Tràn lan vi phạm
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh tồn tại hơn 150 điểm vi phạm HLATLĐ. Trong đó có đến 89 điểm vi phạm nghiêm trọng, địa phương nhiều nhất là Nghi Xuân (39 điểm); tiếp đến là Kỳ Anh (12 điểm), TP Hà Tĩnh (9 điểm), TX Hồng Lĩnh (6 điểm)… Tình trạng vi phạm diễn ra ở tất cả các cấp điện áp, từ hạ thế đến cao thế, từ nông thôn đến thành thị.
Nâng cấp tỉnh lộ 21, đoạn qua phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh), vi phạm chiều cao an toàn đường điện 220 kV. |
Trong hệ thống lưới điện quốc gia do Công ty Truyền tải điện Hà Tĩnh quản lý (chạy qua địa bàn 8 huyện) thì có đến 18 điểm vi phạm, gồm 4 điểm vi phạm HLATLĐ đường dây 500 kV và 14 điểm vi phạm hành lang an toàn đường dây 220 kV. Chỉ một sự cố xảy ra trên hệ thống lưới điện quốc gia này, có thể gây mất điện ở hàng chục tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc; hậu quả là rất lớn, với hàng chục điểm vi phạm như hiện nay, nguy cơ xảy ra mất điện trên diện rộng vẫn luôn tiềm ẩn.
Tại Chi nhánh điện cao thế Hà Tĩnh cũng đang tồn tại 4 điểm vi phạm. Khi sự cố xảy ra trên hệ thống này, nhiều địa phương trong tỉnh chắc chắn sẽ không thoát khỏi mất điện. Có điểm vi phạm trên hệ thống này phải giải quyết nhiều năm trời mới xong; nhưng cũng có những điểm vi phạm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm!
Lưới điện do Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý là hệ thống đang xảy ra tình trạng vi phạm HLATLĐ nhiều nhất với 127 điểm, trong đó có 64 điểm nghiêm trọng và 5 điểm đặc biệt nghiêm trọng. Đường dây 35 kV có 39 điểm, đường dây 22 kV có 7 điểm và đường dây 10 kV có 17 điểm vi phạm. Ngoài ra, trên hệ thống lưới điện hạ áp, vấn đề vi phạm hành lang an toàn xảy ra khắp nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn. Ngành chức năng đánh giá tình trạng vi phạm hành lang lưới điện hạ áp hiện nay là “khá phổ biến”!
Muôn kiểu vi phạm
Trong hàng trăm điểm vi phạm HLATLĐ hiện nay, có muôn kiểu vi phạm. Phổ biến nhất là do người dân trồng cây phía dưới hoặc 2 bên hành lang an toàn lưới điện. Điều đáng nói là cây được trồng trên đất do chính quyền cấp, cho thuê hoặc đất chưa được đền bù khi thực hiện dự án. Rất nhiều chủ hộ đã cản trở không cho ngành điện chặt cây giải phóng HLATLĐ, bởi không có tiền đền bù.
Cây cối bao trùm lên lưới điện tại nhiều nơi ở TP Hà Tĩnh gây mất an toàn. |
Điển hình của loại vi phạm này phải kể đến các điểm như ở Kỳ Anh, Hương Khê… Tại khoảng cột 1-30 sau cầu dao số 3 nhánh rẽ hậu cảng ĐZ 371 E18.5 (thuộc địa phận xã Kỳ Lợi - Kỳ Anh) hiện đang bị vi phạm nghiêm trọng, gây ra trên chục lần mất điện mỗi tháng. Trước đây (năm 2001), khi thực hiện dự án, chủ đầu tư chỉ đền bù diện tích phần móng cột, còn hành lang tuyến chưa đền bù, nên người dân tiếp tục trồng keo trên diện tích này. Khoảng cột 22-23 trục chính ĐZ 377 E 18.3, qua vườn ông Nguyễn Văn Định (xã Kỳ Châu) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đường dây 35 kV này được xây dựng năm 2003, thời gian sau đó, gia đình ông Định đã trồng cây bạch đàn dưới hành lang và đến nay cây đã cao chạm đến đường dây nhưng gia đình vẫn không cho chặt. Do cây quệt vào đường điện nên tháng nào ở đây cũng xảy ra sự cố gây mất điện.
