Trong năm 2023, giá điện tăng 2 lần; lần 1 vào tháng 5/2023 với mức tăng 3% và lần 2 này vào ngày 9/11 tăng thêm 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, giá điện đã tăng lên 7,5%. Đối với những hộ dân làm kinh doanh dịch vụ, quả thực đây là một nguồn chi phí phát sinh đáng kể.
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, chị Nguyễn Thị Tuyến - Chủ một công ty ở Vĩnh Phúc bày tỏ sự lo lắng vì đang vào dịp cuối năm, nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng cao, việc tăng giá điện chắc chắn có tác động không nhỏ.
“Giá điện tăng lên nhưng mặt hàng mình kinh doanh lại không tăng giá được, tăng thì lại đắt hơn cửa hàng khác, lại mất khách. Chúng tôi cũng không thể cắt giảm việc sử dụng điện được vì càng cuối năm, càng nhiều việc.
Do đó, việc tăng giá điện là một áp lực đè nặng thêm cho những người kinh doanh như chúng tôi”, chị Tuyến nói.
Còn anh Phùng Văn Mạnh - Chủ cửa hàng giặt là ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, cái gì cũng tăng nhưng giá điện thì lại tăng nhanh và nhiều hơn cả khiến những người phải sử dụng nhiều điện trong sản xuất như anh phải chịu áp lực rất lớn.
“Tăng giá điện như thế này khiến hoạt động dịch vụ giặt là của tôi lại phải chịu thêm chi phí hàng tháng, trong khi tôi không thể tăng giá dịch vụ với khách hàng.
Trong cảnh làm ăn rất khó khăn, mình mà tăng giá là mất khách ngay. Việc tăng giá điện đến 2 lần trong năm là một khó khăn rất lớn đối với chúng tôi. Bây giờ làm cái gì cũng liên quan đến điện, muốn tiết kiệm cũng không tiết kiệm được”, anh Mạnh nói.
Hóa đơn tiền điện của các hộ kinh doanh sẽ tăng đáng kể khi điện tăng giá (Ảnh minh họa: Ngọc Thắng)
Cùng cảnh ngộ, chị Ngô Lan Hương - Chủ một cửa hàng kinh doanh ở quận Ba Đình - Hà Nội cho hay, việc tăng giá điện sẽ có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của các hộ gia đình. Mặc dù ở thời điểm này, thời tiết dịu mát, lượng tiêu thụ điện ít hơn nhưng nếu cứ kéo dài đến mùa hè thì giá điện tăng ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng khi lượng tiêu thụ mùa nóng phải tăng hơn 20 - 30%.
“Việc tăng giá điện liên tục không chỉ khiến người kinh doanh mà chính người tiêu dùng cũng lo lắng. Bởi ngoài việc phát sinh thêm một khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình thì rất có thể sắp tới hàng loạt các mặt hàng khác cũng sẽ tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Mà khi đã có mặt bằng giá mới, rất khó có thể trở lại mặt bằng giá cũ trước đó. Cuối cùng, cả người kinh doanh và người dân đều phải hứng chịu hệ lụy từ việc tăng giá điện", chị Hương giãi bày.
Từ ngày 9/11, giá điện được điều chỉnh tăng giá lần thứ 2 trong năm (Ảnh minh họa)
Trước đó, vào chiều 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) tăng từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,5%. Quyết định này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.
Theo tính toán của EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến từng nhóm khách hàng. Cụ thể:
- Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/ tháng.
- Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng.
- Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.