Đường đi của dầu đi-ê-zen tái chế

Thứ tư - 07/06/2017 16:29
Từ lâu, xăng dầu không đạt tiêu chuẩn chất lượng được lưu hành trên thị trường đã được nói đến, nhưng ở đâu ra thì chưa ai biết rõ. Tại Nghệ An, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã biết một phần sự thật.
Buông lỏng quản lý

Phải mất rất nhiều thời gian theo dõi, lần theo dấu vết của những chuyến xe, chúng tôi mới phát hiện ra một khu nhà xưởng không tên, không biển hiệu nằm ẩn mình dưới chân núi Đại Huệ, thuộc xóm 9, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Khu xưởng này được bao bọc bởi dãy hàng rào cao, cắm gai nhọn phía trên. Có rất nhiều cây keo lớn xung quanh, cộng thêm cánh cổng bằng sắt lúc nào cũng đóng kín, tạo nên thế biệt lập với xung quanh…

Nhưng mấy ai biết được, những thùng dầu đi-ê-zen được sản xuất tại nơi này.

Xe bồn hút dầu tại xưởng tái chế.

Quy trình chế biến dầu đi-ê-zen từ dầu nhờn phế thải, đã qua sử dụng như sau: Dầu nhờn phế thải được cho vào thùng rồi nấu lên. Khi đạt đến nhiệt độ nhất định, dầu nhờn bắt đầu loãng ra, các loại tạp chất và cặn bị chìm xuống đáy. Dầu loãng bốc hơi tràn vào ống dẫn, chạy qua một hệ thống làm mát rồi đổ vào bồn chứa. Những người thợ pha vào một loại hóa chất trông giống như xút, rồi thêm bột tạo màu theo ý muốn.

Việc chế biến dầu đi-ê-zen cơ bản là như vậy, tuy nhiên vẫn còn một vài công đoạn phụ khác. Nhưng do mỗi công nhân tại xưởng được giao phụ trách một việc nên dù đã rất cố gắng, chúng tôi cũng không tiếp cận được hết tất cả quá trình tái chế dầu. Loại hóa chất dùng để pha chế vào dầu đi-ê-zen cũng là một bí mật. Chúng tôi quan sát, thấy hóa chất được đựng trong những chiếc can nhựa loại lớn. Qua theo dõi thì được biết, mỗi mẻ nấu là 18 thùng phi nhờn thải, sau khi chưng cất sẽ thu về được 15 phi dầu “đi-ê-zen thành phẩm”. Chất rắn, cặn bã thải ra ngoài chỉ khoảng một xe cút kít đẩy tay. Khoảng 5 đến 6 ngày, thì có đủ dầu cho một xe bồn loại 10 nghìn lít chở đi.

Để có đủ nguyên liệu cho hoạt động tái chế dầu đi-ê-zen, tất cả dầu nhờn thải khắp nơi trong tỉnh được thu gom hết. Hằng ngày, có một “đội quân” chuyên đi thu gom từ các tiệm sửa chữa xe máy, cơ sở bảo hành, sửa chữa xe ô tô. Họ dùng xe máy, gắn hai bên hai can nhựa loại lớn ở phía sau đi đến tất cả các xưởng sửa chữa, rửa xe ô tô để thu gom dầu nhờn đã qua sử dụng đưa về đây tái chế. Thế nhưng, thu gom tại Nghệ An vẫn không đủ, nên dầu nhờn thải còn được nhập thêm từ các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị...

Ngày 6-12, một cán bộ UBND huyện Hưng Nguyên cho chúng tôi biết, xưởng tái chế dầu này là của hộ kinh doanh sản xuất cá thể Nguyễn Văn Xuân. Địa chỉ đăng ký: Xóm 9, Đồng Kẹ, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên làm chủ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 27S8000668 do UBND huyện Hưng Nguyên cấp, trong đó ghi rõ hộ kinh doanh này được “Sản xuất nhiên liệu, xăng nặng, nhẹ, trung bình...”.

Cấp giấy đăng ký kinh doanh là vậy, tuy nhiên theo quy định hiện nay đối với các ngành nghề có điều kiện như xăng, dầu thì ngoài việc đăng ký kinh doanh, còn phải được sự cho phép và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn khác về: Chất lượng, môi trường và phòng cháy v.v.. nữa mới được sản xuất và kinh doanh mặt hàng này.

Các thùng chứa dầu nhờn phế thải tại xưởng.

Ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Hưng Nguyên cho biết: “Việc cấp giấy phép là do UBND huyện, nhưng việc quản lý các điều kiện sau giấy phép kinh doanh là do các cơ quan chuyên môn khác. Huyện không quản lý”. Và ông Đức cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay, chưa có cuộc kiểm tra giám sát nào đối với các sản phẩm tại xưởng này”.

Như vậy, không lẽ nhiên liệu dầu đi-ê-zen và các loại xăng được sản xuất tại xưởng này hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng nhà nước về chất lượng, cũng như mục đích sử dụng và nơi tiêu thụ?

