thủy lợi là nước cờ giành chiến thắng trong công cuộc bảo vệ an toàn hồ chứa và giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du.

Theo Nguyễn Oanh baohatinh.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây