Dừng VNEN, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh không thể "phủi tay" nhẹ nhàng như vậy

Thứ tư - 02/05/2018 03:15
Trả lời báo Infonet về hệ lụy của VNEN khi 100% trường học từ chối mô hình này, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng "dừng VNEN không ảnh hưởng gì cả" nhưng thực tế ở địa phương hậu quả mà VNEN để lại rất nặng nề.

Ngày 25/8/2017, sau khi có kết quả “rà soát” của 13 huyện, thị, thành phố với 129 trường tiểu học nói “không” với mô hình Trường học mới VNEN (THM VNEN) trong năm học 2017-2018, Infonet có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. 

Điều kỳ lạ là khi cả tỉnh (từ học sinh, phụ huynh, giáo viên cho đến lãnh đạo các cấp) đang “nóng” lên về VNEN và tìm cách khắc phục những hậu quả VNEN thì ông Giám đốc lại cho rằng: “Dừng VNEN  không ảnh hưởng gì cả”.

Sau khi bài báo này được xuất bản, Báo điện tử Infonet đã nhận được rất nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh và của các thầy cô giáo đã từng "phải" dạy theo chương trình VNEN, nói lên những bức xúc của họ và phản bác ý kiến của ông Giám đốc Sở GD-ĐT.

Infonet xin được giới thiệu bài viết của một giáo viên tại Hà Tĩnh.

Sau 5 năm triển khai mô hình trường học mới VNEN, đến nay, năm học 2017 -2018, 100% trường học trên địa bàn Hà Tĩnh “chia tay” VNEN.

Hà Tĩnh là tỉnh không nằm trong Dự án GPE- VNEN. Tại Hà Tĩnh, chỉ có 1/1447 trường trong cả nước thực hiện chương trình thử nghiệm này.

Nếu không phải đích thân Giám đốc, thì ai đã cho mình cái quyền triển khai ồ ạt mô hình THM VNEN tại Hà Tĩnh?

Từ một trường Tiểu học thử nghiệm mô hình VNEN năm 2012-2013; năm học 2013-2014 thêm 12 trường; đến năm 2014-2015 đã có 36 trường; và 2015-2016 đã có 129 trường Tiểu học trong toàn tỉnh. Đó là chưa kể đến 36 trường THCS.

Để triển khai mô hình THM VNEN các cơ sở GD đã phải đập bục giảng, tháo bảng, cưa ghế, xếp bàn, mở rộng lớp…chỉ riêng khoản kinh phí này đã tiêu tốn hàng tỷ đồng của các trường và của phụ huynh, học sinh. Bây giờ, quay trở lại chương trình hiện hành, lại phải một lần xây bục, lắp bảng, tháo bàn, trang trí lại lớp… và việc "hoàn trả hiện trạng" này cũng sẽ khiến túi tiền của phụ huynh học sinh vơi đi đáng kể.

Chưa hết, việc "dừng VNEN" cũng khiến phụ huynh, học sinh và các cơ sở giáo dục “vắt chân lên cổ” chạy ngược, xuôi lo tiền, lo cơ sở vật chất, lo mua sách, lo con không theo kịp chương trình ...

Sao lại không ảnh hưởng khi hàng ngàn học sinh đất học Hà Tĩnh được đưa ra thử nghiệm và nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ rằng họ rất đau lòng khi học chương trình VNEN con mình càng học càng sút.

Sao ông không thấy lãnh đạo Đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân tỉnh và 13 huyện, Thị, Thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh, vất vả họp lên, họp xuống; hàng ngàn giáo viên, phụ huynh mất ăn, mất ngủ, bỏ công việc vì VNEN? Chỉ làm phép tính sơ lược đã thấy lãng phí thời gian, công sức vô cùng lớn.

Nếu "không hệ lụy gì cả" thì tại sao Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh sau khi họp với Sở GD&ĐT đã có ngay Thông báo số 230, ngày 27 tháng 7 năm 2016 dừng triển khai đại trà mô hình THM VNEN tại Hà Tĩnh? Và sau đó thành lập Hội đồng khoa học rà soát điều tra thực trạng VNEN do ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch. Sau 1 năm làm việc, Hội đồng đã có Kết luận trình UBND tỉnh và vừa qua UBND tỉnh đã có Công văn 4885 dừng VNEN ở bậc THCS?!

Lâu nay, trên phương tiện truyền thông, sau khi đăng tải thông tin Hà Tĩnh "vỡ trận" VNEN, đến ngày 23 tháng 8 năm 2017, 100% trường học trên địa bàn Hà Tĩnh “chia tay” VNEN.

