Trong một lần đi chơi cùng với mẹ vào đầu tháng 8, một chiếc xe tải đã đâm vào hai mẹ con Phương Anh. Mẹ Phương Anh may mắn chỉ bị xây xước ngoài da, còn em thì bị bánh xe chèn lên và kéo rê đi vài mét khiến xương cánh tay phải của em bị gãy, dập hết phần cơ. Sau khi trải qua hai cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức, Phương Anh được chuyển về ghép da tại Viện Bỏng Quốc gia.
Để nhanh chóng được xuất viện, hằng ngày theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, em đều đến tập tại phòng phòng hồi chức năng. Nhưng theo mẹ Phương Anh, bác sĩ cho biết vẫn chưa thể nói trước được ngày ra viện của em.
Giọng buồn thương, Phương Anh bộc bạch: “Hai tuần nữa nếu sức khỏe ổn định hơn em sẽ xin về trường để bảo lưu kết quả học tập, rồi sau đó sẽ xuống để tiếp tục điều trị. Bạn bè gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm khiến em càng nhớ trường, nhớ lớp, phải còn lâu nữa em mới có thể đi học lại được!”
Giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên gương mặt hốc hác vì điều trị bệnh của Nguyễn Quang Nam (học sinh lớp 8 trường THCS Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng) khi tôi hỏi em về những cảm xúc khi không thể về tựu trường.
Quang Nam bắt đầu điều trị tại khoa Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thuộc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ hơn 1 năm về trước. Cũng từ đó, em thường xuyên phải xa trường lớp, bạn bè để đi chữa bệnh. Mỗi tháng điều trị của em thường kéo dài từ 10-14 ngày, vì vậy rất khó để theo kịp việc học trên lớp.
“Em buồn và thấy lo cho em sau này, không làm được những việc nặng nhọc, vận động chân tay nhiều thì cùng cần phải học tốt. Nhưng bây giờ đến việc theo kịp các bạn cùng lớp cũng không được. Bây giờ em chỉ mong có thể đi học được như các bạn khác”, Quang Nam chia sẻ.
Niềm vui của Quang Hưng và các em nhỏ trong phòng bệnh là vẽ tranh các con vật, hay vẽ bắt chước theo bìa của một cuốn vở. Ảnh: Trần Huyền |
Năm nay bước vào lớp 5 nhưng Hòa Quang Hưng (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cũng chưa biết có thể đến trường cùng với các bạn của mình hay không. Mẹ của Quang Hưng cho biết, em bị bệnh tan máu bẩm sinh từ nhỏ. Chị gái của em đang học lớp 9 cũng mắc căn bệnh này. Hàng ngày, Quang Hưng cùng các em nhỏ trong phòng mượn bàn của các y tá để vẽ tranh, làm toán.
“Con không nói rằng mình có nhớ lớp, nhớ bạn bè nhưng tối nào hai mẹ con cũng thủ thỉ về bạn này ở lớp như thế nào, hay bạn nào thường rủ đi học cùng, rồi tập làm toán với nhau”, mẹ Quang Hưng chia sẻ.
Cùng bệnh cảnh với Quang Hưng, Mùi Thị Lệ, 17 tuổi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) không thể tiếp tục đến trường. Lệ cho biết em được phát hiện mắc tan máu bẩm sinh khi mới 6 tháng tuổi. Gia đình đưa khám và chữa ở bệnh viện tỉnh đến năm 4 tuổi, khi bệnh nặng quá thì gia đình chuyển em xuống Viện Huyết học. 3 năm gần đây, mỗi đợt điều trị em đều tự đi một mình vì không muốn ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.
Cầm phiếu cơm miễn phí vừa được phát, giọng Lệ trầm buồn: “Bạn bè cùng lớp ngày xưa thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Bây giờ các bạn ấy cũng bận hơn vì phải học, phải ôn thi nên em cũng không muốn phiền nhiều”. Cô bé 6 tuổi, một mình ở bệnh viện cách xa nhà hàng trăm ây số khiến nhiều cha mẹ có con điều trị ở đây rơi nước mắt.
Huyền Trần
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn