Minh chứng của một thời hào hùng
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác (gọi là đi B) và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như Huân chương, Huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng…
Thân nhân cán bộ đi B xúc động khi xem lại hồ sơ, kỷ vật.
Sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể năm 1976, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về cho Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ trong đó có khối hồ sơ, kỷ vật chuyển về cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, hiện nay đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, khi được bàn giao về cơ quan lưu trữ,Trung tâm đã chỉnh lý khoa học khối tài liệu này, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng Internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B từ các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, triển khai Đề án sao và trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó đã trao Danh mục và sao trả 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về Chi cục Văn thư, Lưu trữ 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.
Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B.
Vẹn nguyên ký ức
Nhiều năm gần đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm về hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B ở các tỉnh, thành phố. Những ngày tháng 7 này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao trả những kỷ vật gắn bó một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết, gian khổ trên chiến trường của các cán bộ đi B.
Nhận lại hồ sơ đi B của em gái liệt sỹ, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, bà Dương Thị Tiểu Mai (85 tuổi, sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tốt nghiệp phổ thông, em gái bà - Dương Thị Xuân Quý thi đỗ và trở thành sinh viên khoa đầu tiên trường Báo chí Trung ương. Sau ba năm học tập (1959- 1961), Xuân Quý được nhận về làm việc tại tòa soạn báo Phụ nữ Việt Nam. Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ mở rộng ra miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý là cây bút xông xáo, có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhiều hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B chưa xác định được chủ nhân. (Ảnh: HT)
Theo bà Mai, vào năm 1965, em gái bà viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4/1968, Quý lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, gửi lại con gái mới 16 tháng tuổi cho mẹ đẻ. Cuối năm 1968, Dương Thị Xuân Quý xin đi thực tế tại Quảng Đà, một vùng sâu ác liệt bậc nhất của chiến trường Khu Năm, nơi đọ súng từng ngày giữa ta và địch. Và tại đấy, trong một trận càn quét tàn bạo quy mô lớn của quân đội đánh thuê Hàn Quốc tại xã Duy Thành huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ngày 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý đã anh dũng hi sinh khi mới 28 tuổi.
Xúc động nhớ lại ngày chia tay em gái lên đường đi B, bà Dương Thị Tiểu Mai chia sẻ: "Khi đó, gia đình tôi đi sơ tán hết, chỉ còn 2 chị em ngồi ăn bữa cơm để chia tay. Tôi đem gạo đổi ít bún ăn với canh cà chua. Tôi không ngờ, đó lại là bữa ăn cuối cùng hai chị em ngồi với nhau, để ngày hôm nay, khi nhận lại những kỷ vật của em, tôi thấy tất cả quá khứ như hiện về trước mắt, thiêng liêng và ý nghĩa vô cùng".
Là một trong số những người được nhận lại hồ sơ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, ông Nguyễn Văn Đào (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, năm 1973, ông tham gia chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Bản thân ông cũng đã nghĩ, sau bao năm, hồ sơ của mình đã mất nhưng không ngờ được Nhà nước lưu giữ cẩn thận. “Được nhận lại hồ sơ và cầm trên tay kỷ vật ngày đó, ký ức hào hùng lại ùa về. Đó là những năm tháng hào hùng, không thể nào quên” - ông Nguyễn Văn Đào xúc động nói.
Nhận lại kỷ vật của mình gồm các cuốn sách, hồ sơ, ông Hoàng Tư Hậu (quê Nghệ An) cũng rất vui khi được trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III một số kỷ vật ông sưu tầm được từ đồng nghiệp gồm chiếc võng của một giáo viên đi B; các bức thư của liệt sĩ Hoàng Nghĩa Minh đi B năm 1965, hy sinh tại Đông Nam Bộ và các kỷ vật thẻ nhận trợ cấp, giấy căn cước của liệt sĩ; các hình ảnh, sách vở của các nhà giáo người Nghệ An đi B. Ông Hoàng Tư Hậu cũng mong rằng các kỷ vật này sẽ giới thiệu rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ để giúp họ ghi nhớ lịch sử hào hùng của cả dân tộc.
Tiếp tục giải mã thông tin về cán bộ đi B
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, hiện tại, Trung tâm đã xây dựng được 72.000 hồ sơ cán bộ đi B. Đây là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác; hồ sơ từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Trong khối tài liệu nói trên, chiếm một phần rất lớn là hồ sơ của các y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… vào Nam công tác theo con đường dân sự do Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý.
Theo bà Trần Việt Hoa, thời gian qua, các cán bộ lưu trữ đã cố gắng bảo quản, lưu trữ và phát huy tốt nhất giá trị các hồ sơ. Sau đó, đã thực hiện việc trao trả bản sao hồ sơ cho các địa phương; tiếp tục tìm các cán bộ đi B để trả lại. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 30% cán bộ đi B nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình. Theo quy định, hiện nay các hồ sơ được lưu vĩnh viễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia, còn kỷ vật của các cán bộ thì sẽ được trả lại cho thân nhân của họ.
Mặc dù Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vẫn luôn trăn trở, mong muốn tìm lại chủ nhân của những hồ sơ đó nhưng hành trình tìm kiếm và xác minh thông tin rất khó khăn. Bởi lẽ, nhiều chủ nhân của các hồ sơ, kỷ vật đã hy sinh, nhiều người thay đổi tên họ, thân nhân của các cán bộ này cũng đã thay đổi nơi sinh sống; cùng với đó, nhiều cán bộ đi B đã cao tuổi, có những người cũng chưa biết rằng hồ sơ của họ được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia.
Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vẫn tiếp tục nỗ lực giải mã kho thông tin đặc biệt về số phận những con người này với mong muốn trao trả hồ sơ một cách nhanh nhất, sớm nhất và hiệu quả nhất. “Để đạt được điều này, cần sự chung tay của nhiều cơ quan đơn vị. Khi kỷ vật đi B trở về với gia đình, điều đó đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước và xã hội đã chung tay thực hiện tốt việc ‘đền ơn đáp nghĩa’” – bà Trần Việt Hoa khẳng định./.
Link gốc: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tim-lai-chu-nhan-cua-cac-ho-so-can-bo-di-b-615981.html