Cô, trò chia nhau gạo tấm, khoai sùng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở một xã miền núi Sơn Mai, thuở nhỏ, cô Anh Nhàn sớm bộc lộ tố chất thông minh, lém lỉnh hơn các bạn đồng trang lứa. Tuổi thơ êm đềm bên chúng bạn và trang sách, ước mơ thiếu thời của Nhàn sau này sẽ trở thành một cô giáo.
Thế rồi, noi gương anh trai vào ngành sư phạm, Nhàn cũng khăn gói quả mướp một mình đi bộ, vượt núi đèo đến với Trường sư phạm Bắc Hà Tĩnh, cái nôi đào tạo giáo viên cho cả tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ.
Sau 3 năm miệt mài đèn sách, ra trường, cô sinh viên Nhàn được phân về giảng dạy tại trường Tiểu học Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, cách nhà hơn 70 cây số. Cô giáo Nhàn đã bước vào nghiệp “trồng người” từ đó.
Những người dân xã Cẩm Bình vẫn còn nhớ hình ảnh cô giáo trẻ người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm nhưng có đôi mắt sáng và nụ cười thường trực, kể cả dưới làn bom đạn.
Là “em út” của hội đồng sư phạm nhà trường, lại đi dạy xa nhà, nhưng sống trong tình thương và sự đùm bọc của đồng nghiệp và bà con nhân dân, cô giáo trẻ nhanh chóng chiếm được tình cảm của phụ huynh và học sinh bởi sự nhiệt huyết với nghề.
Những tấm bản đồ, bảng chữ tự tay cô viết nên hay những đồ dùng dạy học tự chế đầy sáng tạo có sức hút đặc biệt với học trò, nó giúp cho bài giảng của cô trở nên sinh động và dễ hiểu hơn rất nhiều. Chịu khó học hỏi, tìm tòi sáng tạo, từ một cô giáo trẻ mới ra trường, cô Nhàn đã trở thành một trong những gương giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc.
Từng đứng lớp thao giảng, báo cáo kinh nghiệm trước Bộ trưởng, trước lãnh đạo ngành trong những chuyến về thăm trường là những vinh dự đối với một cô giáo trẻ, mà đến hôm nay khi nhắc lại, trong mắt cô vẫn ánh lên niềm vui khôn tả.
Cô giáo Phạm Thị Anh Nhàn cùng cậu con trai út Hoài Đảm. Ảnh Cảnh Thắng
Với cô, những năm công tác ở Cẩm Bình cũng là những năm gian khó nhưng không thể nào quên.
“Đó là thời của bom đạn, cô và trò vừa dạy học vừa lo tránh máy bay, chỉ cần nghe tiếng máy bay gầm rú là tất cả đội mũ rơm vào hầm trú ẩn, chờ máy bay đi xa lại lên học tiếp” - cô bồi hồi nhớ lại.
Ai đã từng đến mảnh đất nghèo Cẩm Bình năm đó chắc chắn sẽ hiểu được cuộc sống mà cô trò chia nhau bữa ăn với gạo tấm, khoai sùng là như thế nào. Thậm chí có những khi, nồi cháo cám vốn chỉ dành cho lợn (bây giờ) cũng là thức ăn duy nhất trong nhà mà đến lúc đói quá bà mẹ nuôi phải nấu lên để các cô giáo ăn, có sức mà lên lớp. Dù gian khổ là vậy, cô Nhàn và các thầy cô giáo lúc giờ vẫn không nhụt chí.
Và lớp học bên chân núi Mồng Gà
Sau gần 40 năm đứng lớp, năm 2005, cô giáo Nhàn nhận quyết định nghỉ hưu. Trong ngôi nhà đơn sơ nép mình bên QL 8A, có một căn phòng nhỏ mà nhiều năm qua cô vẫn dạy học cho những đứa trẻ trong vùng.
Vẫn những bộ bàn ghế cũ, được chính tay cô đóng, hay do phụ huynh tặng, dăm bảy đứa trẻ đang tròn xoe mắt đọc những con chữ đầu tiên. Đó là con em của những nông dân trong xóm, ở xã bên, hoặc thậm chí là con cháu của các thầy cô giáo, vẫn đến đây để được cô Nhàn dạy thêm.
