Những câu thơ ngắn gọn trong bài Hồn Quê của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ như đưa ta được trở về với những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ, nơi hương vị quê hương đậm đà và những tình cảm với mẹ cha sâu nặng. Từng câu thơ, ý thơ giúp ta cảm nhận được sự chân thành và tình cảm mãnh liệt của tác giả dành cho xóm nhỏ yêu thương, với những hình ảnh mộc mạc của miền quê gắn với một thời còn gian khó. Từ lũy tre gió đưa xào xạc đến đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay, mỗi từ ngữ đều mang lại cho ta cảm giác thật an yên:
"Con lại về xóm nhỏ yêu thương
Nơi quê nghèo một nắng hai sương
Nơi có lũy tre gió đưa xào xạc
Đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay
Con lại về xóm nhỏ ngày xưa
Nơi miền quê gió Lào bỏng rát
Câu dân ca mang nỗi niềm sâu thẳm
Về tuổi thơ kẽo kẹt võng trưa hè
Dù đi xa trăm nẻo người ơi
Hình bóng đồng quê hương thơm rơm rạ
Câu dân ca mẹ ru thời thơ bé
Vẫn theo con đi suốt dặm trường
Con lại về xóm nhỏ ngày xưa
Hồn quê trong con không bao giờ phai nhạt
Tạc vào tim con lời cha ấm áp
Nhớ mãi quê ơi, đi mô cũng muốn về"
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã sử dụng những ngôn từ giản dị, mạch lạc, giàu hình ảnh để tái hiện cảnh vật quê hương gắn với tuổi thơ bằng những hình ảnh thân thuộc về đồng quê, lũy tre, cánh cò bay, võng trưa hè...Qua đó, đã khắc họa bức tranh quê hương chân thực, nhưng thắm đượm nghĩa tình. Ở đó có lời ru của mẹ lúc ấu thơ, có lời cha ấm áp theo con đi khắp nẻo đường.
Những vần thơ trong trẻo, đậm chất trữ tình, với sự lãng mạn xen lẫn nỗi nhớ quê hương bâng khâng da diết đến nao lòng được dồn nén thành nỗi khát khao được trở về với miền ký ức tươi đẹp và chiều sâu của tâm thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự tài tình của tác giả khi sử dụng những hình ảnh dung dị, gần gũi của những làng quê Việt, nhưng lại giàu cảm xúc và hình ảnh giúp cho người đọc cảm nhận rõ được sự lắng đọng của hồn quê trong chính tâm hồn mình.
Đồng điệu với tâm hồn thơ Nguyễn Đăng Độ, trong ca khúc này, Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam đã viết dựa trên chất liệu dân ca Xứ Nghệ, với cấu trúc hai đoạn đơn, nhịp 4/4 tạo nên ra sự thăng hoa và nhịp điệu tích cực. Đoạn phát triển, Nhạc sỹ đã đẩy cao trào vào những âm khu cao, ngân dài tạo sự da diết, ấm nồng và được nhắc lại với âm hình tiết tấu đơn giản tạo nên sự khắc khoải khi sử dụng những nốt cao, sau đó đổ về bậc 5 (A) của giọng mi thứ (Em). Câu kết trở về âm chủ tạo nên sự đậm đà trong chất liệu dân ca Xứ Nghệ…đã tạo ra cho Hồn Quê những ấn tượng mạnh mẽ chạm tới chiều sâu của tâm thức nhân sinh.
Tác phẩm Hồn Quê, Lời thơ: Nguyễn Đăng Độ, Nhạc: Vũ Quốc Nam
Có thể thấy, mạch thơ Hồn Quê của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với cấu trúc rõ ràng, sự liên kết logic giữa các ý tưởng và hình ảnh. Sự lặp lại và điểm xuyết vào những ca từ ngữ thân thuộc như "quê hương", "tuổi thơ", "gia đình" cùng với việc sử dụng các âm vần, nhịp điệu tạo tiền đề cho một tác phẩm âm nhạc ấn tượng. Và Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam đã khéo léo sử dụng những âm giai tiết tấu da diết của dân ca Xứ Nghệ để phát triển mạch nguồn cảm xúc thơ Hồn Quê của Nguyễn Đăng Độ.
Chính sự hội ngộ tương giao giữa hai tâm hồn nghệ sĩ: Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam đã giúp cho ca khúc Hồn Quê được thăng hoa giữa thơ và nhạc. Qua đó đã lan tỏa những thông điệp sâu sắc về tình yêu thương quê hương, đất nước, niệm tự hào dân tộc, sự gắn bó máu thịt giữa quê hương với tuổi thơ trong mỗi con người; cũng như đề cao những giá trị nhân văn, niềm tự hào về bản sắc văn hóa của quê hương không bao giờ phai nhạt. Cũng vì thế, dù đã có hàng trăm tác phẩm xuất sắc viết về đề tài quê hương đất nước, nhưng Hồn Quê của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam vẫn tìm cho mình một chỗ đứng riêng trong lòng độc giả./.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, sinh năm 1966 tại xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là một người góp phần tích cực vào sự phồn thịnh và phát triển của cộng đồng. Những bài thơ của ông giàu hình ảnh, mộc mạc, trọn vẹn nghĩa tình quê cha đất tổ, tình cha nghĩa mẹ, tình bạn, tình người và tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ của ông là một dấu ấn kỷ niệm của cuộc đời, lưu trữ những hình ảnh và cảm xúc đậm đà. Đến nay, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có 90 bài thơ hay đi cùng năm tháng cuộc đời ông đã được các nhạc sỹ lựa chọn phổ nhạc. Năm 2023, ca khúc “Cõng Chữ Về Bản” từ bài thơ cùng tên của ông đã được Nhạc sỹ Phan Huy Hà phổ nhạc, và ca khúc này đã xuất sắc vượt qua hàng trăm ca khúc giành Giải B giải thưởng Âm nhạc Việt Nam của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Theo Vanhoavaphatrien.vn