Ở Hương Khê hiện đang tồn tại 3 điểm “nóng” trồng cây vi phạm HLATLĐ nhưng lâu nay chính quyền và ngành điện vẫn chưa giải quyết được. Tại khoảng cột 38-39 nhánh rẽ sau cầu dao số 2 ĐZ 971 TGHK (thuộc địa phận xã Lộc Yên), chính quyền đã cấp đất cho gia đình ông Nguyễn Đình Sáng. Trên diện tích HLATLĐ này, gia đình ông Sáng trồng cây, nay đã cao gần chạm đường dây, nhiều lần gây sự cố lưới điện.
Điện phóng cháy khô cây |
Khoảng cột 10-11 nhánh rẽ sau cầu dao số 1 ĐZ 972 TGHK thuộc địa phận xã Phú Phong, cây của gia đình ông Lê Danh Chức (được chính quyền cấp đất theo hình thức đấu thầu) hiện đã trùm kín đường điện. Khoảng cột 25-30 trục chính ĐZ 972 sau cầu dao số 2 đi Phú Lâm thuộc địa phận xã Phú Gia, cây của gia đình ông Phạm Lê Huân cũng đã trùm vào đường dây (do BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm giao khoán đất không trừ hành lang)…
Xây dựng nhà ở và các công trình cũng là những vi phạm khá phổ biến. Tình trạng nhà ở vi phạm khoảng cách HLATLĐ xảy ra ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn. Điển hình nhất là tại xóm 7 xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) có đến 11 hộ xây nhà ở dưới đường dây 35 kV với khoảng cách từ mái đến đường dây nhỏ hơn 3m (vi phạm quy định).
Trong hệ thống lưới điện của Điện lực Hà Tĩnh quản lý, hiện có một điểm nghiêm trọng tại khoảng cột 4-6 nhánh rẽ sau máy cắt 371 Hà Linh ĐZ 371 E18.1 thuộc địa phận xã Hà Linh (Hương Khê). Tại đây, chính quyền địa phương đã giao đất cho ông Nguyễn Đình Túy và ông Túy đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường làm nhà xưởng, vi phạm khoảng cách an toàn nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, các vi phạm do việc thi công nâng cấp, mở rộng đường, thi công các công trình khác; vi phạm do khai thác mỏ đá, mỏ đất… cũng khá phổ biến. Điển hình như nâng cấp tỉnh lộ 17 đoạn qua phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh), vi phạm chiều cao an toàn lưới điện 220 kV; tại khoảng cột 59-61 ĐZ 220 kV Hưng Đông - Hà Tĩnh (phường Nam Hồng - TX Hồng Lĩnh), đơn vị khai thác đất đã đào phạm vào khu vực móng cột vị trí 60, làm ảnh hưởng móng cột, có khả năng gây sạt lở.
Khoản 1, Điều 51 của Luật Điện lực quy định: Khoảng cách an toàn phóng điện đối với đường dây đến 22kV là 1 m (đối với dây bọc), 2 m (đối với dây trần); đến 35 kV là 1,5 m (đối với dây bọc), 2m (đối với dây trần); đến 220 kV là 4 m (đối với dây bọc, 6 m (đối với dây trần). Tại Nghị định 106 /2005/NĐ-CP, ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định: Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách 1 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần; điện áp 35 kV, khoảng cách 1,5 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần; điện áp 110 kV, khoảng cách 4m; 220Kv, khoảng cách 6m và 500kV, khoảng cách 7 m. Tại Nghị định 81/2009/NĐ-CP, ngày 12/10/2009 của Chính phủ quy định: Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn 14 m, đối với điện áp đến 35kV; 15 m, đối với điện áp 110kV; 18 m, đối với điện áp 220 kV. Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3 m đối với điện áp 35kV; 4 m đối với điện áp 110kV;6 m đối với điện áp 220 kV. |
Theo Chính Thu (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn