Về vùng sông nước An Giang, nhắc đến “vũ nữ chân dài” thì ai ai cũng biết. Bởi loại khô này vừa lạ vừa ngon, lại có cái tên thật mỹ miều, nghe tên đã muốn mua. Loại khô này đang dần phát triển, giúp hàng chục hộ gia đình nghèo có cuộc sống tốt hơn. Học lỏm nghề
Thời gian gần đây nhiều người đã tận dụng và khai thác thêm nhiều “món ăn dân dã” nhưng lại trở thành món khoái khẩu, phù hợp với du khách hiếu kỳ, nhất là giới trẻ thích khám phá món ăn mới lạ đậm chất miền Tây.
Để tìm hiểu loại khô có cái tên cuốn hút này, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Võ Văn Liền (SN 1973, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), là người đã có nhiều năm gắn bó với nghề.
Nhờ khô nhái mà nhiều hộ dân nghèo ở xã biên giới Vĩnh Trung thoát nghèo Gia đình anh Liền thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nên quanh năm sống bằng nghề thuê mướn và bán bánh tráng khắp các chợ trong huyện Tịnh Biên. Một lần tình cờ bán hàng tại chợ Tịnh Biên, anh thấy một Việt kiều Campuchia thu mua nhái tươi nên hỏi thăm thì biết để làm khô. Thấy vậy, anh bỏ nghề bán bánh tráng, về nhà rủ các anh em bắt nhái để bán kiếm tiền.
Sau nhiều lần thấy người chủ thu mua nhái lột, chế biến rồi phơi khô nhái, anh Liền mày mò làm thử được sản phẩm đầu tay. “Tôi phải xem lén nhiều lần lắm rồi mới làm thử. Làm xong ăn thấy giòn, ngon nên tôi mừng lắm. Từ sau lần đó, gia đình quyết định không bắt bán nữa mà tự làm ra để bán lẻ cho mọi người trong xóm” - anh Liền kể lại những ngày đầu làm nghề.
Chính hình dáng của con nhái sau khi làm khô đã khiến nó mang cái tên "vũ nữ chân dài"
Theo anh Liền, gia đình anh đã làm nghề khô nhái này gần 4 năm nay. Ban đầu các thành viên trong gia đình đi bắt nhái vào ban đêm rồi đến sáng ra tiếp tục lột nhái, chế biến nhái bằng cách thêm gia vị như tiêu, đường, bột ngọt, ớt, nước mắm... Sau đó thì đem phơi hai nắng là có thể sử dụng được. Nếu trời không nắng thì phải sấy bằng lò.
Vời cái tên gọi thú vị cùng hương vị đậm đà, món khô nhái đang dần trở thành món ăn đậm chất miền Tây được ưa thích. Nhiều chủ quán, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh như Cần Thơ, Long Xuyên, Đồng Tháp... cũng đặt mua nên gia đình anh Liền hiện đã đặt mua lại nhái từ khoảng 30 hộ dân khác trong vùng.
Người soi nhái chỉ cần bộ đồ nghề gồm: chiếc bình ắc quy, đèn soi, rọng sắt, cái chụp là có thể kiếm được 10 kg nhái một đêm hè; khoảng 4kg/đêm mùa đông. Sau khi lột da có thể bán cho anh Liền với giá 50.000đ/kg Anh Liền cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình anh thu mua khoảng 30 – 40kg nhái tươi để chế biến. Giá bán thành phẩm là 300.000 - 350.000 đồng/kg.
Cả xóm rủ nhau làm khô “vũ nữ chân dài”
Thấy anh Liền làm nghề đông khách, lợi nhuận cao, hơn chục hộ dân xung quanh bắt đầu học nghề theo anh. Nguồn cung nguyên liệu nhái vì thế ngày càng khan hiếm. Người bắt nhái bắt đầu mở rộng phạm vi soi nhái sang các huyện Tri Tôn, Châu Phú (An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang)…
Chị Võ Thị Rỡ - em gái anh Liền cho biết: “Các chủ nhà hàng từ Châu Đốc đến TPHCM tham quan lễ hội đua bò ở đây, thấy loại khô này đã liên kết đặt hàng nhiều lắm, chỉ sợ nhái tươi không có để làm khô thôi”.
Anh Liền đang giới thiệu dụng cụ bắt nhái
Hầu hết người soi nhái đều là hộ nghèo, khó khăn, không nghề nghiệp ổn định. Họ chỉ sống nhờ vào việc soi nhái bán làm khô và bán cho người đi câu nên cuộc sống rất vất vả. Về lâu dài, nghề làm khô “vũ nữ chân dài” rất cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng để xây dựng thương hiệu, hình thành làng nghề chuyên nghiệp, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa xây dựng đặc sản vùng miền.
Theo Minh Khang - Nguyễn Hành Dân trí