Ngày 21/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn, trở thành lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh truyền thống. Ảnh: CTV
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra vào dịp đầu xuân, vào ngày rằm tháng Giêng, gắn liền với đền Đông Hải (thuộc thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên), thờ Đông Hải Đại Vương - cá Ông (cá voi). Đền có lịch sử hàng trăm năm đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đây là lễ hội có truyền thống từ lâu đời, là nét văn hóa tín ngưỡng của ngư dân xã Xuân Liên và các xã quanh vùng có nghề đánh bắt trên biển. Sau nhiều năm bị mai một, gần đây, lễ hội đã được phục dựng lại.
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng gồm lễ tế tại đền và lễ rước Đông Hải Đại Vương ra biển: cầu mưa thuận, gió hòa, biển nhiều tôm cá, Nhân dân ra khơi vào lộng đánh bắt an toàn, thắng lợi.
Nghi lễ chạy thuyền trong lễ hội cầu ngư. Ảnh: CTV
Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền... Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm nhưng cũng rất sôi động và thú vị.
Bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội còn tạo không khí đoàn kết, chung tay phát triển ngư nghiệp, xây dựng quê hương đối với người dân Xuân Liên nói riêng và ngư dân quanh vùng nói chung.
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tập quán tín ngưỡng độc đáo, Bộ VH-TT&DL đã đưa Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hà Tĩnh hiện đã có 4 lễ hội được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội đền Lê Khôi, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn và Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.
Nguồn Cẩm Kỳ Đại đoàn kết