Người đó là ông Nguyễn Đức Hồng (SN 1943), năm xưa là người yêu của nữ Tiểu đội trưởng TNXP.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt của những ngày tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Tân Hạ, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cái tên người thương binh Nguyễn Đức Hồng không còn lạ lẫm với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Đức Hồng năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Ký ức đã lẫn màu thời gian nhưng lời hẹn thề năm xưa với nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần vẫn không phai mờ. Những kỷ niệm, ấn tượng về người phụ nữ một thời ông đã yêu vẫn còn sống mãi.
Lần giở những ký ức thời gian, người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đức Hồn, xúc động kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện tình trong những năm tháng “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”…
Ông kể: "Tôi và Tần quen thân nhau từ nhỏ. Nhà gần nhau nên hoàn cảnh, tính nết của Tần tôi rất hiểu. Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống giản dị, tiết kiệm, chịu đựng gian khổ để học tập.
Năm 1963 - 1964, khi ấy Tần là phó Bí thư Chi đoàn địa phương. Tính tình vừa hiền dịu lại năng động nên Tần có rất nhiều người để ý. Tôi cũng nằm trong số đó.
Mến người đã lâu nhưng đến đầu năm 1964, tôi mới bạo dạn ngỏ lời và được Tần cùng gia đình chấp thuận. Tháng 10/1964, chúng tôi tiến hành lễ dạm ngõ. Lễ dạm ngõ theo phong tục gồm: một con lợn gần tạ ba, sau đó đem chia thịt lợn và 1 cái bánh chưng, cau trầu cho bà con hai họ. Sau lễ đó, hai họ công nhận chúng tôi là vợ chồng và được coi như con cháu trong nhà. Đợi tổ chức lễ cưới sẽ chính thức đưa Tần về nhà tôi".
Tuy nhiên, vì sống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nên chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng sau đó đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu chuyện về mối tình năm xưa bỗng dưng đứt quãng, ông Hồng khẽ uống một ngụm nước trà, giọng ông chầm chậm nhớ lại giây phút chia tay, cũng là lần cuối cùng bên người vợ sắp cưới.
"Sau khi biết có lịch lên đường, tối hôm đó tôi sang nhà Tần chơi. Mặc dù đã làm lễ dạm ngõ, nhưng mỗi lần sang chơi ông Cung – bố cô Tần, chỉ cho chúng tôi ngồi đối diện nói chuyện dưới ánh đèn dầu, còn ông bà cứ vào ra gần đó.
Nhưng hôm ấy, 2 cụ bỗng dưng ra ngoài sân để chúng tôi trong nhà tự nhiên tâm sự. Tuy nhiên, hơn 1 giờ đồng hồ, 2 chúng tôi không ai nói với nhau một lời. Mỗi lần tôi định nói, ngước lên nhìn mắt Tần lại thôi.
Lọn tóc của chị Tần và chiếc lược hẹn ước - những kỷ vật này hiện đã được ông Hồng đem tặng và trưng bày tại Bảo tàng Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc
Chỉ đến khi chuẩn bị lên đường nhận quân tại Ngã 3 Đồng Lộc, hôm ấy trời mưa như trút, Tần tất tả lội nướcđến để tiễn tôi. Tần cầm tay tôi thật lâu rồi lấy từ trong túi trao tôi 2 món quà là một bức ảnh và một lọn tóc thề. Khi ấy tôi xúc động lắm.
Tần dặn tôi: "Anh đi cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ của một người bộ đội chứ anh mà đào ngũ là nỏ (không – tiếng địa phương – PV) được đó”. Khi đó tôi không nói được gì, hồi sau mới hứa với Tần rồi trao cho Tần chiếc lược làm kỷ vật.
Trong cuộc sống hàng ngày, Tần là cô gái vui vẻ, cởi mở, tính nết thẳng thắn, vô tư yêu đời song rất dứt khoát, rành mạch. Lời dặn dò cũng là lời nhắc nhở của Tần theo tôi trong những năm kháng chiến ác liệt. Mỗi lần nhớ về Tần, lời dặn dò ấy lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi.
Ra chiến trường, ông Nguyễn Đức Hồng được phân về Trung đoàn 270, Quân khu 4, đi vào chiến trường Vĩnh Linh, Khe Sanh (Quảng Trị) sau đó được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu. “Trong suốt những năm tham gia chiến đầu, chỉ có 4 năm đầu thỉnh thoảng tôi có nhận được bức thư của Tần. Nhưng đến năm 1968 khi ra đảo Cồn Cỏ thì hoàn toàn mất liên lạc nên không co thông tin gì”, ông Hồng chia sẻ.
Giữa năm 1968, ông Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo (trên người ông hiện vẫn còn 6 mảnh đạn). Sau một thời gian điều trị vết thương, cuối năm 1968, ông Hồng được điều ra Bắc học tập. Tranh thủ thời gian này, ông Hồng xin phép thủ trưởng về quê cưới vợ.
Thế nhưng, bom đạn của kẻ thù không thể giết ông tại chiến trường song lại cướp đi người vợ sắp cưới của ông nơi hậu phương. Khi ông Hồng về đến nhà mới hay tin dữ: chị Võ Thị Tần đã hy sinh trong 1 lần tham gia san lấp hố bom và thông tuyến cùng tiểu đội tại tuyến lửa Ngã 3 Đồng Lộc vào năm 1968. Cũng năm đó, mẹ chị Tần cũng mất do Mỹ thả bom ngay tại địa phương.
Gia đình ông Hồng rước ảnh và lập bàn thờ liệt sĩ Võ Thị Tần tại nhà
Niềm khấp khởi của anh lính trẻ bỗng như có hàng ngàn mũi dao đâm. Hết phép, người thanh niên Nguyễn Đức Hồng rời quê hương lên đường trong lòng nặng trĩu. “Mãi đến nhiều năm sau này, tôi mới tin Tần đã mãi mãi ra đi”, ông Hồng xúc động.
Năm 1972, ông Hồng học xong về công tác tại Quân khu 4 ở Nghệ An. Cũng từ đó, bất kể có việc gì ở nhà ông Hồng thường xuyên qua lại săn sóc bố chị Tần.
“Đến sau này tôi mới nghe gia đình kể lại đã có lần gia đình gợi ý tổ chức lễ cưới không có mặt tôi để không cho Tần tham gia thanh niên xung phong. Nghe xong, Tần đã không đồng ý và nộp đơn tham gia thanh niên xung phong làm giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc”, ông Hồng nhớ lại.
Suốt nhiều năm kể từ ngày chị Tần mất, chàng trai Nguyễn Đức Hồng vẫn lặng lẽ một mình, ngày ngày qua chăm sóc cụ Cung là cha ruột của chị Tần. Cảm động tấm chân tình đó, cụ Cung nhiều lần bàn ông Hồng đi bước nữa nhưng lần lữa mãi ông Hồng vẫn không chịu. Rồi chính cụ Cung dẫn về một người con gái làm mối cho ông Hồng là bà Võ Thị Minh, đây cũng là người vợ hiện tại của ông Hồng.
Cảm động trước mối tình chung thủy của chồng, bà Minh đã rước ảnh chị Tần về thờ trong chính ngôi nhà của mình. “Từ lâu chị Tần đã là một thành viên trong gia đình chúng tôi”, bà Minh cho hay.
Bà Võ Thị Minh - người vợ hiện tại của ông ông Nguyễn Đức Hồng.