Làng rèn trăm tuổi giữ ngọn lửa nghề

Chủ nhật - 10/03/2024 08:27
Làng rèn Trung Lương (phường Trương Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) một thời nổi tiếng khắp các tỉnh thành về sản phẩm có độ bền, đẹp. Theo thời gian, khi khoa học kỹ thuật được áp dụng triệt để khiến nghề rèn nơi đây lâm vào khó khăn. Mặc dù vậy, những người thợ của làng vẫn nhen nhóm niềm tin, luôn đỏ lửa giữ nghề truyền thống.
D2024031003 1
Dù vất vả nhưng người dân làng rèn Trung Lương vẫn lặng lẽ, cần mẫn giữ lửa cho nghề truyền thống.
 
Nghề cha truyền con nối

Gia đình ông Bùi Văn Lâm (60 tuổi, trú tại phường Trung Lương) là một trong những hộ “giữ lửa” lâu đời nhất ở làng rèn này. Ông Lâm là đời thứ 4 kế nghiệp nghề truyền thống cha ông để lại suốt hơn 30 năm qua.

Ông Lâm kể, những người thợ trong làng không ai nắm rõ nghề rèn ở đây có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề đã tồn tại hàng trăm năm trước, được con cháu kế nghiệp cho đến tận bây giờ.

Cũng theo ông Lâm, ông lớn lên trong một gia đình có cha và ông nội đều là những người thợ rèn giỏi nức tiếng. Tuổi thơ và hơn nửa đời người ông gắn liền với nghề, ngần ấy năm ông quen với lò lửa, tiếng đục, đập khì và sức nóng lan tỏa, mồ hôi nhễ nhại. Nghề rèn ở đây chưa ai soạn thành sách để truyền lại cho thế hệ sau, mỗi gia đình chỉ có kinh nghiệm đúc rút ra được truyền lại cho con cháu.

Rèn là công việc vất vả, đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ. Công việc đặc thù trong khi thu nhập không cao, nên nhiều trai làng đã từ bỏ nghề truyền thống của cha ông. Còn ông, chính niềm đam mê và mong muốn làng nghề không bị mai một đã giúp bản thân trụ vững đến hôm nay.

“Để có một sản phẩm chất lượng đòi hỏi người thợ phải biết chọn sắt, thép. Biết nhìn độ lửa để tạo ra độ sắc bén, phải gia công hơn một tiếng đồng hồ mới ra được sản phẩm. Cực nhất là lúc phá sắt từ một thanh sắt dài rồi đập, mài mới ra được lưỡi vừa mỏng vừa bén", ông Lâm chia sẻ.

Cách nhà ông Lâm không xa là xưởng rèn của gia đình ông Nguyễn Quỳnh Vinh (52 tuổi, trú tại phường Trung Lương), vừa chăm chú hoàn thành công đoạn cuối cùng (gọt dũa các lưỡi dao) vừa chia sẻ, làng rèn hơn trăm năm nay đều theo nghiệp cha truyền con nối, cứ nhà này làm dao thì nhà kia làm liềm, làm cuốc. Vì thế mà mỗi hộ gia đình đều có bí quyết riêng. Làm rèn khó mà dễ, dễ mà khó. Là trai Trung Lương, hầu như ai cũng biết rèn, nhưng để trở thành người thợ lành nghề, có dấu ấn không phải ai cũng làm được.

“Học nghề, được truyền nghề là một chuyện nhưng muốn thành công, bản thân người thợ phải khéo léo, nhanh nhạy, sáng tạo và phải làm chủ trong mọi quy trình sản xuất. Muốn có sản phẩm tốt, trước hết người thợ phải thành thạo trong lựa chọn nguyên liệu; rồi việc tôi luyện thép và sắt ở nhiệt độ nào mới cho ra thành phẩm tốt nhất cũng là thử thách cần giải quyết”, ông Vinh nói.
 
D2024031003 2
Để trở thành người thợ lành nghề cần trải qua thời gian trui rèn. Ảnh: Cẩm Kỳ.
 
Đỏ lửa giữ nghề truyền thống

Sinh ra ở làng rèn Trung Lương, ông Nguyễn Trọng Hà (50 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Miếu, phường Trung Lương), thuở bé đã được tiếp xúc với sắt, với dao, búa... Sau khi được người cha truyền lại các bí quyết làm nghề, ông Hà đã nguyện gắn bó cả đời mình với nghề này.

Tại làng rèn, gia đình ông Hà là một trong những hộ “giữ lửa” lâu đời nhất. Ông bắt đầu nghiệp tay búa từ năm 20 tuổi. Sau khi lấy vợ và sinh con, vợ chồng ông chuyên sản xuất các loại dao mỏng để mưu sinh. Mỗi ngày, vợ chồng ông bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng. Các công đoạn để làm ra một con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông làm được khoảng 20 con dao và bán ra khoảng 30.000 đồng/con dao.

“Tôi không muốn những tâm huyết cả đời của ông nội và người cha quá cố bị lãng quên. Tôi cũng muốn làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm luôn được gìn giữ nên đã gắn bó với nghề rèn suốt 30 năm qua”, ông Hà nói.

Gắn bó với nghề, ông Hà đã chắt lọc cho mình những quy trình sản xuất dao thái, dao chặt cao cấp. Để có một sản phẩm tốt, quan trọng nhất là công đoạn chẻ sắt bỏ thép vào, cho qua lửa, khi sắt và thép nóng chảy thì dùng búa đập dính lại. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ, nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa là biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác, chưa máy móc nào thay thể được.

Theo ông Hà, các hộ làm nghề rèn trước đây chủ yếu sản xuất thủ công, sau đó người dân cũng nhận ra nếu muốn phát triển theo hướng hàng hóa thì buộc phải đầu tư.

Năm 2004, gia đình ông đã vay mượn và chi trên 150 triệu đồng mua máy cắt sắt, máy đập, máy khoan, máy hàn, máy tiện... tiên phong ứng dụng máy móc vào sản xuất ở làng. Đưa cơ giới vào sản xuất, giúp người thợ chế tác đã giải phóng được sức lao động trong khi năng suất công việc tăng gấp 2 - 3 lần. Xưởng của gia đình ông Hà cũng là cái nôi đào tạo hàng chục lao động. Quá trình học việc ở đây, hơn 10 lò rèn trong làng cũng ra đời từ đó, tạo công ăn việc làm cho con em và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Còn ông Phan Văn Toàn (51 tuổi, trú tại phường Trung Lương) một hộ dân chuyên sản xuất liềm trong làng nói rằng, trước đây làng nghề có trên 300 hộ nhưng hiện chỉ còn hơn 100 hộ vẫn đang bám nghiệp mưu sinh. Nguyên nhân khiến người dân không mặn mà là bởi các sản phẩm được làm bằng thủ công của làng không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp hiện nay với nhiều mẫu mã và giá thành lại rẻ hơn.

“Nếu như trước đây, lớp thanh niên trong làng coi nghề rèn là một nghề mưu sinh chính thì bây giờ hầu như chẳng còn ai gắn bó với nó. Số thợ rèn biết nghề cũng đã chuyển đổi sang việc khác như hàn, sửa xe ô tô...”, ông Toàn nói rồi tâm sự, để giữ cho lửa làng rèn luôn sáng là tâm huyết của nhiều người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Công Lộc - Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho biết, làng rèn Trung Lương, hiện chỉ còn lại 104 hộ theo nghề rèn, sản phẩm chủ yếu là dao và liềm. Trong số này, chỉ có khoảng 30 - 50 hộ làm thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ.

“Địa phương vẫn luôn có những chính sách để động viên người dân cố gắng giữ lửa cho nghề truyền thống của cha ông. Muốn có thương hiệu phải trải qua hành trình dài. Bên cạnh câu chuyện về tiêu chuẩn kỹ thuật, giá thành, công năng của sản phẩm thì việc đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất được chúng tôi quan tâm chú trọng”, ông Lộc nói.

Sau nhiều nỗ lực, hiện tại làng nghề đã có cơ sở Thanh Hà (do ông Nguyễn Trọng Hà làm chủ), đã có nhiều sản phẩm dao chặt và dao thái cao cấp được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đó cũng chính là "đòn bẩy" để làng nghề không ngừng mở rộng thị trường, xây dựng thành công thương hiệu, đưa sản phẩm làng nghề Trung Lương vượt qua lũy tre làng phát triển gắn với du lịch.

Theo  Cẩm Kỳ Đại đoàn kết

Link gốc: Làng rèn trăm tuổi giữ ngọn lửa nghề (daidoanket.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây