Trên Business Spectator, tiến sĩ Benjamin Herscovitch (Trung tâm nghiên cứu độc lập của Úc) vừa có bài viết phân tích những sai lầm của Trung Quốc tại biển Đông thời gian qua. PV xin trích đăng lại quan điểm của ông.
Không chỉ là một nhà chiến lược quân sự khôn ngoan, Tôn Tử còn là một người ủng hộ tính bình đẳng của pháp luật. Trong cuốn Binh pháp Tôn Tử mà ông viết vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Tôn Tử lập luận: "Khi nói đến việc thiết lập các quy tắc và quy định, tất cả mọi người, dù sang hay hèn đều nên được đối xử như nhau".
Thật đáng tiếc, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như coi thường bài học bình đẳng này trong chiến lược quan hệ quốc tế. Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, Trung Quốc không cần phải bình đẳng với các quốc gia khác. Họ vẫn giữ nếp nghĩ mình là Trung Nguyên và các nước nhỏ khác là chư hầu.
Tư tưởng này thể hiện rõ trong khu vực biển Đông, nơi mà Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận các quy tắc ứng xử và muốn dùng cơ bắp kiểm soát lãnh thổ tranh chấp theo cách họ muốn. Cần nhớ, năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ra tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Tuyên bố này kêu gọi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và chấm dứt việc thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Nó cũng là tiền đề cho việc thông qua một quy tắc ứng xử (COC) để "thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực".
Việc Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương để củng cố và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ trên biển Đông, là một sự nhạo báng với những tuyên bố mà họ cam kết (DOC). Trường hợp nổi bật gần đây nhất là việc Trung Quốc thúc đẩy kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012 hay Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhỏ nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng đường lưỡi bò ở biển Đông (đè lên cả vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác) là một "lợi ích cốt lõi" và rằng, Bắc Kinh sẽ không 'thỏa hiệp' hoặc 'nhượng bộ' trong việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ.
Chúng ta hiểu trong đàm phán thì việc thỏa hiệp và nhượng bộ là một phần để đạt được thành công chung. Thái độ của Trung Quốc chỉ rõ ra rằng sự tham gia của họ trong các cuộc thảo luận để ra tuyên bố COC chỉ là sự vờ vịt.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh luôn nhận thức sâu sắc rằng Trung Quốc sẽ kiếm được nhiều thứ, chẳng mất mát gì trước khi có một quy định mang tính ràng buộc ở biển Đông (COC).
Bởi khi có một quy định mang tính ràng buộc như COC thì Trung Quốc sẽ không thể tự tung tự tác mà bị trói trong khuôn khổ luật định. Do vậy, họ trì hoãn việc họp bàn COC để "vơ càng nhiều càng tốt".