Kết quả phản ánh sự phát triển tích cực của KT - XH Hà Tĩnh năm 2023
Nỗ lực đưa kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng và phát triển bền vững.
Quy mô kinh tế Hà Tĩnh năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành ước đạt 99.686 tỷ đồng; xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ.
Trong tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2023; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%, đóng góp 4,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,4%, đóng góp 59,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 27,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,7%, đóng góp 8,4%.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 1.190 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (ĐVTT), giảm 14,81% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đăng ký đạt 5.604 tỷ đồng, giảm 44,68%; vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,71 tỷ đồng, giảm 35,06% so cùng kỳ năm trước.
Trong năm có 372 doanh nghiệp, ĐVTT hoạt động trở lại (giảm 5,82%); Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, trong năm qua có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng và giải thể, cụ thể: có 578 doanh nghiệp, ĐVTT tạm ngừng hoạt động (tăng 19,92%); 247 doanh nghiệp, ĐVTT giải thể (tăng 22,28%).
Thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/12/2023 đạt 16.875,32 tỷ đồng (giảm 2,63% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa đạt 8.508,67 tỷ đồng, tăng 5,82% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 8.183,34 tỷ đồng, giảm 9,56% so với cùng kỳ. Chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/12/2023 đạt 22.371,64 tỷ đồng tăng 17,23% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 10.814,51 tỷ đồng, tăng 26,94%; chi thường xuyên đạt 11.445,71 tỷ đồng, tăng 9,24%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2023 ước đạt 51.124,17 tỷ đồng, tăng 26,47% năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn đạt 12.315,62 tỷ đồng, tăng 31,94%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 19.845,92 tỷ đồng, giảm 7,99%; vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 18.962,63 tỷ đồng, tăng 99,17%.
Mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2024
Tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động, diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Năm 2024, Hà Tĩnh xây dựng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến sản lượng điện năm 2024 đạt khoảng 6,4 tỷ kWh
Ông Trần Thanh Bình, Cục trưởng Cục thống kê Hà Tĩnh cho biết: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến sản lượng điện năm 2024 đạt khoảng 6,4 tỷ kWh; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh dự kiến năm 2024 sản lượng thép đạt 5,1 triệu tấn, phôi thép 5,8 triệu tấn và sản lượng điện sản xuất khoảng 4 tỷ kWh, nếu vận hành đúng kế hoạch sẽ đóng góp cao cho mức tăng trưởng chung.
Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đang từng bước khẳng định tầm vóc, tạo nền tảng, nâng sức bật cho tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới. Hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm sáng phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.