Vào đầu năm 2011, ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, người dân xôn xao truyền tai nhau về mô hình nuôi giun cao sản cho thu nhập cao của gia đình ông Đặng Văn Yên ở xóm Hạ Triều, xã Vĩnh Lộc.
Chị Trần Thị Đơn, 40 tuổi, một hộ nuôi giun nhưng phá sản vẫn chưa hết bức xúc: “Ông Yên nói, nuôi giun cao sản cho lợi nhuận rất cao, sau hai năm là có xe hơi đi, kỹ thuật đơn giản, đầu ra sẽ do Công ty cổ phần thương mại du lịch Hùng Vương bao lo. Ông Yên còn nói một năm có thể thu ba vụ, như ông vụ thứ nhất được công ty thưởng một chiếc tủ lạnh, vụ thứ hai được thưởng máy giặt, vụ thứ ba được thưởng xe máy.”
|
Chị Trần Thị Đơn |
Thấy “làm giàu quả là không khó”, chị Đơn bàn với chồng bán đàn lợn gần 50 con được hơn 50 triệu, vay mượn ngân hàng được thêm 200 triệu rồi phá trang trại nuôi lợn để nuôi giun. Thế nhưng chỉ bán giun được hai vụ, tổng cộng được 41 triệu, đến vụ thứ ba, chị Đơn xuất hàng đi nhưng phía công ty bỏ trốn, tiền cũng không thu về được. Nuôi tiếp thì không có đầu ra, giun không có thức ăn nên chết dần, chết mòn, chị đành phá bỏ trại nuôi giun. Bây giờ nghĩ lại chị Đơn vẫn thấy xót xa.
Cùng chung cảnh ngộ là anh Trần Xuân Trường, xóm 12, xã Vượng Lộc. Anh Trường kể lại: “Vào tháng 4/2011, được ông Yên giới thiệu về mô hình nuôi giun cao sản, tôi bán xe ô-tô và vay mượn thêm Ngân hàng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cả thảy 200 triệu đồng. Tôi mua giống và tiền chế phẩm hết 150 triệu đồng, còn lại thì đầu tư lưới, làm sàn trang trại.
Sau ba tháng nuôi, thu hoạch được 230 kg, bán được 30 triệu đồng, nhưng trừ đi chi phí thuốc chế phẩm, tiền thức ăn, bảy loại thuốc thì nhà tôi vẫn âm 3 triệu, đó là chưa kể tiền công hai vợ chồng chăm sóc suốt ba tháng trời”. Hiện tại nhà anh Trường đã phải phá bỏ trang trại mà chưa biết làm gì để sống.
Qua tìm hiểu cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 50 hộ nuôi giun cao sản theo hợp đồng với Công ty cổ phần thương mại du lịch Hùng Vương. Khi mới đầu tư, các hộ dân được cán bộ công ty về tận nhà chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phát triển theo mô hình ba tầng kinh tế và bao tiêu sản phẩm.
Theo đó, người dân sẽ được mua con giống, thuốc, chế phẩm từ công ty. Sau khi có sản phẩm, phía công ty hứa cứ ba tháng sẽ tới tận nơi thu mua sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài làm thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, Công ty này chỉ thu mua lứa đầu, thậm chí có hộ chưa bán được lứa nào thì công ty đã bặt vô âm tín, khiến hàng chục hộ dân phá sản.
Vì quá tin tưởng vào cam kết hợp đồng nên nhiều hộ gia đình như ông Lâm, anh Tiến, ông Đàm… đã đầu tư hàng trăm triệu để xây mới trang trại, thuê mượn mặt bằng với diện tích lớn, nhưng lợi nhuận chưa thấy đâu đã bị công ty phá bỏ hợp đồng.
Anh Trường cho biết: “Vào cuối năm 2012 tôi và một vài hộ nuôi giun ở xã Vượng Lộc đã bắt xe ra Hà Nội đến trực tiếp Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Hùng Vương ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhưng đến nơi thì thấy cửa khóa chặt, hỏi người dân chung quanh thì họ bảo ông chủ đã đi vắng cả năm trời rồi”.
Theo NOD