Trên chiếc bảng gỗ ghép từ nhiều miếng ván được làm từ gần hai chục năm trước, những con chữ tròn trịa dần hiện ra qua bàn tay cô giáo. Không chỉ dạy cho các em cách phát âm, viết chữ, mà cô còn âm thầm gửi gắm những bài học về cách làm người qua chính những con chữ đầu tiên. Những đứa học trò ở đây, sau ba tháng hè đều có thể đọc thông, viết thạo, và quan trọng hơn là biết chào hỏi, biết thưa gửi, cảm ơn, gọn gàng sạch sẽ hơn lên rất nhiều.
Cô giáo Anh Nhàn bây giờ. Ảnh Vũ Phan
Nổi tiếng là nghiêm khắc, nhưng vừa tan học, trong nhà có thứ hoa quả gì là cô lại đưa ra cho mấy đứa nhỏ cùng ăn. Có lúc, bữa trưa trong gia đình, ngoài hai ông bà còn có thêm những đứa trẻ là học sinh mà bố mẹ chúng đi làm, chưa đón kịp. Cơm đơn giản, canh rau cà, quả trứng nhưng ở với cô, học sinh nào cũng ăn được nhiều hơn, ăn xong nghe cô hát ru, đi ngủ trưa, cứ như lớp học bán trú ngày xưa vậy.
Cô tâm sự: “Bao nhiêu năm đứng lớp quen rồi, mình đã lấy học trò làm niềm vui. Giờ về nghỉ cũng muốn có thời gian hơn nhưng phụ huynh không chê cô giáo già, vẫn đến gửi gắm…”. Và cứ thế, mỗi mùa hè đến, người ta lại bắt gặp hình ảnh cô giáo già, tóc đã nhiều sợi bạc, ân cần nắm tay, tập viết, giảng bài cho học sinh.
Nói về cuộc đời mình, cô chỉ cười nhẹ: “Số mình không được nhàn hạ như cái tên mà bố mẹ đã đặt cho”.
Thật vậy, điều khiến học trò và những người biết đến cô phải trăn trở, thương cô nhiều hơn là một con người tài hoa, ăn ở nghĩa tình nhưng lại vất vả, lắm thăng trầm.
Bao nhiêu năm làm dâu trưởng trong một gia đình liệt sỹ, làm vợ mà chồng công tác xa, làm mẹ của hai đứa con trai, mình cô phải cáng đáng mọi việc trường lớp, gia đình, nuôi dạy con cái, cũng là bấy nhiêu năm cô trải qua những chìm nổi, khó khăn nhất của đời người. Đến bây giờ, ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi nhưng cô vẫn kèm cặp cho những đứa trẻ trong làng.
Chiều chiều, người ta vẫn thấy hình ảnh cô giáo già lặn lội lên núi hái trện về bó làm chổi, để có thêm chút tiền trang trải nợ nần, nuôi con ăn học. Phần cảm thương cô giáo già vất vả, phần vì chổi cô làm ra rất bền, rất chắc, nên nhiều người ở xa vẫn đến tìm đến, đặt mua rất nhiều…
Căn nhà của gia đình cô giáo Anh Nhàn nơi những đứa trẻ học chữ mỗi khi hè đến. Ảnh Vũ Phan
70 năm tuổi đời, hơn 40 mươi năm tuổi nghề, cây thước kẻ và viên phấn trắng vẫn gắn bó với cái cô giáo Nhàn. Từ ngôi trường Cẩm Bình – lá cờ đầu ngành giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đến mái nhà tranh dưới chân núi Mồng Gà bây giờ, đã có biết bao thế hệ học trò đã và đang trưởng thành từ bàn tay dìu dắt của cô. Cô giáo trẻ đầy tài năng của ngày nào giờ tóc đã bạc đi nhiều sức đã yếu nhưng cái tâm với nghề giáo thì vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn