Quang cảnh phiên họp sáng nay 30/5
Vấn đề giá điện đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội sáng nay (30/5) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời lên tiếng đề nghị phải công khai, minh bạch, công bằng, và cho rằng Kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc đối với kinh doanh ngành điện.
Giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) quan tâm tới việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% từ ngày 20.3 và Chính phủ đã có báo cáo giải trình, khẳng định việc tăng giá này đúng quy trình.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không vì "Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định".
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)
Nhưng, việc tăng giá mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức không tăng. "Việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ". Bày tỏ rõ quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Chính phủ “giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện”.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng “việc tăng giá điện thời điểm này không phù hợp”. Đồng thời, đề nghị “Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện; có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào".
Việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất gây bức xúc cho người dân. Chỉ rõ hệ lụy này, ĐB Nguyễn Thị Phúc đề nghị, “Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng "té nước theo mưa” để tăng giá các mặt hàng khác"; đẩy mạnh theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp, kịp thời có biện pháp nếu có biến động.
Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện phù hợp với thực tiễn
Cũng liên quan giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) nêu vấn đề: “Từ thuở khai sinh ngành điện nước nhà, giá điện luôn luôn tuân theo quy trình bất biến, đã tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi”. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, “người dân ủng hộ chủ trương chung và giá điện, nhưng điều cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải lấy làm gốc và căn cứ vào đó dù bảng giá điện tăng 6 bậc hay 100 bậc thì giá lẻ điện bình quân là phải được chấp hành và không được thay đổi.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều điều cần làm rõ. Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ là 8,36% là chưa chuẩn xác, khi mà số tiền điện phải trả cho hóa đơn thực tế nhà đèn cho những tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện là nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba, và không phải họ không biết là tăng giá điện do nắng nóng.
“Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải lấy làm gốc và căn cứ vào đó dù bảng giá điện tăng 6 bậc hay 100 bậc thì giá lẻ điện bình quân là phải được chấp hành và không được thay đổi”. Chỉ ra vấn đề có tính nguyên tắc này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, qua hỏi các chuyên gia, họ đều cho rằng việc chia bậc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm các nguyên tắc tiết kiệm điện, thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định của Chính phủ, “bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp, không phải người dân”.
Chia sẻ tâm tư rất đáng suy nghĩ của cử tri trong tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, cử tri nói rằng, cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp 150kw/h và chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo ở những vùng khó khăn. “Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện phù hợp với thực tiễn chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, “không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, điện cứ tăng và đổ cho thời tiết là hợp lý nhất mà không phải giải thích nhiều”. EVN là cơ quan quản lý nhà nước, cứ so sánh giá điện tăng thấp, nhưng so sánh mà chỉ so sánh đầu ra, chưa so sánh đầu vào là sự so sánh khập khiễng. Độc quyền của EVN do Nhà nước ưu đãi đầu tư mà chưa tính đến chuyện thất thoát điện năng. Đó là chưa nói đến thu nhập đầu người chúng ta hiện nay còn thấp.
Có một điều rất đáng nói, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, là “ở một số nước giảm giá điện khi trời nóng cao, sao không ai so sánh? Cứ rao giảng rằng tăng giá điện trên thực tế thì người dân đều được lợi nhưng người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy. Chưa kể lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được không khi tôi nghe rằng các dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ? Sự thất thoát cho chậm tiến độ như thế nào?”.
Giá điện ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát
Ở góc độ khác, liên quan đến giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn, theo thống kê của Chính phủ, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong 3 năm qua, lạm phát tăng 1,84% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lạm phát đầu năm chưa đáng lo ngại nhưng giá điện, xăng dầu (chi phí đầu vào) tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản.
Bà Yến chỉ ra tác động của tăng thuế môi trường lên giá xăng sẽ làm mặt hàng này, dự kiến tăng 5% so với năm 2018. Ngoài ra, ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tràn lan khiến vị đại biểu này quan tâm.
Đặt trong bức tranh tổng thể đó, giá điện tăng là một nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng. Theo đại biểu Yến: “Giá điện tăng từ cuối tháng 3 nhưng tháng 4 đã thấy ảnh hưởng rồi”, bà Yến nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong rằng Chính phủ quan tâm có những giải pháp hữu hiệu để giữ lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bà kiến nghị cần quyết định thời điểm tăng giá và theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ công phù hợp, tránh tác động đến CPI.
“Cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vi mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế, hạn chế lạm phát như những gì quốc hội đã đề ra”, bà Yến nói.
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Bước sang năm 2019, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,68%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; dịch vụ tăng 6,5%. Trong phần thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại xung đột thương mại giữa các nước, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể gây tác động xấu tới nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, một số đại biểu cũng lo ngại diễn biến của giá dầu và việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay (dưới 4%). Nhiều đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay mà Bộ Công Thương áp dụng. Một số khác băn khoăn với việc điều chỉnh giá điện từ 20/3. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó đã lý giải việc chọn thời điểm tăng vào ngày 20/3 là hợp lý. Ông cho rằng nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng phải gấp đôi mới có thể trang trải được khoản thiếu chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. |
Ngọc Mai
Theo Công Lý