Đường đến trường nguy hiểm nhất Việt Nam

Thứ ba - 01/05/2018 16:25
Con đường đến trường duy nhất của các hàng trăm nghìn học sinh của Điện Biên, Sơn La là vượt qua suối. Mỗi khi trời mưa nước suối dâng lên rất nhanh, tính mạng của các em thực sự nguy hiểm.
Dùng vai “làm cầu” đưa trẻ đến trường

Đầu năm học mới này, các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc và giáo viên Trường tiểu học Mường Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên phải gồng mình băng qua suối lũ Nậm Ma đưa hơn 60 học sinh đến điểm trường nhận lớp. Hình ảnh đó được các trang mạng xã hội chia sẻ những ngày qua đã làm nhiều người phải bật khóc.

Đến trường trên "chiếc cầu" đặc biệt. (Ảnh Vinh Duy).

Thương cho các em, tuổi còn nhỏ phải xa gia đình đến trường bán trú học chữ. Hành trang tuổi thơ chỉ vẻn vẹn vài bộ quần áo, mấy quyển sách, quyển vở, ngồi trên vai các chú bộ đội, thầy cô giáo vượt suối giữa mùa nước lũ dâng cao. Mỗi đôi vai của bộ đội, thầy giáo, phụ huynh nơi đây đã trở thành một “cây cầu” đưa các em đến lớp.

Thầy giáo Vũ Văn Du, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói chia sẻ: “Năm học này trường có hơn 200 học sinh theo học tại 7 điểm trường thì có 3 điểm trường các em phải lội qua suối đến trường. Đặc biệt, chúng tôi rất lo cho 60 học sinh điểm trường ở các bản: Tin Tốc, Huổi Chon, Co Đứa và Na Chén. Con đường đến trường duy nhất của các em phải vượt qua suối. Mỗi khi trời mưa nước suối dâng lên rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng các em”.

Bộ đội biên phòng đồn Huổi Puốc giúp trường Mầm non Mường Lói dọn dẹp vệ sinh (Ảnh Vinh Duy).

Còn với hơn 100 học sinh tiểu học, mầm non của bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tuy không phải lội suối vì có thể đi đường vòng nhưng phải hơn 3km mới đến được trường. Trận mưa lũ lớn vừa qua đã làm cây cầu nối bản với trung tâm xã bị bật mối neo, đổ vặn xoắn nên chẳng ai dám vượt qua cầu.

Những bàn chân bé nhỏ của các em phải vượt đường  xa, dốc trơn để đến lớp. Chính quyền địa phương, giáo viên và nhân dân nơi đây cũng đang nỗ lực làm cầu tạm qua suối để cho các em học sinh không phải đi vòng xa, vất vả đến trường.

Thầy cô giáo các điểm trường trên địa bàn huyện Điện Biên Đông ,đội mưa mang con chữ lên với các em học sinh vùng cao. (Ảnh Vinh Duy).

Hành trình gian nan của các thầy giáo, cô giáo trên đường đến điểm trường Huổi Lý, huyện Mường Chà. (Ảnh Vinh Duy).

Không riêng gì những trường bị ảnh hưởng do mưa lũ mà tất cả các trường vùng cao của tỉnh Điện Biên vào mùa mưa này, thầy trò đều quần áo lấm bùn đất mỗi khi đến trường. Thầy giáo Phạm Hải Cường, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Điện Biên) chia sẻ: ”Mỗi lần nhìn thấy học sinh đến trường, quần áo lấm lem bùn đất mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Nhà các em ở xa trường, hàng ngày phải vượt đường rừng, trơn trượt để đến trường, quần áo đầy bùn đất, ngồi trong lớp học môi tím tái vì lạnh”.

1.000 ngày công chuẩn bị cho khai giảng

Có mặt tại trường THCS Nậm Păm (Mường La, Sơn La) vào sát ngày khai giảng, chúng tôi chứng kiến khí thế rộn ràng chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới diễn ra vào đầu tháng 9 của thầy và trò nơi đây. Nhìn cảnh tấp nập trên sân trường, ít ai nghĩ rằng mới chỉ cách đây hơn nửa tháng, Nậm Păm từng gánh chịu bao mất mát, với hàng chục người chết, bị thương; hàng trăm gia đình tan hoang… bởi trận mưa lũ khủng khiếp ngày 3.8.