Với những gì VNEN để lại, chí ít Hà Tĩnh cũng phải giải quyết 4 hậu quả trước mắt sau đây:

Một là, chỉ đạo các trường học rà soát lại 2 chương trình (chương trình VNEN và chương trình hiện hành) để có kế hoạch bổ túc những nội dung, những bài, những chương trong chương trình VNEN không có để khi trở lại học chương trình hiện hành, học sinh không bị mất gốc.

Hai là, có kế hoạch bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ giáo viên (kể cả phụ huynh và học sinh) để họ an tâm, không bị động khi bước vào năm học mới.

Ba là chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc tu sửa cơ sở vật chất để tương thích với chương trình và mô hình trường học hiện hành. (Hiện các cơ sở GD đang vô cùng lúng túng chưa biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để triển khai mục này).

Bốn là xem xét, nghiên cứu và có giải pháp khắc phục Học bạ cho học sinh, vì những nội dung trong Học bạ học VNEN khác hoàn toàn Học bạ hiện hành.

Như vậy, trước mắt những hệ lụy của VNEN để lại vô cùng nặng nề, có những việc thấy, phải sửa sai ngay, nhưng có những hệ lụy lâu dài khó thấy, như niềm tin của nhân dân với lãnh đạo GD, những hệ lụy mà học sinh phải gánh chịu không phải một sớm một chiều khắc phục.

 Phụ huynh trường Tiểu học Cẩm Quang là 1/1447 trường trong cả nước thử nghiệm mô hình VNEN bỏ phiếu với tỷ lệ 95,5% nói " không" với mô hình VNEN trong năm học 2017-2018.

Đổ trách nhiệm?

Theo ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì VNEN tại Hà Tĩnh “vỡ trận" là do: “Hạn chế đầu tiên đó là một số trường về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được điều kiện triển khai mô hình này”. Vậy tại sao ngay từ đầu không công bố tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho các trường khi triển khi triển khai mô hình VNEN? Dù biết thế tại sao năm học 2015-2016, ông vẫn quyết định triển khai 100% trường tiểu học THCS theo mô hình THM VNEN?

Về đội ngũ, ông cho rằng: “Bên cạnh một số trường giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng bài bản thì một số trường chưa được đào tạo, bồi dưỡng đến nới đến chốn vì vậy khi giảng dạy sẽ lúng túng”. Sao biết “giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn” mà không nhắc nhở, phê bình, tạm thời đình chỉ. Đưa GV không được đào tạo giảng dạy chương trình VNEN, thì chẳng khác nào đưa "thầy mù xem bói"...

Được biết, năm 2016, Sở GD&ĐT đã ban hành hai Công văn 427/ SGD-GDTrH ngày 09/4/2016 và 636/ SGD-GDTrH ngày 10/5/2016 triển khai 100% mô hình THM VNEN đối với các trường tiểu học, THCS là những Công văn trái thẩm quyền quy định, cho đến giờ không ai hiểu nổi được triển khai đại trà mô hình VNEN ra toàn tỉnh mà Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh không báo cáo lãnh đạo tỉnh “để cùng chung sức triển khai” lại đổ vấy trách nhiệm cho cấp dưới là “quá rập khuôn”, “ quá máy móc”.

Khi 100% các trường tại Hà Tĩnh “vẫy tay” chào VNEN mà GĐ Sở GD&ĐT vẫn cho rằng: “Đây là một mô hình tốt”. “Tốt” vậy sao cả tỉnh lại bỏ VNEN? "Tốt" thì tại sao không đấu tranh bảo vệ chính kiến của mình?

Gần đây, khi nói về những hệ lụy khi dừng mô hình THM VNEN, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT đã nhận khuyết điểm và cho rằng: “Trên cương vị Giám đốc Sở GD&ĐT, để xẩy ra những bất cập dẫn đến việc phải dừng mô hình này, trách nhiệm cuối cùng thuộc về tôi. Tôi cũng đã nhận trách nhiệm trước những khuyết điểm của ngành với UBND tỉnh rồi”.

Vậy tại sao ông Trần Trung Dũng không nhận khuyết điểm trước phụ huynh, học sinh, GV khi họ đã phải "điêu đứng" vì VNEN mà chỉ nhận khuyết điểm trước UBND tỉnh? Điều mà giáo giới, phụ huynh, học sinh trông chờ là những hành động của sửa sai chứ không chỉ là nhận khuyết điểm với tỉnh rồi “phủi tay” nhẹ nhàng như vậy.


Theo Infonet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây