Vùng thượng Kỳ Anh gồm các xã mà người ta vẫn quen gọi là Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Tây, Hợp, Trung, nằm trải dài trên vùng núi phía Tây huyện Kỳ Anh. Người dân 7 xã này phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ kể cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Nhiều hộ dân ở xã Kỳ Trung giàu lên nhờ trồng chè. |
Trong ký ức những người dân bản xứ, hình ảnh những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ mà hào hùng vẫn chưa phai nhòa. Năm 1970, khi Mỹ tăng cường đánh phá những cung đường chi viện từ hậu phương miền Bắc thì tuyến đường 22 được mở nhằm chia lửa cho QL 1A và đường 15, khơi thông mạch máu giao thông Bắc - Nam. Cung đường chiến lược 22 đi qua một số xã vùng thượng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, trong những năm tháng ấy, với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, mỗi người dân nơi đây đều nêu cao tinh thần tự giác, hiến đất, hiến nhà để cung đường chiến lược sớm hoàn thành. Hơn thế nữa, cùng với công sức của lực lượng TNXP, tất cả người dân ở đây đều trở thành những chiến sỹ anh dũng, kiên cường bám đường giúp bộ đội vận chuyển thành công hàng hóa chi viện cho tiền tuyến.
Sống ở chốn “thâm sơn cùng cốc”, đất canh tác ít, chiếm phần lớn là những vùng đồi cằn khô đá sỏi, hơn nữa lại nằm tách biệt với trung tâm hành chính của huyện, đường sá đi lại khó khăn, sau chiến tranh, người dân miền núi phía Tây Kỳ Anh dường như bế tắc trên con đường phát triển kinh tế. Hầu hết họ chỉ sống dựa vào rừng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa nào thức ấy, kẻ chặt củi, người săn bắn để đắp đổi qua ngày.
Ông Phan Văn Duẩn – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng tâm sự: “Trong ký ức của tôi còn in đậm những câu chuyện của ông cha về tháng ngày kiếm sống nơi rừng sâu núi thẳm. Đối mặt với thú dữ, mưa nguồn suối lũ và những cơn sốt rét ác tính là những chuyện không xa lạ với trai tráng trong làng. Cho đến tận khi tôi lớn lên, chuyện bát cơm manh áo vẫn luôn là một nỗi ám ảnh lớn”.
Trước thực tế khó khăn của người dân vùng thượng, Đảng bộ, chính quyền Kỳ Anh đã có những chủ trương, chính sách nhằm vận động, khuyến khích bà con bám đất, bám vườn xây dựng kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, phần lớn người dân vùng thượng đã bỏ nghề đi rừng quay lại sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thay đổi tư duy về phương thức canh tác vốn đã bám rễ sâu trong nhận thức của người dân bản địa không phải là chuyện ngày một ngày hai. Họ chủ yếu vẫn trung thành với phương thức sản xuất quảng canh, tự cung tự cấp, không mạnh dạn tiếp cận những phương thức sản xuất mới cũng như những tiến bộ KHKT. Những điều này dường như đã tạo nên một rào cản vô hình ngăn cách vùng thượng với cuộc sống đang từng ngày đổi thay, sôi động bên ngoài.
Thời kỳ ấy, đường đến các xã vùng thượng toàn đường đất nhiều suối, khe băng ngang. Cán bộ huyện đi công tác ở xã phải mất cả ngày đường. Anh Nguyễn Xuân Lự – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Anh cho biết: “Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, những chuyến công tác các xã vùng thượng luôn là những thử thách đối với mỗi chúng tôi. Câu nói “vùng thượng đi dễ khó về” đã trở thành quen thuộc với cán bộ huyện thời kỳ ấy bởi lắm khi chỉ một trận mưa nguồn là không còn đường về. Tuy nhiên, đó cũng chính là điều kiện giúp chúng tôi gần dân hơn, thông qua những câu chuyện tâm tình, chúng tôi hiểu hơn về nhu cầu, tâm tư tình cảm của bà con, từ đó con đường đến với lòng dân cũng được rút ngắn”.
Gian nan cách trở là thế nhưng trong suy nghĩ của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, vùng thượng vẫn luôn như là “đứa con” nhiều thiệt thòi cần được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Vùng thượng còn nghèo thì nỗi trăn trở trong đội ngũ cán bộ các cấp càng lớn. Làm thế nào để đưa ánh sáng từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về với miền Tây nắng lửa, làm thế nào để những chiến lược phát triển kinh tế dành riêng cho vùng đất đặc thù này được người dân hiểu và tiếp nhận là những câu hỏi thường trực trong suy nghĩ cần sự nỗ lực rất lớn của cán bộ địa phương…
(Còn nữa...)
Theo Thúy Ngọc - Anh Hoài Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn