Hà Tĩnh sử dụng 400 tỷ đồng Formosa hỗ trợ như thế nào?

Thứ năm - 04/01/2024 09:12
Sau gần 5 năm được cấp 400 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đến nay Hà Tĩnh chỉ mới có 1 dự án hoàn thiện, đưa vào hoạt động. Điều đáng nói, đây là khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để khắc phục môi trường biển sau sự cố năm 2016.

Tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137km,với hơn 3.600 tàu thuyền đánh bắt trên biển hằng năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng neo đậu, tránh trú bão, luồng lạch bị bồi lắng, quy mô cảng cá hạn chế. Trong đó, đơn cử như tại huyện Cẩm Xuyên có khoảng 1.000 tàu cá hoạt động, trên 3.900 lao động trực tiếp khai thác, đánh bắt trên biển và tham gia dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên đến thời điểm này, huyện vẫn chưa có cảng cá nào được xây dựng.

Hoạt động nghề cá chủ yếu diễn ra trên gò Cửa Nhượng song vị trí này quy mô nhỏ, liên tục bị bồi lắng nên chỉ có tàu công suất thấp mới vào được. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, những tàu lớn của địa phương đành phải di chuyển ra cảng Cửa Sót (Lộc Hà) hoặc vào Quảng Bình để neo đậu, tránh trú. Hiện nay, hai cảng cá trọng điểm của tỉnh là cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân), cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà) cũng thường xuyên bị bồi lắng, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ hải sản và dịch vụ hậu cần.
 
D2024010404
Hà Tĩnh chậm triển khai các dự án từ khoản tiền bồi thường của Formosa khiến 2 cán bộ bị kỷ luật.
 
Trước tình hình đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 1/5/2019 giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chỉ đạo thực hiện đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển 2016, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 17/9/2019, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo các quyết định được phê duyệt, với số tiền được cấp là 400 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh phân bổ để thực hiện 4 dự án, bao gồm: Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) với số tiền 280 tỷ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) trị giá 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) với số tiền 40 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 476/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện đầu tư các dự án đến hết ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Trên cơ sở đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản 6159/BTC-NSNN bố trí 400 tỷ đồng cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ duy nhất một dự án đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2023 là dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà với số tiền đã giải ngân thanh toán là 35,783 tỷ đồng. Dự án nạo vét, chỉnh trị luồng cửa vào Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ chỉ mới giải ngân 0,6 tỷ đồng để tạm ứng cho đơn vị tư vấn khảo sát, lập mô hình, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim giải ngân được 1,858 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng chỉ mới thực hiện giá trị tương đương gần 8,6 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới phân bổ 181,8 tỷ đồng cho các dự án, giá trị giải ngân được 46,749 tỷ đồng, đạt 25,71% vốn đã phân bổ và đạt 11,69% số vốn bố trí cho dự án.

Trước tình hình đó, ngày 20/5/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 743/QĐ-TTg về việc gia hạn thời gian thực hiện các dự án tại Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 1/5/2019. Trong đó, 4 dự án của tỉnh Hà Tĩnh được gia hạn đến ngày 30/6/2022 phải hoàn thành, đưa vào khai thác. Như vậy, tính đến thời điểm Chính phủ cho phép, cả 4 dự án đều không đạt tiến độ và đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang còn 3/4 dự án chậm tiến độ. Riêng dự án lớn nhất là đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng với quy mô cảng cá cấp II, đáp ứng công suất tàu 400CV, năng lực cập tàu 100 lượt/ngày, lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng đến tháng 12/2023 mới tiến hành lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Trịnh Hà, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh lại cho rằng, các dự án này phê duyệt đến năm 2025 mới hoàn thiện. Về tiến độ thực hiện các dự án còn lại, hiện đang triển khai ở khâu phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chưa phê duyệt đơn vị thi công nên về nguyên tắc, không được cung cấp các thông tin liên quan đến kinh phí, tài chính.

Lý do của việc chậm triển khai các dự án nói trên, theo đánh giá do dự án sử dụng nguồn vốn từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có tính chất đặc thù nên các dự án phải chờ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về quy trình thực hiện và giải ngân. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án được triển khai tại khu vực cửa sông, luồng nước thường xuyên biến động, có tính chất kỹ thuật phức tạp nên việc lựa chọn danh mục và giải pháp kỹ thuật cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình Bộ ngành Trung ương xem xét.

Riêng Dự án “Phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung chủ trương cho thực hiện tại Văn bản số 8608/BNN-TCTS ngày 18/11/2019, trị giá 170 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được cấp vốn, đồng thời đây là dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, không có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, chưa từng được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng như trên toàn quốc nên chưa có cơ sở để thực hiện.

Liên quan đến việc quá trình triển khai các dự án này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về trình tự thủ tục triển khai dự án, giải ngân nguồn vốn đối với dự án và có kết luận số 395/KL-UBND ngày 18/10/2022, theo đó xác định rõ những tồn tại và hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã có Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Hà Văn Trà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cũng đã có Quyết định số 1092/QĐ-BQLDA ngày 15/11/2022 thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Hà Huy Thành, Giám đốc quản lý dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá”.
Thiên Thảo
Theo Cand.com.vn

Link gốc: Hà Tĩnh sử dụng 400 tỷ đồng Formosa hỗ trợ  như thế nào? - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây