Oằn lưng người nghèo
Chị L.T.Ng., trú thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có con gái học tiểu học. Vào đầu năm học 2016-2017, chị được nhà trường thông báo phải nộp số tiền xấp xỉ 3 triệu đồng, với rất nhiều mục, trong đó nặng nhất là “xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất”. Năm nay, số tiền chắc cũng tương tự.
Chị Ng. ở nhà làm thợ may, thu nhập chỉ được khoảng 100 nghìn đồng cho một ngày làm việc cật lực, chồng làm thợ sắt, thu nhập bữa đực bữa cái. Công việc như vậy, chật vật lắm mới lo chi tiêu hàng ngày.
Cả nhà, ai cũng gầy gò, cháu bé có biểu hiện suy dinh dưỡng. Tiền triệu, với chị, là rất lớn. “Tôi phải đi vay, chứ trong nhà không còn tiền dư”, chị nói.
Chị Ng. không biết nhà trường thu các khoản tiền đó để làm những hạng mục gì cụ thể, và cũng không biết là có quyền từ chối, hoặc có thể đóng ít hơn khoản tiền “xã hội hóa” này so với mức nhà trường đề nghị. “Cô thông báo thế thì em nộp, chứ có ý kiến này nọ sợ con em bị nhà trường để ý, rồi tội nó”, chị Ng. thành thật.
Cũng vì lí do đó, chị Ng. từ chối nhờ báo chí can thiệp, để giảm bớt mức đóng góp.
Đây chính là “điểm yếu chết người”, mà các trường triệt để lợi dụng, để tìm cách thu càng nhiều càng tốt từ phụ huynh.
Mặc dù, cơ quan quản lý các cấp, từ Bộ GD-ĐT cho đến Sở, Phòng GD, đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về các khoản thu, nhưng các trường luôn tìm cách “lách luật”.
“Chiêu” phổ biến nhất là “xã hội hóa”, về nguyên tắc là vận động phụ huynh, nhưng lại đặt họ vào cái thế “không nộp không xong”.
Nhiều trường lại tìm cách “làm kinh tế” bằng cách bán SGK, bán vở, đồng phục cho học sinh…
Nhiều khoản “xã hội hóa” lại được giao cho hội cha mẹ học sinh trực tiếp triển khai.
Phụ huynh, dù biết đang bị “móc túi”, nhưng cũng đành tặc lưỡi vì thương con, nể thầy cô. Vào đầu mỗi năm học, phụ huynh phải tích góp, hoặc vay mượn vài triệu đồng để lo “chi phí nhập học” cho con.
Khổ nhất là các gia đình nông dân, hoàn cảnh khó khăn, đông con. Có không ít gia đình, tiền đóng học cho con đầu năm, nếu bán sạch lúa trong nhà, cũng không đủ. Rồi đành phải cật lực làm việc, tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu. Cái nghèo, cái khổ, cứ thế dai dẳng, đeo bám.
Làm gì để giảm lạm thu?
Lạm thu, nghĩa là thu quá mức, có tính ép buộc, gian dối với mục đích trục lợi. Còn việc huy động đóng góp của phụ huynh trên cơ sở tự nguyện để xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục thì cần được khuyến khích. Biểu hiện của lạm thu không nằm ở số tiền, mức thu, mà ở tính chất mập mờ, ép buộc, lợi dụng.
Để chống lạm thu, trước hết, cần công khai, minh bạch. Việc này tưởng “đơn giản, gọn nhẹ” mà hóa ra rất khó. Hầu hết các trường đã có trang web, nhưng không thấy trường nào công khai các khoản thu chi đầu năm, để phụ huynh giám sát.
Ngay cả mảnh giấy ghi các khoản thu, nhiều trường cũng không phát cho phụ huynh. Giáo viên hoặc hội trưởng phụ huynh ghi các khoản thu lên bảng, nói sơ qua rồi xóa. Phụ huynh nhiều người chỉ biết được số tổng, để đóng.
Hầu như các trường thu tiền đều không có biên lai. Tiền thu được dùng làm gì, phụ huynh cũng không được biết. Nếu công khai minh bạch, cụ thể, chi tiết các khoản, thì lạm thu sẽ khó tồn tại.
Thứ hai, cần xử lý nghiêm minh những hiệu trưởng lạm thu. Hiệu trưởng sợ nhất là kỷ luật cách chức, đồng nghĩa với việc họ không có cơ hội trục lợi. Vì vậy, nếu ngành giáo dục có quy định cách chức hiệu trưởng lạm thu, sẽ hạn chế được hiện tượng này.
Hiện nay, việc kỷ luật các hiệu trưởng lạm thu thường ở mức chiếu lệ, thậm chí có xu hướng bao che. Bởi đã thành quy luật, các hiệu trưởng này có tiền và sẵn sàng chi để lo lót, quan hệ. Nhiều người vi phạm song vẫn được điều đi trường khác làm hiệu trưởng như tại Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Về bản chất, lạm thu đồng nghĩa với lạm quyền, tham nhũng; và rất phản cảm trong môi trường giáo dục. Thiết nghĩ, cần nhận diện đúng bản chất hiện tượng này và quyết liệt ngăn chặn; đừng để nó lây lan, làm hao mòn sức dân và suy giảm niềm tin của dân vào giáo dục. Việc ngăn chặn lạm thu, cũng không phải quá khó, vấn đề nằm ở quyết tâm của nhà quản lý giáo dục.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn