Hà Tĩnh: “Nóng” vi phạm hành lang an toàn lưới điện, giải pháp nào để khắc phục?

Thứ sáu - 09/06/2017 22:31
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) hiện đã đến mức báo động. Có những địa phương mỗi tháng xảy ra hàng chục lần mất điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng con người. Vậy, đâu là nguyên nhân và cần những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Vi phạm khoảng cách ATLĐ 22kV dây trần tại khoảng cột 01-02 nhánh rẽ cấp điện cho TBA UBND tỉnh. Ảnh: Chính Thu

Muôn vàn nguyên nhân!

Theo ông Đinh Quang Chung - Phó Giám đốc Điện lực Hà Tĩnh, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm HLATLĐ nhiều, dai dẳng, khó giải quyết như hiện nay thì nguyên nhân chính là do lịch sử để lại. Trước đây, theo các Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định 106/2005/NĐ-CP, ngày 17/8/2005 của Chính phủ, khi tiến hành đầu tư xây dựng công trình điện, chủ đầu tư chỉ thống kê, đền bù đất ở các vị trí móng cột, nhà ở, công trình trong hành lang phải tháo dỡ, di dời; còn lại, phần diện tích hành lang tuyến, các công trình, nhà ở đủ điều kiện tồn tại trong hành lang thì không được bồi thường. Do đó, người dân vẫn tiếp tục xây mới, cơi nới nhà ở, công trình và trồng cây dưới hành lang tuyến đường dây, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn.

Đường dây làm từ năm 1995 nhưng chính quyền xã Thạch Trung cấp đất, dân làm nhà dưới hành lang lưới điện (năm 2000), vi phạm khoảng cách an toàn, tại khoảng cột 19-20 đường dây 472 nhánh rẽ Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Ảnh: CT

Khi Nghị định 81/2009/NĐ-CP, ngày 12/10/2009 ra đời, việc bồi thường được mở rộng hơn, đền bù cả cây cối, đất trong hành lang (80%); nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang (không quá 70%), từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa các công trình làm trước, làm sau “mốc”, nên một số hộ dân cố tình vi phạm để được hưởng chính sách bồi thường GPMB! Bên cạnh đó, một vấn đề mang tính lịch sử nữa là các địa phương tùy tiện cấp đất, giao đất cho các hộ dân vi phạm HLATLĐ nên khi làm nhà, đặc biệt là trồng cây, sẽ dẫn đến vi phạm và gây ra sự cố…

Ảnh: Chính Cương

Tại cuộc họp trực tuyến xung quanh vấn đề giải quyết vi phạm HLATLĐ mới đây, Phó Chủ tịch UBND Trần Minh Kỳ cho rằng, để xảy ra tình trạng này, có rất nhiều nguyên nhân, như: thiếu nhuần nhuyễn trong kiểm tra, phối hợp giữa chính quyền và các ngành chức năng; các đơn vị quản lý lưới điện chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm, hoặc có phát hiện cũng xử lý thiếu kiên quyết; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực và các quy định về điện đến cơ sở, nhân dân còn quá hạn chế nên rất nhiều cán bộ, nhân dân không biết về các quy định của pháp luật về điện. Chính vì lẽ đó, các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được mối nguy hiểm vi phạm HLATLĐ nên ngày càng nhiều vi phạm về nâng cấp, mở rộng các công trình công cộng, nhà ở, trồng cây, ảnh hưởng đến an toàn cho người, tài sản cũng như thiết bị điện và đảm bảo thông suốt dòng điện...

Giải pháp nào để khắc phục?

Tình trạng vi phạm HLATLĐ khắp nơi hiện nay đang thực sự là bài toán khó của chính quyền và các cấp, ngành liên quan. Hệ lụy của vi phạm HLATLĐ trên địa bàn tỉnh ta đã để lại những hậu quả xấu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như hoạt động SXKD, tính mạng con người. Một số điểm như ở Kỳ Anh, Hương Khê do cây chạm vào đường điện đã thực sự trở thành điểm “nóng” về mất điện.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, các đơn vị quản lý lưới điện cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành chặt tỉa, phát quang hành lang lưới điện; tập trung xử lý dứt điểm các điểm vi phạm nghiêm trọng trước, rồi đến tất cả các điểm khác; tăng cường tuyên truyền nhân dân không trồng cây, cơi nới, xây dựng các công trình trong HLATLĐ.

Công nhân Chi nhánh điện Hà Tĩnh phát quang, giải tỏa hành lang an toàn lưới điện tại xã Thạch Điền, Thạch Hà (tháng 11/2012. Ảnh: Thăng Long

Về lâu dài, ngành Điện và các cơ quan chức năng cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn điện, nhất là Luật Điện lực; Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005; Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ… Khi triển khai các công trình điện (xây dựng mới) trên địa bàn, chủ đầu tư cần có văn bản thống nhất với các ngành, địa phương liên quan về quy hoạch phát triển điện lực, địa điểm xây dựng, hướng tuyến, điểm đấu nối và các quy hoạch khác về giao thông, xây dựng… Khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư cần báo cáo chính quyền sở tại và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp quản lý…

Các cơ quan thẩm định các dự án xây dựng công trình giao thông, xây dựng cũng cần lưu ý đến khoảng cách từ đường dây dẫn đến mặt đường giao thông, từ đường dây đến các bộ phận của công trình xây dựng, tránh tình trạng công trình vi phạm về khoảng cách như đã diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua. Mặt khác, khi chính quyền giao đất, cấp đất, cần lưu ý trừ phần diện tích nằm trong HLATLĐ theo quy định; tăng cường sự phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện để thực hiện đồng bộ, đúng quy định việc cấp đất, giao đất, xây dựng mới, cải tạo các công trình trong phạm vi HLATLĐ.

Song song với các giải pháp trên, các đơn vị quản lý công trình lưới điện cũng phải tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, kiểm tra các tuyến đường dây do đơn vị quản lý, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các điểm vi phạm. Khi phát hiện, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, tránh dây dưa kéo dài, phát sinh những hệ lụy không đáng có! Trên thực tế, việc cấp đất, giao đất, quy hoạch các công trình, dự án vi phạm HLATLĐ diễn ra khá phổ biến, vì vậy, các sở, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị quản lý lưới điện cần tổ chức rà soát để kịp thời phát hiện những điểm đã cấp đất, giao đất, quy hoạch xây dựng các công trình, dự án nhưng vi phạm HLATLĐ để kịp thời điều chỉnh, tránh phát sinh vi phạm.

Lời kết

Việc giải quyết triệt để các điểm vi phạm HLATLĐ là việc khó, phức tạp, nhất là đối với các điểm vi phạm liên quan đến các công trình xây dựng có trước Nghị định 81. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thấu tình đạt lý. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, xem việc đảm bảo HLATLĐ là việc không của riêng ai. Có như vậy thì tình trạng vi phạm HLATLĐ mới được giải quyết dứt điểm!

Khoản 1, Điều 51 của Luật Điện lực quy định: Khoảng cách an toàn phóng điện đối với đường dây đến 22kV là 1 m (đối với dây bọc), 2 m (đối với dây trần); đến 35 kV là 1,5 m (đối với dây bọc), 2m (đối với dây trần); đến 220 kV là 4 m (đối với dây bọc, 6 m (đối với dây trần).

Tại Nghị định 106 /2005/NĐ-CP, ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định: Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách 1 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần; điện áp 35 kV, khoảng cách 1,5 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần; điện áp 110 kV, khoảng cách 4m; 220Kv, khoảng cách 6m và 500kV, khoảng cách 7 m.

Tại Nghị định 81/2009/NĐ-CP, ngày 12/10/2009 của Chính phủ quy định: Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn 14 m, đối với điện áp đến 35kV; 15 m, đối với điện áp 110kV; 18 m, đối với điện áp 220 kV. Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3 m đối với điện áp 35kV; 4 m đối với điện áp 110kV;6 m đối với điện áp 220 kV.

Theo Chính Thu (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây