Trước đó, vào tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chỉ đạo thực hiện đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” sau sự cố môi trường biển.
Tại Hà Tĩnh, tháng 9/2019, UBND tỉnh này ban hành quyết định, giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Bộ Tài chính cũng có văn bản, bố trí 400 tỷ đồng để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện 4 dự án gồm: Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) với số tiền 280 tỷ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) trị giá 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) với số tiền 40 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỷ đồng.
Hiện tại, chỉ có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm, đến nay đã có 3/4 dự án trên chậm tiến độ. Hiện tại, mới chỉ có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6/2023. Trong đó, dự án lớn nhất là xây dựng cảng cá Cửa Nhượng với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng đến tháng 12/2023 mới tiến hành lựa chọn nhà thầu.
Các dự án nạo vét, chỉnh trị luồng cửa vào Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ chỉ mới giải ngân 0,6 tỷ đồng để tạm ứng cho đơn vị tư vấn khảo sát, lập mô hình, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim giải ngân được 1,858 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng chỉ mới thực hiện giá trị tương đương gần 8,6 tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới phân bổ 181,8 tỷ đồng cho các dự án. Tháng 5/2021, Chính phủ ban hành quyết định gia hạn đến ngày 30/6/2022, 4 dự án của tỉnh Hà Tĩnh phải hoàn thành, đưa vào khai thác.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Hiện có 3/4 dự án chậm tiến độ, nguyên nhân khách quan do Dự án nâng cấp cảng cá phải thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành ở Hà Nội, Hải Phòng... để khảo sát thiết kế. Trong khi đó thời điểm dịch Covid-19 lại phong tỏa nhiều địa bàn nên gặp khó khăn về thời gian. Ngoài ra, giai đoạn khảo sát, phê duyệt dự án cần rất nhiều bước, mất thời gian nhiều nên phải thận trọng để dự án phát huy hiệu quả".
"Nguyên nhân chủ quan do một số anh em chưa có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những việc phải làm trực tuyến nhưng có những việc không thể làm trực tuyến dẫn đến chậm tiến độ, báo cáo muộn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng, có những giải pháp phù hợp để thực hiện các dự án theo đúng tiến độ", bà Ánh cho biết thêm.
Phan quý
Theo Kinhtemoitruong.vn
Link gốc:
Các dự án ở Hà Tĩnh được Formosa bồi thường 400 tỷ giờ ra sao? (kinhtemoitruong.vn)