Nuôi ong từng cho thu nhập khá
Với mong muốn tận dụng nguồn hoa tự nhiên phong phú tại địa phương và làm giàu ngay trên chính quê hương, năm 2008, ông Dương Hữu Thọ lặn lội tìm đến các hộ nuôi ong tại Đắk Lắk để học tập mô hình và mua đàn ong mang về Hà Tĩnh nuôi.
Sau hai năm thất bại, “cùng ăn, cùng ngủ” với ong, ông đã hiểu rõ đặc tính của con ong, nắm được các bệnh ong thường gặp, có thể “bắt bệnh” và chữa trị để ong luôn khỏe mạnh, cho những giọt mật ong thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của hoa bưởi và các loại hoa quen thuộc của núi rừng Hương Khê.
Từ năm 2010, ông Thọ thành công trong việc nuôi ong, lúc cao điểm nhất ông nuôi hơn 300 đàn. Lúc đó, nhiều người tìm tới ông học nghề, số người nuôi ong số lượng lớn tại địa phương ngày càng tăng. Với thành công và lợi ích từ việc nuôi ong mang lại, năm 2012, Tổ hợp tác mật ong Hương Bưởi được hình thành. Năm 2017, thành lập HTX mật ong Hương Bưởi do ông Dương Hữu Thọ làm Giám đốc.
Mật ong Hương Bưởi đã được cấp tem nhãn, mã vạch... Ảnh: N. D.
Khi thấy ông Thọ phát triển đàn ong và kinh tế gia đình ngày càng khá giả, nhiều người dân trong xã cũng làm theo. Hiện, trên địa bàn xã Hương Trạch hầu như nhà nào cũng nuôi ong. Những hộ nuôi nhiều thì vào HTX mật ong Hương Bưởi.
“Thời điểm tôi mới nuôi ong, việc bán mật rất thuận lợi, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, có thời điểm không có mật để cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi năm gia đình tôi bán hơn 1.500 chai mật, tôi có điều kiện xây nhà, sắm ô tô, đầu tư cho con cái học hành” - ông Thọ nói.
Tiêu thụ ngày càng khó
Hiện nay, HTX Mật ong Hương Bưởi có 9 thành viên với hơn 300 đàn ong, mỗi năm thu về trên 15 tấn mật. Cùng với việc bán ong giống, phấn hoa, sáp ong và sữa ong chúa, doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu khá lớn so với các nguồn lợi kinh tế khác tại địa phương.
Tuy nhiên, điều đáng nói là HTX có thể mở rộng quy mô, tăng đàn, sản xuất nhiều mật ong hơn, song lại ngại vì không có đầu ra ổn định. Thời gian này, mật ong của HTX ngày càng khó tiêu thụ hơn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Dương Hữu Thọ trầm ngâm: "Trước đây, tôi nuôi 300 tổ, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó và khá được giá. Thời đó, mật ong chưa có thương hiệu, chưa được cấp tem nhãn, mã vạch… thì tiêu thụ sản phẩm dễ. Nhưng thời gian này, khi có đầy đủ giấy tờ pháp lý thì lại khó tiêu thụ hơn, giá rẻ hơn, lại còn bị ép giá... Hiện nay, do sức khỏe kém, cùng với việc khó tiêu thụ sản phẩm nên gia đình tôi đã giảm đàn chỉ còn 80 tổ. Các thành viên khác trong HTX cũng không ai dám tăng đàn".
Ong được các thành viên HTX Hương Bưởi nuôi dưới những vườn cây rộng, phong phú các loại hoa. Ảnh: N. D.
“Tôi đã đi từ Nam ra Bắc liên hệ bán mật nhưng không thành công. Hiện nay, Đắk Lắk là thị trường chính nhưng sản lượng thấp và luôn bị ép giá. Đó là chưa nói đến việc thương lái chỉ mua mật thô giá rẻ, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Sản phẩm cũng đã được bày bán trong siêu thị nhưng sức tiêu thụ rất kém. Đầu ra khó khăn, nên chúng tôi tích cực tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại từ Bắc vào Nam nhưng sức tiêu thụ cũng khá chậm” - ông Thọ cho biết thêm.
Về nguyên nhân ông Thọ cho biết: Thứ nhất là do thói quen của người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng vẫn còn thích kiểu chai mật ong được đóng nắp bằng lá chuối khô, mua nhỏ lẻ trong dân. Thứ nữa là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa thật sự hiệu quả.
Mật ong của HTX Mật ong Hương Bưởi.
Anh Nguyễn Văn Hà - thành viên HTX cho hay: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ giám đốc HTX truyền nghề, nay tôi đã có 100 đàn ong, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Giờ đây, tôi muốn tăng đàn để tăng sản lượng mật ong nhưng sợ không có thị trường tiêu thụ. Giá mật ngày càng xuống thấp, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ, giúp HTX kết nối để tìm doanh nghiệp bao tiêu mới có thể phát triển bền vững”.
Người dân đến HTX để mua nguyên liệu về nuôi ong theo hộ gia đình. Ảnh: N. D.
“Hiện nay, chúng tôi đang làm hồ sơ để xây dựng sản phẩm mật ong Hương Bưởi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đây là động lực để HTX mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức tiêu thụ sản phẩm, tăng nguồn thu. Khi đó, HTX mới mạnh dạn đầu tư hệ thống máy hạ thủy phần để tách lọc, xử lý mật ong, đáp ứng các tiêu chuẩn khi tham gia xuất khẩu” - ông Thọ chia sẻ.
Sáp ong sau khi được chưng cất được bán để làm mỹ phẩm...Ảnh: N. D.
Trao đổi với Dân Việt, ông Cao Quốc Hội - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho hay: Việc nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Từ việc nuôi ong mà nhiều hộ dân đã có kinh tế ổn định, nhiều hộ xây được nhà khang trang, mua được ô tô. Nhưng thời gian gần đây sức tiêu thụ và giá cả của sản phẩm có giảm hơn nhiều so với trước. Chúng tôi đang cùng HTX xây dựng hồ sơ để đăng ký mật ong Hương Bưởi là sản phẩm chủ lực của địa phương (OCOP), hi vọng khi đó việc tiêu thụ cũng như giá bán mật ong sẽ được cải thiện.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn