Trong hành trình tri ân những ngày tháng 7, Phóng viên Gia đình và Xã hội, Báo Sức khỏe & Đời sống theo chân những đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về những địa chỉ đỏ nơi vùng đất lửa Quảng Trị. Chúng tôi kính cẩn thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những liệt sĩ đã ngã xuống vì lý tưởng cao cả cho nền độc lập, tự do của dân tộc đang an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, là hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia của tỉnh Quảng Trị.
Những dòng người từ mọi miền Tổ quốc hướng về những liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống và đang nằm lại tại vùng đất lửa Quảng Trị.
Hai nghĩa trang này là nơi an nghỉ của hơn 20 ngàn liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những người con can trung của đất Việt nằm lại mảnh đất này đều mang những câu chuyện riêng của mình. Trong hành trình đó chúng tôi may mắn được chứng kiến và nghe kể nhiều câu chuyện vô cùng ý nghĩa.
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập dân tộc.
Những hành trình dằng dặc đầy nhân văn
Trò chuyện cùng ông Lê Văn Dăng, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, người có nhiều năm gắn bó với công việc tại các nghĩa trang liệt sĩ, ông đã được lắng nghe, tiếp xúc với rất nhiều câu chuyện xúc động trong công tác tiếp đón thân nhân liệt sĩ.
Trò chuyện cùng ông Lê Văn Dăng, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị.
Theo dòng hồi ức ông kể về câu chuyện ấn tượng nhất mình từng chứng kiến trong hàng ngàn câu chuyện của những người đi tìm mộ liệt sĩ. Đó là câu chuyện về người phụ nữ được chồng cùng đồng hành trong hành trình đi tìm mộ người yêu là liệt sĩ.
Ông nhớ năm 1999, bà Nguyễn Thị Thanh khoảng 50 tuổi, quê Nam Định tìm vào những nghĩa trang tại Quảng Trị để tìm phần mộ của người yêu. Sau nhiều lần tiếp xúc ông được bà Thanh kể lại câu chuyện của bản thân. Ngày nhập ngũ, người yêu của bà có tặng chiếc khăn tay thêu đôi bồ câu và dòng chữ "hẹn em về" rồi vào chiến trường. Thật đau xót, đó cũng là lần cuối mà bà Thanh gặp người yêu bởi sau đó anh đã hy sinh. Bà Thanh sau này lập gia đình, thế nhưng, lại không bao giờ quên lời hứa năm xưa và quyết tâm phải tìm được mộ anh, để đưa về quê hương.
Việc người đàn bà dằng dặc hành trình tìm mộ người yêu đã cảm động, ông Dăng còn ấn tượng hơn khi đồng hành cùng bà là người chồng. Ở vị trí người chứng kiến sự việc ông Dăng nghĩ người chồng của bà Thanh quá cao thượng khi đã hiểu và hỗ trợ vợ mình đi tìm mộ người yêu đã hy sinh.
Người cựu chiến binh tìm tên đồng đội trong hàng ngàn ngôi mộ trang nghiêm.
"Tôi đã rất ấn tượng khi một người phụ nữ đi tìm mộ người yêu, còn ấn tượng hơn khi người chồng cấp kinh phí và cùng vợ đi tìm. Người chồng đã bỏ qua những chuyện ghen tuông tầm thường để giúp vợ mình hoàn thành tâm nguyện và tôi nghĩ ông ấy cũng đang tri ân những người đã anh dũng ngã xuống cho hòa bình", ông Dăng chia sẻ.
Ông Dăng cũng cho biết, bằng sự cố gắng, bà Thanh đã tìm được phần mộ của người yêu xưa, là liệt sĩ. Sau đó, chị cùng với gia đình liệt sĩ làm các thủ tục, cất bốc hài cốt về an táng tại quê nhà.
Ông Dăng cũng vẫn luôn khắc khoải với câu chuyện của người mẹ đưa con gái đi tìm mộ người chồng liệt sĩ để con gái được thấy mặt cha. Đó là câu chuyện xảy ra từ khoảng 20 năm trước, với công việc của mình ông Dăng gặp không biết bao nhiêu là thân nhân liệt sĩ viếng mộ, tìm mộ. Ông vẫn nhớ hình ảnh người đàn bà đồng bào Mường từ tỉnh Cao Bằng nhiều lần vào các nghĩa trang tại Quảng Trị để tìm mộ người chồng được báo hy sinh tại chiến trường miền Nam Quảng Trị.
Thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu của bản thân cho Tổ quốc.
Theo người phụ nữ ấy chia sẻ, ngày ấy lấy nhau chưa bao lâu thì người chồng lên đường vào chiến trường. Người vợ mang bầu và sinh ra đứa con duy nhất của anh. Khi đã dần hiểu chuyện người con hỏi mẹ "bố của con mặt mũi như thế nào mẹ?", không có một bức hình để làm kỷ vật người mẹ ngậm ngùi nói "con hãy nhìn vào gương, mặt con như thế nào thì mặt bố như vậy". Rồi chị tiếp tục hành trình tìm mộ của chồng để thắp nén nhang tiếc thương và cho con nhìn thấy di ảnh của bố.
Hành trình ấy ông Dăng đã dẫn chị đi khắp các Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn… nhưng chưa tìm được mộ chồng của chị.
"Chị ấy nói với tôi rằng chồng chị đã góp một phần xương máu cho tổ quốc. Chị lấy cái điều tốt đẹp từ đó mà dạy cho con sống làm sao cho xứng đáng với bố của nó", ông Dăng kể.
Chiến đấu cùng hào, nằm lại chung một mộ
Ở vị trí trang trọng trong khuôn viên Nghĩa trang Quốc gia đường 9 có những ngôi mộ đặc biệt. Bởi đó là ngôi mộ chung của vài chục đến cả trăm liệt sĩ. Trong đó, nổi bật là hai phần mộ chung lớn nhất, lần lượt là nơi an nghỉ của 123 và 102 liệt sĩ Sư đoàn 320.
Hai phần mộ chung lớn nhất, lần lượt là nơi an nghỉ của 123 và 102 liệt sĩ Sư đoàn 320 tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.
Đó là nơi chôn cất của hài cốt các chiến sĩ cứu nước trong kháng chiến chống Mỹ không thể tách rời, do quân địch đã đào hố chôn tập thể rồi tẩm xăng đốt. Quá trình phát hiện và quy tập không thể tách hài cốt, dẫn đến các ngôi mộ tập thể được dựng lên nhằm hương khói cho những người đã khuất và tri ân sự hy sinh anh dũng.
Chúng tôi rời đi khi dòng người từ khắp mọi miền đất nước đến những nghĩa trang tại vùng đất lửa lại dần đông hơn. Mỗi người, trong họ đều mang sự thành kính, biết ơn sâu sắc nhất đến những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.