Không ai kiểm nghiệm

Vào một ngày trung tuần tháng 11, năm 2013, sau khi nắm được thông tin đang có một xe bồn đến lấy dầu đi-ê-zen tại xưởng, chúng tôi đã bí mật tiếp cận, theo dõi nhằm mục đích tìm ra nơi tiêu thụ của loại dầu này. Từ trên đỉnh núi Đại Huệ nhìn xuống, những tán cây keo trở thành một cái ô lớn, che kín các hoạt động phía trong xưởng. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải tiếp cận phía trong xưởng bằng cách khác. Lúc này, một chiếc xe bồn màu xanh, mang biển số 37C-08791 nhãn hiệu Huyndai, loại 10 nghìn lít đang hút dầu tại đây.

Sau hơn bốn tiếng đồng hồ, chiếc cổng sắt của xưởng hé mở. Một người bước ra ngoài, nhìn trước ngó sau rồi quay lại mở cổng. Chiếc xe bồn có biển kiểm soát 37C-08791 từ từ rời khỏi xưởng, chúng tôi lặng lẽ bám theo. Khi chiếc xe bồn ra tới đường tránh Vinh thì rẽ về phải, theo hướng nam về huyện Hưng Nguyên. Xe chạy trên đường tránh khoảng 500m, thì đột nhiên dừng lại, tấp vào bên vệ đường.

Sau khoảng 10 phút, bất ngờ chiếc xe quay đầu lại, chạy ra hướng bắc về huyện Nghi Lộc với tốc độ rất cao, chúng tôi vẫn kiên trì bám theo. Đến ngã ba đường tránh Vinh và Quốc lộ 34, thuộc địa phận huyện Nghi Lộc thì xe chở dầu biển số 37C-08791 dừng lại, tấp vào quán cơm bên đường. Hình như họ đã phát hiện có người theo dõi. Chúng tôi làm động tác bỏ đi, không theo dõi nữa rồi đổi phương tiện và đi ra ngã ba Diễn Châu đón tại đó. Đúng như dự đoán, sau khoảng một tiếng đồng hồ, chiếc xe chạy qua trước mặt chúng tôi ra hướng bắc. Đến địa phận huyện Quỳnh Lưu thì chiếc xe rẽ về hướng biển, chạy tiếp khoảng 10km, rồi dừng lại ở Cửa hàng xăng dầu Long Quýnh, Doanh nghiệp tư nhân Bắc Vân ở xóm Quyết Tiến, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Lái xe và nhân viên cửa hàng nhanh chóng kéo vòi trên xe xuống...  Tại cột dầu đi-ê-zen ở cửa hàng này có dán lô-gô “Petro Vietnam”.

Xác minh tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An, chúng tôi được biết, chiếc xe bồn BKS 37C-08791 do bà Tô Thị Vân, xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đăng ký. Theo hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, “Doanh nghiệp tư nhân Bắc Vân” do ông Bùi Bắc, chồng bà Vân làm giám đốc. Hiện chiếc xe này do Hoàng Ngọc Đô làm tài xế.

Tìm hiểu, chúng tôi còn được biết thêm, tại huyện Quỳnh Lưu, Doanh nghiệp tư nhân Bắc Vân có 3 cây xăng dầu. Hai cây xăng dầu ở xã Quỳnh Bảng; một cây xăng dầu tại cảng cá Tiến Thủy. Ở cảng cá này, có rất nhiều tàu thuyền đang bơm dầu chuẩn bị ra khơi. Tôi gặp một ngư phủ tuổi trạc ngũ tuần. Ông cho biết trú tại xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy, là chủ tàu đánh cá đang neo đậu tại cảng này. Ông nói: “Chúng tôi đều phải mua dầu ở đây, về giá thì đều thống nhất như giá thị trường. Còn chất lượng thì chịu, không biết ra sao?”.

Khi đang hỏi chuyện một số ngư dân tại cảng cá Tiến Thủy, thì có năm thanh niên chở nhau trên hai chiếc xe gắn máy xuất hiện. Họ rú ga, nẹt bô lượn quanh chúng tôi mấy vòng rồi dừng lại. Một người trong bọn họ rút điện thoại ra, nói lớn cố ý cho chúng tôi nghe: “Có đập chết không?”. Có lẽ họ đã phát hiện ra điều gì đó, nên có những động thái đe dọa.  Rời khỏi cảng cá, chúng tôi đi về xã Quỳnh Bảng, đám thanh niên này vẫn tiếp tục đuổi theo gây sức ép, dọa dẫm suốt quãng đường. Buộc lòng chúng tôi phải chạy vào UBND xã Quỳnh Bảng báo cáo toàn bộ sự việc. Ông chủ tịch xã cử hai công an xã đi cùng, thì đám thanh niên này mới chịu quay trở lại.

Đem câu chuyện dầu đi-e-zen được sản xuất tại chân núi Đại Huệ - Nghệ An trao đổi với ông Nguyễn Công Hoan, Chánh thanh tra Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, ông Hoan cho biết: “Tất cả xăng, dầu lưu hành trên thị trường phải đáp ứng Quy chuẩn QCVN1: 2009/BKHCN. Nếu thiếu một trong các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật này, thì không được phép lưu hành”.

Rõ ràng, trong thời gian qua đã có một lượng lớn dầu đi-ê-zen tái chế được đưa vào thị trường Nghệ An; chất lượng của nó không hề được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý, nếu sử dụng loại dầu đi-ê-zen tái chế này, không biết hậu quả sẽ ra sao? Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần vào cuộc làm rõ việc này.

Theo Thế Sơn QĐND

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây