Theo BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, nhiều gia đình thường dùng điện thoại hoặc tivi để "dụ" trẻ ăn. Tuy nhiên, bác sĩ Hằng cho rằng thói quen này là nguy hiểm tiềm tàng đối với trẻ nhỏ, lâu dần sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, bao gồm:
Ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa
Việc vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi sẽ gây đau dạ dày do ngồi lâu trong nhiều giờ đồng hồ để ăn hết lượng thức ăn mà phụ huynh đưa ra sẽ làm giảm tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, khiến thức ăn bị tiêu hóa chậm hơn.
Ngoài ra, khi ăn, não sẽ phát các tín hiệu xuống dạ dày để làm tiết dịch vị và men tiêu hóa. Nếu dùng điện thoại, tivi, tín hiệu này bị chia sẻ bớt trên não dẫn tới hệ tiêu hóa của trẻ bị rối loạn, thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ gây ứ đọng dễ sinh ra các bệnh viêm dạ dày, viêm ruột.
Gây thừa cân béo phì
Việc ăn trong lúc xem tivi hay điện thoại sẽ thu hút toàn bộ sự chú ý của trẻ làm cho trẻ không nhận ra được khi nào cảm thấy no. Khi "cảm giác no" trong não dần mất đi, trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn so với nhu cầu của trẻ, dẫn đến thừa cân, béo phì.
Mất cảm giác ngon miệng
Khi ăn trẻ không chú ý vào món ăn để thưởng thức vị của món ăn mà chỉ chăm chăm ngó vào tivi, điện thoại sẽ giảm cảm giác ngon miệng, dễ dẫn đến biếng ăn.
Thói quen xem tivi, điện thoại khi ăn là nguy hiểm tiềm tàng đối với trẻ nhỏ, lâu dần sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Ảnh: Freepik
Biện pháp giúp trẻ cai điện thoại, tivi khi ăn
Thời điểm mới bắt đầu cho ăn dặm, phụ huynh nên kiên nhẫn dụ bé ăn, không được dùng đến tivi, điện thoại hoặc máy tính bảng để thu hút sự chú ý của trẻ. Không ép trẻ ăn quá nhiều gây cho trẻ cảm giác sợ bữa ăn. Phụ huynh cũng không sử dụng thiết bị điện tử trong lúc ăn để làm gương.
Khuyến khích trẻ vào bếp nấu ăn cùng mẹ để trẻ cảm thấy thích thú hơn khi ăn những món ăn mình nấu. Sau đó, cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình sẽ giúp trẻ vui vẻ quên đi tivi, điện thoại.
Tạo cho trẻ cảm giác đói bằng cách không cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt hay uống nước ngọt trước thời điểm ăn bữa chính. "Nếu đói mà vẫn gào khóc đòi xem thì hãy cho xem 5 phút rồi tắt và ăn tiếp kèm thỏa thuận khi nào ăn xong sẽ mở cho xem trong khoảng thời gian ngắn", bác sĩ Hằng nói, thêm rằng thời gian mỗi buổi ăn của trẻ chỉ nên kéo dài khoảng 25 đến 30 phút.
Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà trẻ vẫn không sửa đổi được việc phải xem tivi, điện thoại khi ăn, ba mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được giúp đỡ. Tốt nhất là không nên hình thành thói quen này cho trẻ ngay từ đầu.
Theo Mỹ Ý Vnexpress.vn