Trụ sở UBND xã Trực Nội (huyện Trực Ninh, Nam Định) bị dừng xây dựng từ cuối năm 2011. Ảnh: Vietnamnet |
Lá thư của một học trò nghèo được thầy giáo Trần Đình Trợ (Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đăng tải trên facebook và lan truyền trên mạng khiến cho hàng ngàn người đọc cảm thấy đau lòng cho cái bi kịch tiền trường mỗi dịp đầu năm học. Ở nhiều nơi trên khắp đất nước, mỗi dịp khai trường là mỗi dịp cha mẹ và học trò lại trầy vi trớt vẩy với những khoản tiền “oan”. Gọi là “tiền oan” bởi người ta cứ vẽ ra mà thu cho sướng tay dầy túi, bất biết hoàn cảnh của lũ trò nghèo thế nào.
Cứ đọc lá thư của học trò nghèo trường Hương Sơn đó thì biết: “Em viết những dòng này trong lúc đợi bàn tay chai sạn của cha xách xô vữa cuối cùng và đợi bàn tay gầy guộc của mẹ nhặt nhạnh nốt những túi nilong, những vỏ bia, vỏ nước ngọt còn sót lại sau những bữa liên hoan… Em xin thầy cô cho em của em không phải đóng tiền ghế nhựa. Em xin nhường chiếc ghế nhựa em đã đóng tiền hồi lớp 10 cho em. Em xin kê dép ngồi cũng không sao đâu thầy cô ạ.
Chúng em xin thầy cô miễn cho chúng em tiền nước uống. Chúng em hứa sẽ uống no nước ở nhà để không phải uống nước mà mình không có đủ tiền để đóng.
Hàng ngày, vào những lúc ra chơi, chị em em xin phép thầy cô được mang chổi, gầu hót rác đến trường quét dọn để không phải đóng khoản tiền vệ sinh.
Dù nhà xa, chúng em sẽ cố gắng dậy sớm, đi bộ đến trường. Thầy cô yên tâm, chúng em sẽ không xin thầy cô khoản tiền gửi xe trong trường.
Em của em mới vào lớp 10, cha mẹ chúng em cắn răng cho tiền để nó may hai áo đồng phục mùa hè theo chủ trương của nhà trường. Nhưng em thực sự không hiểu vì sao các em khối 11 và chúng em khối 12 đã có hai chiếc áo đồng phục mùa hè mà thầy cô vẫn yêu cầu chúng em may thêm chiếc nữa (mẫu mới)?”.
Lá thư làm quặn lòng chúng ta, những người lớn dường như bất lực, vì đã để cho con trẻ phải tính toán căn ke như vậy, thay vì được hưởng niềm vui hồn nhiên khi cắp sách tới trường. Gần 7 thập kỷ đã qua kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam, tại sao con trẻ, thay vì được hưởng những gì tốt đẹp nhất, lại phải ngồi viết ra một lá thư tính toán từng đồng từng hào khiến chúng ta đau lòng đến vậy?
Trong khi đó, ngay giữa phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/9 vừa rồi, câu chuyện dinh thự các cơ quan công quyền nguy nga tráng lệ khắp 63 tỉnh thành đã được mang ra mổ xẻ, nhưng mà rồi nào cũng có chết ai vì chẳng có địa phương nào bị nêu đích danh. Tiền ngân sách, tiền thuế của dân đấy, cơ quan công quyền xây to cao bề thế như vậy có lẽ cũng để dân “đẹp lòng mát dạ”, chắc không ai có ý kiến gì.
Đặt lá thư kêu cứu của đứa trò nghèo ở một huyện miền núi của một tỉnh miền Trung nghèo khó, bên cạnh những công trình nguy nga, không biết các vị quan chức hàng tỉnh có thấy xót xa mủi lòng? Tôi tin là khó lắm. Làm quan thời nay mà biết được sự thống khổ và những nỗi lo toan đổ mồ hôi sôi nước mắt của dân nghèo chật vật kiếm miếng ăn, kiếm đồng tiền lo cho con đi học, đi chữa bệnh là một chuyện rất khó tin.
Bởi nếu không, thay vì xây những trụ sở nguy nga điều hòa mát lạnh, các vị quan chức hàng tỉnh sẽ phải nghĩ đến những trường học xiêu bạt tranh tre nứa lá, những bệnh viện dột nát, bệnh nhân chen chúc phải nằm cả dưới gầm giường. Chỉ cần nghĩ đến những hình ảnh đó, biết đâu họ sẽ chùn tay khi ký vào những dự án xây trụ sở hàng ngàn tỷ đồng chăng?
Nhưng không, nào có ai nghĩ được những điều phải đạo đó, có công trình xây dựng là có phết phẩy, có phần trăm, và tiền ngân sách vì thế mà cứ chảy tràn qua lỗ hà ra lỗ hổng. Trên biết, dưới cũng biết, quan chức biết, thứ dân cũng biết, chỉ có điều tất cả đều là “sự đã rồi”, cùng lắm là rút kinh nghiệm mà thôi.
Tôi chợt nhớ tới một chi tiết trong vở kịch “Lời thề thứ 9” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vừa diễn ở Hà Nội gần đây, khi hai mẹ con một người dân quê lên tận trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh để kêu oan, đã lập cập sợ rúm vào khi nhìn thấy công trình quá to, quá đẹp. Trước cửa trụ sở, có treo một khẩu hiệu: “Nhân dân làm chủ”, nhưng bà Chánh văn phòng ra quát tổ bảo vệ: “Mang khẩu hiệu này vào ngay, thay cái khác, cỡ chữ nhỏ hơn, viết to thế này nhỡ nhân dân đọc được họ tưởng thật thì sao”. Câu thoại ấy diễn lần nào cũng được khán giả vỗ tay, họ cười đấy nhưng mà cười ra nước mắt mặn chát.
Chợt thấy thương làm sao những đứa bé phải viết thư kêu cứu mỗi mùa khai trường, khi gánh nặng tiền trường đang đè lên lưng cha mẹ chúng. Thương làm sao những người dân lộn túi đếm đến đồng tiền cuối cùng để đóng thuế, để làm nghĩa vụ công dân nhưng thực sự khi cần đến các dịch vụ công thiết thân như y tế, giáo dục, giao thông... thì đổi lại họ nhận được những gì?
Tất cả thảm cảnh này đã xảy ra chỉ bởi một nguyên nhân, đó là hậu quả của những lương tâm đã bị hóa đá, của những trái tim không còn dòng máu nóng chảy qua. Và cái bệnh tham nhũng, vô cảm ấy, một khi đã ăn vào đến máu, đến lương tâm người ta, thì hỏi còn thuốc nào chữa nổi?
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn