Đua nhau ra biển bắt cá nước ngọt
Những cơn gió giật liên hồi mới vừa tạm lắng, trời chỉ tờ mờ sáng, nhưng cả một đoạn dài đường biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đã trở nên náo động lạ thường. Rất đông, già có, trẻ có trên tay lỉnh kỉnh một đống ngư cụ, hồ hởi ra bờ biển. Tưởng như thế đã là quá sớm cho một cuộc "đi săn", nhưng hoá ra những chỗ "ngon ăn" nhất đã bị người ta xí trước mất rồi.
Lưới được đưa đến tận miệng cống để "úp" cá.
Mới 5h sáng 19/9, biển đã nhấp nhô đầy thuyền thúng, đây đó vẫn thấp thoáng bóng dáng những ngư dân dậy muộn tất tả chất lưới lên thúng, đạp sóng ra khơi. Trời bão, đa số các hộ dân có thuyền đánh cá đều ở nhà trú bão nên đây là dịp "trời cho" để kiếm thêm thu nhập. Gia đình nào đông người thì dành riêng một khoảng biển cất lưới, hộ neo người thì chung nhau hai ba nhà một tay lưới cùng căng sức kéo cá về bán chia nhau. Những tay lưới lớn giăng kín mặt biển, đoàn người chia thành từng tốp một căng đều tay kéo lưới vào bờ, các vòng vây dần siết lại, những chú cá còn khoẻ mạnh gắng chút sức lực còn lại bắn mình lên cao hòng trốn thoát. Có những chú tẩu thoát thành công nhưng đa số đành thúc thủ chui đầu vào lưới.
Khoảng 6h30, khi nhóm dân chài chèo thuyền thúng, thả lưới lớn thấm mệt cũng là cơ hội cho những tay lưới nhỏ tung hoành. Một tay lưới lớn cồng kềnh, phải bỏ lên thúng hai ba người ke đi, thả lưới xuống biển phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có thể kéo lên còn loại lưới nhỏ chỉ nặng chưa đầy chục kí, mỗi người vác trên vai một tay lưới tha hồ quăng đâu tuỳ thích. Vậy nên, thay vì phải chèo thuyền thúng ra cách bờ cả trăm mét, dân chài cứ túc tắc men theo bờ kè ven biển "vại" lưới xuống biển, cứ 10 phút cất vó một lần mà lần nào cũng nặng chịch cá.
Hơn 7h sáng, đoạn đường biển Nguyễn Tất Thành giao nhau với Lê Độ chật kín người cùng xe cộ. Một chợ cá "mini" cũng nhanh chóng được lập nên để đáp ứng nhu cầu của các thượng đế muốn có cá tươi cải thiện bữa ăn ngày bão. Những người bán cũng đon đả chiều lòng khách, không kì kèo bớt một thêm hai như mọi ngày. Chị Nguyễn Thị Thơm (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết: "Cá bị cuốn theo đường cống ra biển nhiều lắm, một đợt kéo lưới được một đến hai xô cá nên phải tranh thủ bán nhanh để còn xuống kéo đợt khác, chậm chân là hết liền". Bà Võ Thị Thuận (trú ở Thanh Khê) tiếp lời: "Tụi tui phải tranh thủ lúc khách tới mua đông lo mà bán nhanh, hơi rẻ xí cũng được chớ trời ni mưa xuống, ai điên mà ghé vô đây mua cá".
Không chỉ tấp nập kẻ bán, người mua, đoạn bờ kè gần ngã ba Lê Độ còn là nơi tập trung rất đông du khách, người hiếu kì tới xem ngư dân đánh bắt cá. 11 giờ trưa nhưng dòng người ùn ùn đổ về địa điểm này chưa có dấu hiệu sụt giảm mà thậm chí còn đông hơn. Cứ sau một mẻ lưới cất lên là từng tràng vỗ tay, tiếng cười ồ khoái trá của "khán giả". Thậm chí, có mấy chàng thanh niên ngồi xem sướng mắt, "táy máy chân tay" liền chạy xe về nhà thay quần áo, tậu luôn tay lưới ra "góp vui" với ngư dân...
Ngư phủ "nghiệp dư" khoe chiến lợi phẩm.
Hiểm họa từ "cá lũ"!
Ô nhiễm dioxin trầm trọng Đầu năm 2007, hàng trăm mẫu bùn đất và sinh phẩm trong khu ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng và các vùng lân cận đã được lấy và phân tích dioxin tại phòng xét nghiệm Axys (Canada). Kết quả cho thấy, nồng độ dioxin trong một số mẫu đất tại vùng ô nhiễm phía bắc sân bay Đà Nẵng cao gấp 350 lần so với nồng độ cho phép. Mẫu bùn trong hồ sen cạnh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao gấp 20 lần so với nồng độ cho phép. Có từ 90 đến 98% thành phần của dioxin là loại 2, 3, 7, 8 TCDD, một loại độc nhất trong các loại dioxin. |
Sáng 19/9, PV Người Đưa Tin đã có chuyến mục sở thị chợ cá "mini" ở ngã ba Lê Độ để tìm hiểu về vấn đề này. Ông Hoàng Văn Đức (ngư dân trú ở quận Thanh Khê) cho biết: "Mỗi đợt mưa lớn hoặc trời bão thì tụi tui đều đem lưới ra các đoạn bờ kè, nơi có cống thoát nước từ thành phố đổ ra biển để đánh bắt cá. Sở dĩ, đoạn ngã ba Lê Độ giao đường Nguyễn Tất Thành thường tập trung đông nhất là bởi các hồ cá quanh sân bay Đà Nẵng, hồ công viên 29/3 khi trời mưa to nước thoát không kịp nên cá tràn theo đường cống đổ ra biển".
Có một thực tế là số cá đánh bắt được đều được bán ngay tại chỗ hoặc đưa đến các chợ hải sản trong thành phố tiêu thụ, chứ ngư dân ít khi đem về nhà. Và đa số những khách mua cá không phải dân bản địa mà toàn là người từ nơi khác đến. Đem điều thắc mắc trên đi hỏi thì được anh Phan Văn Thành (trú ở Lê Độ, Đà Nẵng) trả lời: "Dân ở đây ai chả biết vùng hồ quanh sân bay Đà Nẵng từ lâu đã bị nhiễm chất độc dioxin, mà cá ở đây toàn là ở các hồ đó đổ ra đây chứ đâu. Người dân thấy rẻ quá tham mà mua thôi, chứ người dân vùng này ai mà mua chứ, như mình thấy tập trung đông người nên ra xem họ kéo lưới cho vui thôi".
"Ngay cả chỗ cầu Phú Lộc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc như thế, đến chạy xe máy còn phải bịt mũi chứ đừng nói dừng lại mua cá, vậy mà mấy ngày ny còn có người thả lưới đánh bắt cá, không biết họ đem đi đâu bán...", anh Thành cho biết thêm.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) cho biết, sân bay Đà Nẵng từng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi nạp chất diệt cỏ có chứa dioxin để đi phun rải ở các cánh rừng và đổ bừa chất diệt cỏ còn thừa sau khi hoàn thành phi vụ phun rải trở về, hiện là điểm "nóng" ô nhiễm dioxin trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Theo ông Huy, từ lâu, chính quyền quận Thanh Khê đã khuyến cáo người dân sống gần đó không dùng nước giếng, ăn tôm, cá, rau đánh bắt được tại các hồ gần sân bay. Về phía người dân, tuy sống ở gần vùng nhiễm chất độc dioxin nặng, song kiến thức về dioxin và những biện pháp giảm thiểu phơi nhiễm của họ còn khá hạn chế. Việc nhiều người dân đánh bắt cá ở các hồ gần sân bay và các cống rảnh thoát nước từ các hồ gần sân bay để chế biến thức ăn hoặc đem bán, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng phần nào thể hiện sự hạn chế đó.
Theo PHƯƠNG HƯƠNG (Người đưa tin)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn