Tại Nghệ An, dệt may là một trong những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn. Toàn tỉnh có hơn 50 công ty, nhà máy đang hoạt động, sản phẩm làm ra có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đa số các nhà máy hiện nay chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công cho khách hàng nước ngoài.
Các nhà máy dệt may ở huyện Diễn Châu đã cắt giảm hàng nghìn lao động
Từ đầu năm 2023 đến nay các đơn hàng cho ngành dệt may bị giảm sút từ 25-30%, chỉ có số ít doanh nghiệp bảo đảm đơn hàng, còn lại nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng chục nghìn công nhân lao động.
Đơn cử như ở huyện Diễn Châu, hiện có 12 nhà máy và các cơ sở may mặc, giày da, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động, thế nhưng trong điều kiện khó khăn chung, hầu hết các nhà máy cũng phải cắt giảm lao động.
Quản lý Nhà máy may Nam Thuận (huyện Diễn Châu) cho biết, những năm trước, lúc cao điểm, nhà máy có 1.200 lao động, chủ yếu gia công quần áo cho các nước châu Âu. Từ cuối năm 2022 đến nay do khó khăn khăn chung của ngành dệt may, nhà máy phải cắt giảm lao động xuống còn 300 công nhân, mỗi công nhân chỉ làm việc từ 15-16 ngày/tháng.
Hàng tháng, nhà máy phải bù lỗ hơn 1 tỷ đồng để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hiện nay, doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới và các đơn hàng có giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất và chờ cơ hội có các đơn hàng trong thời gian tới.
Tại huyện Nam Đàn, trước nay Công ty Dệt may Havina Kim Liên được đánh giá là có đơn hàng ổn định, tạo việc làm ổn định cho người lao động thì đến nay cũng bị ảnh hưởng.
Anh Lê Thanh Tĩnh - Quản lý tổng vụ, Công ty Dệt may Havina Kim Liên cho biết: “Từ cuối năm ngoái đến nay, do khủng hoảng kinh tế, các nước thắt chặt chi tiêu, thiếu đơn hàng nên sản lượng giảm mạnh. Nếu như thời kỳ cao điểm, công ty có 3.000 lao động làm không hết việc, phải tăng ca thì đến nay chỉ còn 2.500 lao động, ngày làm việc 8 tiếng, không tăng ca, nghỉ thứ 7, Chủ nhật”.
Tại Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An, nơi có đông doanh nghiệp dệt may đóng chân, tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động cũng diễn ra theo tình hình chung. Trong đó, có những công ty lớn như: Công ty CP May Minh Anh Nghệ An, lúc cao điểm, 3 nhà máy của công ty này có gần 20.000 người lao động, đến nay, đã cắt giảm hơn 5.000 người lao động; Công ty TNHH Sangwoo cũng giảm hơn 300 người lao động.
Công nhân ngành dệt may Hà Tĩnh đối mặt với khó khăn khi bị giảm giờ làm và thu nhập
So với Nghệ An, các doanh nghiệp dệt may ở Hà Tĩnh có số lượng và quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp dệt may với hơn 3.500 lao động, thế nhưng năm nay đã bị giảm hơn 1.000 lao động so với năm 2022. Qua khảo sát của Sở Công Thương Hà Tĩnh, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may giảm khoảng 40% so với trước. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,3 triệu USD, chỉ bằng 62% so với tháng 10 năm ngoái.
Đơn cử như Công ty CP May Five Star đã phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 1/11/2023, đồng nghĩa với việc 300 công nhân tạm thời mất việc. Công ty CP May xuất khẩu MTV cũng chỉ duy trì sản xuất 4/8 dây chuyền, giảm từ 300 lao động xuống còn 170 lao động, thu nhập của người lao động cũng giảm hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp dệt may dự báo còn tiếp diễn, Sở Công Thương Nghệ An và Hà Tĩnh đã liên tục cập nhật tình hình, khuyến cáo, động viên các doanh nghiệp theo dõi sát thị trường, chủ động ứng phó linh hoạt và tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất.
Trong đó, ưu tiên tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, tích cực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị để tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, tận dụng tối đa các đơn hàng để duy trì sản xuất và tìm cách giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt người lao động khi đơn hàng phục hồi trở lại.