Trung tá Trần Xuân Linh, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Đức Thọ cho rằng, nếu không dẹp bỏ được các bãi cát trái phép từ trên bờ thì nỗ lực của các lực lượng chức năng trong cuộc chiến dưới dòng sông cũng chỉ là “ném đá ao bèo”. Nguyên nhân vì nguồn lợi bất chính từ việc khai thác cát lậu là rất lớn, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức ngăn ngừa. Một nguyên nhân nữa khiến cuộc chiến chống “sa tặc” trên sông La trở nên cam go là vì các đối tượng khai thác chủ yếu ở khúc sông sát với khu vực giáp rang giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Khi xuất hiện lực lượng công an, các đối tượng với những phương tiện có công suất lớn đã nhanh chóng tẩu thoát sang địa phận tỉnh khác, gây ra nhiều khó khăn cho việc vây bắt, xử lý.
Sự hoạt động ngang nhiên của các bãi tập kết cát trái phép đã tiếp tay cho “sa tặc”. Trên địa bàn Hà Tĩnh, những bãi cát kiểu này đã lên đến con số hàng trăm. Chỉ tính riêng 3 địa phương Đức Thọ, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh (là nơi tập kết cát khai thác trên sông La) cũng có khoảng 30 bãi cát, hầu hết là không được cấp phép hoạt động. Các ngành chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, dẹp bỏ nhưng khó khăn nảy sinh từ sự “chây ì” từ phía chủ bãi cát và cả chính quyền một số địa phương cấp xã. Điển hình cho tình trạng này là bãi cát tại xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ) của Công ty TNHH Hoàng Ngọc (có trụ sở tại thị xã Hồng Lĩnh). Bãi cát này không được cấp phép hoạt động và khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì chủ bãi cũng không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc số cát đang tiêu thụ. Được biết, điểm tập kết cát trái phép này đã nhiều lần bị xử lý, yêu cầu chấm dứt hoạt động nhưng chủ bãi vẫn không chấp hành. Bãi cát vẫn ngang nhiên tồn tại như một lời thách thức đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, ngoài việc lập bãi tập kết kinh doanh cát có nguồn gốc khai thác trái phép như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh trong bài “Nhiều cơ quan nhà nước tiếp tay cho sa tặc”, còn thể hiện sự tiếp tay một cách gián tiếp cho các tàu cát lậu bằng việc “ưu ái” các đối tượng này trong hoạt động thu phí lưu thông qua công trình thủy lợi. Công ty này thực hiện việc thu phí lưu thông đường thủy đối với các phương tiện tàu, thuyền khi qua các cống thủy lợi: Trung Lương, Bùi Xá và Đông Huề - Đông Mỹ. Đối với các loại tàu chở cát khi lưu thông qua các cống này, các nhân viên Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thu phí với mức từ 20 – 50 nghìn đồng/lượt, theo hình thức “tiền trao tay” và không xuất bất kỳ biên lai thu phí hay chứng từ nào. Trong khi đó, Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định rõ về mức thu đối với các loại thuyền, sà lan khi lưu thông qua các công trình thủy lợi là 6000 đồng/tấn/lượt. Nếu thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ thì mỗi lượt tàu chở cát (có trọng tải từ 40 đến 70 tấn) qua các cống thủy lợi do Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý phải từ 240 – 420 nghìn đồng/lượt.
Nếu Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thực hiện đúng theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì việc phải đóng phí tới hàng trăm nghìn đồng mỗi lượt lưu thông qua cống sẽ khiến các đối tượng khai thác, vận chuyển cát lậu “ngán” và bỏ cuộc. Và rõ ràng, việc đặt ra mức thu phí một cách chủ quan, “hữu nghị” một cách bất thường của Công ty này không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát trái phép có cơ hội hoành hành.
theo Phạm Tường (Báo Bảo vệ pháp luật, số 58)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn