Về chung một nhà khi bản thân cả hai đã sẵn sàng về mọi thứ
1. Lớp trẻ trưởng thành trong điều kiện xã hội phát triển hơn, nhưng đi kèm đó cũng không ít áp lực vô hình, nhất là chuyện khẳng định mình trên con đường xây dựng sự nghiệp. Quan niệm “con nhà người ta” hay sự lung linh của những hình ảnh, video check-in du lịch nghỉ dưỡng sang chảnh từ tài khoản cá nhân của bạn bè, cũng vô tình đẩy nhiều bạn trẻ dẫn đến suy nghĩ tự buộc mình làm giàu nhanh.
Vì vậy, lập gia đình đôi khi được nhiều bạn trẻ đưa vào tình huống cùng nhau sẻ chia gánh nặng thành công, áp lực tài chính bởi 2 người cố gắng vẫn hơn một người. “Nhiều bạn thích tự do nhưng tôi thích sự ổn định, lập gia đình sớm thì có người phụ mình gánh vác nhiều mặt, nhất là tài chính, vì đa phần các bạn nam sẽ năng động hơn phái nữ trong chuyện làm ăn, tìm kiếm nguồn thu nhập phụ”, Đ.T.T.T. (27 tuổi, quận 6, TPHCM) chia sẻ.
Khác với sự tự do, bay nhảy trên những chuyến đi đến miền đất lạ hay theo đuổi sở thích cá nhân ở năm tháng thanh xuân, không ít bạn trẻ chọn cách lập gia đình như một sự ổn định cho chính mình. Và từ câu nói “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, không ít người đặt cho mình vị trí an phận, giấy kết hôn cũng như tờ bảo hiểm mọi mặt trong đời.
Kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp cấp III, P.N.H. (25 tuổi, quận 8, TPHCM) cho biết: “Mỗi người có một năng lực nhất định, không thể đòi hỏi mình phải bằng người này hay hơn người kia. Đôi khi lấy chồng để giảm bớt áp lực kinh tế trong cuộc sống cũng không có gì sai, vì của chồng công vợ mà”.
2. Khái niệm “quá lứa, lỡ thì” tưởng chừng như câu chuyện lạ trong xã hội hiện đại, tuy nhiên đâu đó ở những vùng miền khác nhau, quan niệm này như một nỗi lo canh cánh bên lòng của gia đình có con gái.
Tốt nghiệp đại học và được công ty thực tập giữ lại ở bộ phận nhân viên thiết kế quảng cáo, nhưng Nguyễn Phan Thảo Trang (27 tuổi, quê Vĩnh Long) đành từ chối cơ hội tốt để về quê và hoàn thành mục tiêu trước mắt là lập gia đình. “Vì tôi là con một trong nhà, ba mẹ cũng đã gần 70 hết rồi nên lập gia đình sớm một chút để ba mẹ yên tâm. Tôi và bạn trai cũng đã tìm hiểu từ năm 2 đại học, nên cưới sớm một chút cũng không sao. Có người bên cạnh, cùng mình làm việc phấn đấu cho sự nghiệp sẽ đỡ vất vả hơn và ba mẹ cũng yên lòng khi thấy mình trưởng thành”.
Và trong những câu chuyện lập gia đình ở độ tuổi mà nhiều người bận lo sự nghiệp, thực hiện đam mê… với nhiều bạn trẻ, còn là cách để bản thân mình ổn định trước khi thực hiện những mục tiêu lớn trong đời. Đình Thiên Toàn (28 tuổi, quận 5, TPHCM) kể: “Hồi cấp III tôi khá quậy, tưởng đâu không đậu tốt nghiệp nổi, nhưng may sao cũng vào được đại học. Tôi nghĩ lập gia đình sớm hay trễ chỉ là chuyện thời gian thôi. Có người bên cạnh, đồng hành cùng mình trong nhiều việc sẽ giúp mình trách nhiệm và chín chắn hơn trong nhiều quyết định, vì không chỉ có mình mà còn có thêm một người để mình quan tâm, chăm sóc”.
Lập gia đình, lấy chồng sớm hay trễ là quyền tự do quyết định của mỗi người. Những năm tháng thanh xuân, có người cùng đồng hành trong mọi chặng đường là một may mắn, nhưng không có cũng không có nghĩa là thiếu may mắn. Chỉ đơn giản là chúng ta chưa sẵn sàng để bắt đầu mối quan hệ chung một mái nhà.
Cuộc sống gia đình không đơn giản như khi còn độc thân, bởi sự kết nối giữa 2 con người và cùng với đó là 2 gia đình khác nhau. Chưa có sự sẵn sàng về mặt tâm lý rất dễ dẫn đến chuyện hục hặc, vì giữa những người xa lạ, sự thấu hiểu và đồng cảm không thể đến một sớm một chiều.
“Chúng tôi cưới nhau khi vừa tốt nghiệp đại học, cưới gần 5 năm rồi nhưng suýt bỏ nhau 2 lần, cũng vì những chuyện vụn vặt trong gia đình nhiều thế hệ và chưa hiểu ý nhau. Một chuyện quan trọng hơn trong đời sống gia đình là ổn định về mặt tài chính, cả hai phải cùng vững vàng để khi gặp sự cố không rơi vào bế tắc. Nếu kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào ba mẹ, tôi nghĩ hãy khoan lập gia đình, vì đụng đến tiền bạc dễ cãi vã lắm”, Huỳnh Thị Thanh Tâm (28 tuổi, nhân viên văn phòng, quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ.
Lập gia đình sớm hay muộn hoặc không lập gia đình, cũng là quyền lựa chọn cá nhân. Chỉ cần bạn thấy hài lòng và đủ sức để chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Và bản thân mỗi người chính là tấm bằng bảo hiểm quan trọng và an toàn nhất với chính mình, chứ không phải từ ngoại lực hay một ai khác.
Link gốc: https://www.sggp.org.vn//giay-ket-hon-khong-phai-to-bao-hiem-829432.html