Đây là chiến sĩ thứ 19 tử vong sau vụ rơi máy bay này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Nguyễn Tiến Bình, giám đốc Học viện Quân Y cho biết sức khỏe của 2 chiến sĩ còn lại trong vụ rơi máy bay là Đinh Văn Dương và Nguyễn Hoàng Anh cũng đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Đã có hàng trăm cán bộ y tế của 7 bệnh viện được huy động cấp cứu, điều trị cho các chiến sĩ trong 12 ngày vừa qua (từ ngày 7-7), nhưng “tiên lượng sức khỏe hai đồng chí Hoàng Anh và Dương trong những ngày tới đều rất dè dặt, chúng tôi cố gắng bằng mọi nỗ lực nhưng phải xác định việc cứu sống được các đồng chí là một kỳ tích”- ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn văn Bính (anh cả của thượng úy Tuấn) thượng úy Tuấn quê ở Lục Nam, Bắc Giang, vợ là cán bộ thư viện ở trường tiểu học quê nhà, hai con còn rất nhỏ.
Thượng úy Tuấn là một trong những chiến sĩ không cần nhận dạng ADN sau vụ nổ máy bay dù mặt, toàn thân bỏng nặng, khó nhận dạng nhờ vào việc ông Bính nhận ra em mình qua ngón chân cái rất giống anh và vết sẹo ở gần xương quai xanh ở vai phải.
Điều ông Bính mong chờ nhất trong những ngày trông em trai trong bệnh viện là thượng úy Tuấn được sống làm chỗ dựa cho vợ con và gia đình, nhưng giờ đây thì điều mong ước đó đã không thành.
Trước đó, vào lúc 7g46 phút ngày 7-7, máy bay trực thăng Mi171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bay huấn luyện nhảy dù đã bị mất liên lạc và rơi tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3km.
Trên máy bay lúc đó có tổng số 21 sĩ quan, chiến sĩ thì 18 chiến sĩ đã hy sinh và 3 người bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105, Sơn Tây - Hà Nội.
theo LAN ANH - BÁ QUỲNH (TTO)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn