Gom tiền hỗ trợ dân để... làm quỹ

Thứ sáu - 09/06/2017 22:46
Người nghèo ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa nhận được tiền hỗ trợ mua trâu, bò để nuôi từ tổ chức hảo tâm thì bị xóm trưởng thu lại để làm đường, làm quỹ...
Bò mẹ đẻ ra bê do ông Hoàng Kim Ánh vay tiền mua - Ảnh: Văn Định.

Cách đây hơn một tháng, một quỹ  từ thiện phối hợp với một số cơ quan chức năng Hà Tĩnh về xã Đức Hương trao tiền hỗ trợ cho 31 hộ dân nghèo (mỗi hộ 11 triệu đồng) mua trâu, bò về nuôi để phục vụ sản xuất. Theo như cam kết, để nhận được tiền các hộ dân phải dắt bò đi theo để gắn thẻ theo dõi.

Gắn thẻ cho bò xóm trưởng?

Đợt nhận tiền hỗ trợ mua trâu, bò lần này của quỹ này, xóm Hương Tân (xã Đức Hương) có hai hộ nghèo được xóm xét chọn là hộ bà Lê Thị Đức và hộ ông Nguyễn Văn Nhân (61 tuổi). Bà Đức kể đến ngày nhận tiền, ông Lê Quyết Thắng, xóm trưởng xóm Hương Tân, yêu cầu bà Đức và ông Nhân dắt hai con bò của ông Thắng lên xã gắn thẻ để nhận tiền. Sau đó, ông Thắng gom toàn bộ tiền (22 triệu đồng) rồi trích ra 400.000 đồng trả công dắt bò cho bà Đức và ông Nhân. “Ban đầu tui nói dắt con bò của tui lên xã nhận tiền nhưng bị ông Thắng bắt dắt bò của ông ta đi. Nhận tiền xong tui dắt bò về trả lại, còn ông Thắng sang nhà nói tiền hỗ trợ đó là của xóm, bà phải đưa đây. Tui biết tiền này là người ta hỗ trợ gia đình tui nhưng cán bộ xóm đến đòi lại nên tui đã đưa cho họ rồi” - bà Đức nói.

Ông Nguyễn Văn Nhân kể ông cũng được xóm trưởng chỉ đạo phải dắt bò xóm trưởng đi gắn thẻ để nhận tiền hỗ trợ. “Sau khi tui nhận tiền về, cán bộ xóm đến nhà thu lại, chỉ trả cho tôi 200.000 đồng tiền công dắt bò”- ông Nhân bức xúc.

Khi chúng tôi chất vấn về việc này, ông Lê Quyết Thắng thừa nhận hai con bò mà bà Đức và ông Nhân dắt lên xã để gắn thẻ, nhận tiền hỗ trợ là bò của ông. Ông Thắng cũng thừa nhận hiện tại xóm đang giữ tiền hỗ trợ mua trâu, bò của bà Đức, ông Nhân để làm đường (?).

Phải vay ngân hàng mua bò

Người dân ở xã Đức Hương cho biết hầu như ở các xóm của xã này, số tiền mà tổ chức hảo tâm hỗ trợ người nghèo mua trâu, bò đều bị cán bộ xóm thu gom lại, không cho dân mang về nhà. Cụ thể, xóm Hương Hòa có bốn hộ dân được nhận tiền hỗ trợ, nhưng mỗi hộ dân chỉ nhận được 500.000 đồng tiền công dắt bò, số tiền còn lại bị xóm trưởng thu hết. Khi biết mình sẽ được nhận tiền hỗ trợ mua trâu, bò từ tổ chức hảo tâm, ông Hoàng Kim Ánh (xóm Hương Hòa) đã vay ngân hàng hơn 30 triệu đồng mua một con bò cái. Thế nhưng sau khi ông Ánh nhận tiền về nhà, xóm trưởng đã đến thu lại và trả cho ông 500.000 đồng tiền công dắt bò. Ông Ánh bức xúc: “Tui vay tiền mua bò, giờ xóm lấy tiền tui không có tiền trả nợ. Con bò cái của tui được gắn thẻ đã sinh bê con, ngày nào cán bộ xóm cũng đưa người đến xem nhưng không ai biết con bò là tiền của ngân hàng...”.

Được hỏi về việc này, lúc đầu ông Trần Viết Chương, xóm trưởng xóm Hương Hòa, phủ nhận, nhưng khi chúng tôi đưa ra bằng chứng ông Chương thừa nhận: “Toàn bộ số tiền thu về đang ở đây, tôi chưa làm gì cả. Để làm việc gì đó thì chúng tôi sẽ bàn bạc với xóm sau”.

Tương tự, sáu hộ dân nghèo ở xóm Hương Phùng (xã Đức Hương) nhận tiền hỗ trợ mua trâu bò về cũng bị xóm thu lại, mỗi hộ chỉ được trả 500.000 đồng tiền công dắt bò...

Phải trả tiền lại cho dân

Ông Lê Văn Lợi, chủ tịch UBND xã Đức Hương, cho rằng tất cả tiền của quỹ hỗ trợ người dân mua trâu, bò, chính quyền không thu hay bớt xén đồng nào. Chủ trương này xã đã quán triệt, chỉ đạo cho các xóm.

Tuy nhiên khi được chúng tôi cung cấp những hình ảnh, ghi âm làm việc với người dân, cán bộ xóm, ông Lợi mới ngớ người ra và nói: “Lời nói của những cán bộ xóm thừa nhận sự việc với các anh tôi nhận ra giọng. Tôi sẽ cho triệu tập xóm trưởng của tám xóm để hỏi sự thật. Xóm nào lỡ thu tiền của dân thì tôi yêu cầu trả lại”.

Ông Lợi cũng hứa sẽ chỉ đạo xử lý cương quyết sự việc này.

 
Theo Văn Đinh - Trung Hiếu Tuổi trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây