Dấu mốc mới về xuất khẩu lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH ), năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, cao nhất từ trước đến nay (tăng 8,55% so với năm 2022). Kết quả này tiếp tục khẳng định chủ trương đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của Việt Nam rất đúng hướng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong bối cảnh thị trường lao động trong nước gặp nhiều khó khăn.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ), trong đó thị trường Nhật Bản: 74.354 lao động (31.592 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc): 54.769 lao động (16.820 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.830 lao động (537 lao động nữ), Trung Quốc: 1.785 lao động nam (02 lao động nữ), Hungary: 1.463 lao động (695 lao động nữ), Singapore: 1.333 lao động nam, Romania: 804 lao động (143 lao động nữ), Ba lan: 760 lao động (136 lao động nữ) và các thị trường khác.
Thời gian vừa qua, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.
Ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, Bộ đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...
Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ LĐTB&XH đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Ảnh minh họa.
Địa phương nào có người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất?
Đáng chú ý, đang giữ kỷ lục số lượng lao động ra nước ngoài làm việc năm vừa qua là tỉnh Nghệ An. Địa phương này đã đưa khoảng 24.000 lao động sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, chiếm 15% số người cả nước ra nước ngoài làm việc. Đáng chú ý, lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (visa E9) đạt số lượng cao nhất cả nước khi có đến 3.777 lao động đăng ký dự thi các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (tăng 1.315 lao động so với năm trước), theo Người Lao Động.
Nhiều năm qua, Nghệ An là địa phương được đánh giá tích cực, tranh thủ tối đa các nguồn vốn, làm tốt nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm và đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh này đang triển khai 23 chương trình tín dụng gắn với mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và XKLĐ. Chỉ trong năm 2023, Nghệ An đã giải quyết cho 10.583 lượt lao động vay vốn giải quyết việc làm với tổng vốn giải ngân là 630 tỉ đồng.
Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết năm qua toàn tỉnh có 14.710 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng hơn 25% so với năm 2022). Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 36.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Qua thống kê, số tiền người lao động Thanh Hóa gửi về gia đình hằng năm ước tính khoảng 150 triệu USD (tương đương 3.450 tỉ đồng). Đời sống kinh tế của nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi diện mạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Một địa phương khác ở miền Trung có số lượng người lao động ra nước ngoài làm việc nhiều trong năm vừa qua là tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 12.000 người. Trong đó, có 5.349 người lao độngđi làm tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản 4.519 người, Hàn Quốc 1.408 người, còn lại là các thị trường khác.
Còn tại Ninh Bình, dù số lượng còn khiêm tốn nhưng với 2.036 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2023, địa phương này đã lập kỷ lục số lượng cao nhất từ trước tới nay trong hoạt động XKLĐ. Đó là nỗ lực của Ninh Bình trong việc thay đổi nhận thức, tích cực tuyên truyền, kết nối các DN dịch vụ uy tín để tuyển dụng, đào tạo hàng ngàn lao động để đưa ra nước ngoài làm việc.
Bắc Giang cũng tăng 15% số lượng lao động xuất ngoại khi đưa trên 2.200 lao động trong năm qua. Đến nay, Bắc Giang có khoảng 16.500 người đi XKLĐ, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp.
Năm 2024 nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Thông tin trên báo Chính Phủ, theo Bộ LĐTB&XH, trong năm 2024, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động cũng sẽ được chú trọng; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ cũng sẽ theo dõi, nắm bắt thông tin về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 9/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam. Bộ cũng hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, phát huy vai trò, tiềm năng của lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong các Nghị quyết. Bộ LĐTB&XH cũng đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho người lao động.
Bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phù hợp hơn, người lao động cũngphát huy được năng lực, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa..., nhằm tận dụng sở trường của người lao động.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là tạo điều kiện cho nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng xúc tiến thực hiện những chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Trong năm 2023, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định, và ngày 8/12/2023 Bộ đã ký Thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để chính thức triển khai Hiệp định từ ngày 1/1/2024.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Với việc Hiệp định và Thoả thuận hành chính sẽ cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước.
Bên cạnh việc quy định về tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.