 

Học sinh Nậm Păm tập dượt trước giờ khai giảng (Ảnh Văn Chiến).

Cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu phó trường THCS Nậm Păm, cho biết, cơn lũ quét xảy ra ngày 3.8, xã Nậm Păm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều gia đình học sinh mất người thân, hàng trăm gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, trắng tay bởi nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ... Cơn lũ cũng “tấn công” cả vào trường học, làm đổ, cuốn trôi tường rào, nước lũ, sỏi đá, cây que tràn ngập nhà trường.

“Ngay khi lũ bắt đầu rút, ban giám hiệu nhà trường đã động viên các thầy, cô giáo bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh sân trường, phòng học. Cũng may nhờ có sự giúp sức của giáo viên các trường bạn và lực lượng công an, bộ đội, dân quân nên sau nhiều ngày dọn dẹp, một khối lượng bùn đất, rác thải khổng lồ đã được hót, chuyển ra khỏi sân trường. Chỉ tính riêng ngành giáo dục huy động lực lượng hốt bùn đất ở sân trường cũng lên tới 1.000 ngày công” – cô Thủy kể.

Trên tường nhà các phòng học ở tầng 1, ngấn nước bùn bám từ dưới nền hành lang lên tường tới nửa mét. Nhưng ngay sau khi cơ bản khắc phục hậu quả cơn lũ, nhà trường lại khẩn trương bắt nhịp chương trình dạy hè theo sự chỉ đạo của ngành giáo dục – đào tạo.

“Cơn lũ vừa qua đã cuốn sạch nhà cửa, tài sản của 38 gia đình có con em đang theo học tại trường, 30 học sinh thuộc các gia đình có nhà bị sạt lở. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng các gia đình vẫn tạo mọi điều kiện để cho con em đến trường. Nhờ làm tốt công tác vận động mà buổi học hè đầu tiên (ngày 21.8), chúng tôi đã huy động được 98% học sinh đến lớp” – thầy Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Nậm Păm, phấn khởi cho biết

Hiện nay, hơn 50 học sinh bán trú của trường phải ngủ tạm trong phòng học vì nhà bán trú bị ảnh hưởng bởi lũ quét, đang được tu sửa chưa xong. Khó khăn là thế nhưng không có học sinh nào chán nản. Cũng may các em đã được nhiều cá nhân, tổ chức đến giúp đỡ, tặng đồ dùng học tập, sách vở, ba lô, ghế ngồi, trang phục, để các em có thể đến trường.

Hơn 50 học sinh nội trú của Nậm Păm đang phải ở tạm phòng học (Ảnh Văn Chiến).

Cơn lũ lịch sử đã cuốn sạch nhà cửa, tài sản của gia đình anh Lò Văn Châu ở bản Hốc (xã Nậm Păm). Cả nhà lâm vào cảnh cảnh trắng tay chỉ sau một đêm. Tuy đang phải sống tạm bợ, chưa dựng được nhà nhưng anh Châu vẫn quyết tâm đưa con đến trường.

“Cuộc đời tôi vất vả đã nhiều rồi. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống mãi không khấm khá lên được, cũng chỉ vì thiếu cái chữ. Tôi quyết không để con mình phải thất học như tôi. Dù khó khăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng cố gắng khắc phục để cho con được đến trường...” – anh Châu tâm sự.

Cháu Lò Văn Quảng (con anh Châu), học sinh lớp 8A, trường THCS Nậm Păm, nói: Lúc đầu, cháu bảo thôi học để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Bố mẹ cháu không đồng ý. Bố cháu khuyên muốn giúp bố mẹ thì phải học thật giỏi để sau này không phải vất vả. Có cái chữ làm gì cũng dễ, có thể giúp ích cho bà con dân bản rất nhiều...”.

Theo Vinh Duy - Văn Chiến (Dân Việt)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây