Xin nghỉ thêm dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Trong tháng 4 này có 2 dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch, tức 18/4 dương lịch), Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5).
Theo Bộ luật Lao động, người lao động có hợp đồng được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 1 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày Giỗ Tổ năm nay rơi vào thứ Năm (18/4), liền sau ngày này là thứ Sáu (19/4), người lao động cả nước đi làm lại bình thường rồi lại nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.
Tuy nhiên, có doanh nghiệp đã chấp nhận cho người lao động được nghỉ ngày thứ Sáu, làm bù sau để được nghỉ 4 ngày liên tiếp.
Anh Cao Văn Du, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trong ngành tài chính, cho biết, công ty quyết định cho người lao động nghỉ thêm ngày thứ Sáu (19/4) để họ có thời gian đi chơi hoặc về quê thăm gia đình.
“Một số gia đình nhân viên trong công ty đã lên kế hoạch đi chơi xa dịp lễ Giỗ Tổ để tránh tập trung đông người vào thời điểm 30/4 - 1/5. Nhiều người đã xin nghỉ phép ngày thứ Sáu để có kỳ nghỉ 4 ngày liên tiếp.
Để tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ ngơi, tôi quyết định cho nghỉ ngày thứ Sáu và đi làm bù vào ngày nghỉ đầu tháng 5”, anh Du nói.
Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Chị Lê Thị Hoa, nhân viên y tế của một bệnh viện ở TP. Hà Nội, cho biết, để có 4 ngày nghỉ liên tiếp dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chị đã chủ động xin cơ quan cho nghỉ phép ngày thứ Sáu để cùng gia đình đi Đà Nẵng chơi 4 ngày 3 đêm.
Theo chị Hoa, đi chơi vào dịp lễ Giỗ Tổ sẽ tránh được cảnh tập trung đông người vào kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Vé tàu xe, vé máy bay cũng rẻ và dễ mua hơn nên vợ chồng chị đã lên kế hoạch đi chơi cách đây 2 tuần.
Chị Hoa chia sẻ, do đặc thù công việc phải túc trực 24/24h phục vụ bệnh nhân, nên sau nghỉ phép vào dịp Giỗ Tổ, đến kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 chị sẽ trực bù vào ngày 1/5. Vì vậy cơ quan cũng sẵn sàng tạo điều kiện để chị có thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày liên tiếp
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án cho công chức, viên chức hoán đổi ngày làm việc (từ thứ Hai 29/4 sang thứ Bảy 4/5) để được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Do vậy nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi chơi, về quê thăm thân.
Việc bố trí kỳ nghỉ kéo dài giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi các gia đình đều tập trung đến các điểm du lịch sẽ không tránh khỏi cảnh đông người, chi phí đi lại và ăn nghỉ cao hơn.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp làm ngày thứ Bảy, lịch nghỉ 30/4 - 1/5 sẽ thực hiện theo thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động, không áp dụng lịch nghỉ 5 ngày liên tiếp trên.
Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4 -1/5 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện nghỉ ngày thứ Hai (29/4), người lao động sẽ chỉ được nghỉ liên tiếp 4 ngày từ Chủ nhật (28/4) đến hết thứ Tư (1/5), đồng thời phải đi làm bù vào ngày thích hợp.
Trường hợp doanh nghiệp tổ chức làm việc xen kẽ 2 thứ Bảy trong tháng và thực hiện nghỉ thứ Hai như lịch hoán đổi đã được thông qua, người lao động có thể nghỉ liên tiếp 5 ngày, đi làm bù vào dịp thích hợp.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không nghỉ ngày thứ Hai, người lao động chỉ được nghỉ Chủ nhật (28/4), thứ Ba (30/4) và Thứ tư (1/5).