Hà Tĩnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển

Thứ năm - 16/11/2023 07:40
Với lợi thế bờ biển dài 137km, với nhiều cửa biển, cảng nước sâu, có thềm lục địa, ngư trường rộng, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế biển và đặt mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển.
D2023111603 1
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Chiều ngày 15/11/2023, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng báo cáo khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 của tỉnh đạt gần 6%; 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7,68%, dự báo năm 2023 sẽ đạt 8,5%.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố; thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, giáo dục đào tạo đạt kết quả cao.

Hợp tác đối ngoại, nhất là với các tỉnh của nước bạn Lào đạt nhiều hiệu quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đi vào chiều sâu. Công tác cán bộ thường xuyên được chú trọng.

Với lợi thế bờ biển dài 137km, với nhiều cửa biển, cảng nước sâu, có thềm lục địa, ngư trường rộng, nên những nhiệm kỳ gần đây, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết tỉnh hết sức coi trọng phát triển kinh tế biển và ven biển theo định hướng của Nghị quyết số 36-NQ/TW với mục tiêu “Đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển”.

Về thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả như: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2018-2022, tương đương mức bình quân chung cả nước; Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 44 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2018 nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước; Tốc độ đổi mới công nghệ năm 2022 đạt 23%, tăng 2% so với năm 2020.

Sự cố môi trường biển trước đây đã được khắc phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với biển trở lại bình thường. Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường vùng ven biển đã được xây dựng và hoàn thiện.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược, Hà Tĩnh đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững.

Tỉnh cũng đa dạng hóa công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động trong các ngành nghề kinh tế biển; Ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; Tập trung đầu tư hạ tầng các tuyến giao thông chiến lược.

Trong phát triển kinh tế biển, tỉnh chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; phát triển công nghiệp ven biển.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội từ biển, Hà Tĩnh cũng tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh thực thi pháp luật trên biển; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển.

Sau khi nghe báo cáo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả tích mà tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong việc thực Nghị quyết 36-NQ/TW và những chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.
 
D2023111603 2
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu Hà Tĩnh cần huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển.
 
Thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, kinh tế hàng hải. Du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đã có bước phát triển tốt; Nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đã đạt được kết quả tích cực. Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển được tỉnh đẩy mạnh đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như: Cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết.

Kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, công nghiệp ven biển chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất ngành thủy sản còn nhỏ, hoạt động du lịch biển còn mang tính thời vụ, chất lượng nguồn nhân lực ngành biển còn thấp…

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như:

Tuyên truyền, thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; Nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh, phát triển theo hướng bền vững.

Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển, hoàn thiện công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển; bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường biển.

Quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ biển theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực biển…
 
THẢO NGÂN
Nguồn mekongasean.vn

Link gốc: Hà Tĩnh cần tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp ven biển | Mekong ASEAN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây