Kỳ lạ bé hai tuổi có đầu to nhất Việt Nam

Chủ nhật - 29/04/2018 19:48
Nằm ngay giữa dòng sông Nước Xa hiền hòa, thơ mộng của huyện Bắc Trà My, Quảng Nam bất ngờ một bé trai hai tuổi, người dân tộc Ca dong có cái đầu to như 'nồi cơm điện', một số người hiếu kỳ, mê muội cho rằng bé bị ma rừng ám mới bị to đầu như vậy.
Theo chỉ dẫn của một người dân bản địa nơi đây. Chúng tôi phải băng rừng, vượt núi, mới đến được ngôi nhà gỗ nhỏ nằm ép sát bên núi rừng âm u nơi đầu nguồn sông Nước Xa, nơi có Thủy điện Sông Tranh 2 được dư luận chú ý về các sự cố rò rỉ nước, động đất lâu nay. 

Từ thành phố Tam Kỳ, đi xe máy lên đến Thủy điện Sông Tranh 2, do động đất xảy ra liên miên. Lúc này, cơn mưa rừng xối xả làm cho đất, đá trên các đồi núi dọc con đường ĐT 616 sạt lở, gây ách tắc giao thông. Đứng giữa núi rừng âm u, mưa càng nặng hạt, nước từ trên các khe núi chảy xuống sông Nước Xa, sông Tranh băng qua mặt đường như suối. Chiếc xe máy như chao đảo bởi dòng nước mưa chảy quá mạnh. 

 
Chị Lệ dùng đèn pin bật sáng rọi trên đỉnh đầu cu Hoài thấy nước ứ trong đầu.

Lúc này một khối lượng đất, đá đỏ quạch từ trên ngọn núi đổ ầm xuống lấp gần hết nửa con đường nhựa, chỉ cách chiếc xe máy của chúng tôi có 10m. Phải mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới rinh chiếc xe máy qua đoạn đường sạt lở này được. 

Cuối cùng phải mất hơn 4 giờ, chúng tôi cũng tìm đến được nhà của chị Hồ Thị Lệ, 27 tuổi dân tộc Ca dong ở thôn 5 xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, có đứa con trai chỉ mới 2 tuổi nhưng có cái đầu được xem to nhất Việt Nam đến thời điểm này, qua một người dân chỉ đường. 

Mưa rừng là vậy, mưa đến xối xả rồi tạnh hẳn không lâu sau đó, những tia nắng bắt đầu hửng vàng trở lại trên núi rừng nơi đây. Ngôi nhà gỗ thấp lè tè, cửa đóng kín nằm ép sát vào sườn núi, phía dưới là một nhánh của con sông Nước Xa bị Thủy điện Sông Tranh 2 dành lấy mất để tích nước, phát điện. Vừa bước chân qua cánh cửa hàng rào yếu ớt trước nhà, nghe tiếng ú ớ, thụt thịt phát ra từng bên trong căn nhà tối ôm. Người dẫn đường là ông Hoàng Ngọc Trác, một người dân địa phương bảo: "Để tôi mở cửa nhà cho. Vì tôi nhìn thấy hình hài bé rồi. Không là các anh giật mình đó!". Đúng như lời ông Trác, đập vào mắt chúng tôi là một em bé có hình hài với cái đầu to khủng khiếp, bằng cái nồi cơm điện nằm bất động trên chiếc chiếu cũ kỹ, sờn rách, xung quanh bốc mùi khét khó chịu. 

Ông Trác kể: "Cách đây vài tuần, tôi đang đi bẫy chim rừng ở khu vực này, vừa treo cái lồng chim lên ngọn cây. Nhìn xung quanh các nhà dân đóng kín cửa, không thấy bóng dáng người dân nào hết. Nhưng nghe thấy tiếng ú ớ, thụt thịt phát ra làm tôi hoảng sợ. Tôi nghĩ sao không có người dân nào hết mà có tiếng gì kêu ú ớ như có người dân nào đang gặp nạn vậy. Tôi bắt đầu đi từng nhà và phát hiện những tiếng ú ớ phát ra từ ngôi nhà gỗ nhỏ, đóng cửa, nhưng không khóa. Tôi kêu mãi không thấy ai ra mở cửa. Tôi mạnh dạn lấy tay mở cảnh cửa ra, những tia nắng lùa vào, tôi giật mình, hoảng loạn đập vào mắt mình là một em bé có hình hài rất quái lạ với cái đầu to chưa từng thấy, được đặt nằm bất động một chỗ trên nền nhà. Nhìn thấy chúng tôi, cặp mắt em bé cứ trân tráo nhìn miết". 

 

Khi chúng tôi đến nhà, đã 3 giờ chiều, chị Lệ mẹ bé Hoài đang đi làm trên rẫy chưa về. Ông Trác phải đi lên rẫy gọi chị về. Thấy chúng tôi tìm hiểu về bé Hoài, chị Hồ Thị Loa, 24 tuổi là dị ruột bé Hoài có nhà sống gần đó, đi qua cho biết: "Chị gái tui đi lên rẫy làm lúa rồi. Cu Hoài nằm ở nhà một mình thôi, chị gái cu Hoài đi học cả ngày. Còn ba cu Hoài bỏ nhà đi lấy vợ khác từ lúc cu Hoài được 2 tháng tuổi". Chị Loa cho biết, mấy anh chị em của gia đình chị, có chồng, có vợ sinh con ra chưa có ai bị bệnh đầu to như cu Hoài. Hai đứa con của chị vẫn bình thường. ‘"Người dân làng thấy vậy cứ nói là cu Hoài bị ma rừng ám mới đầu to vậy, nhưng gia đình không tin đâu", chị Loa buồn rầu nói. Theo quan sát, riêng cái đầu cu Hoài nặng gần 10 ký. Thân hình em ốm nheo nhách, tay chân co quắp. 

Khoảng 30 phút sau, mẹ cháu bé về tới nhà. Chị Lệ cho biết, chị mang thai đứa con gái đầu lòng là cháu Trần Thị Thu Vy, năm nay 7 tuổi, học lớp 2, sức khỏe vẫn bình thường, không có hiện tượng đầu to như cu Hoài. Nói tới đây, chị Lệ lấy khẩu trang lau vội nước mắt chảy dài trên mặt. 

Chị kể cuộc hôn nhân của chị như một khúc nhạc rừng, lời chị: "Tôi và ba cu Hoài là anh Trần Văn Việt, năm nay 31 tuổi, sống gần nhà nhau ở khu vực Nước Xa, có tình cảm với nhau sau những buổi đi rẫy làm rừng. Tình cảm cứ thế lớn dần theo thời gian, và hai đứa xin ba mẹ cho cưới, rồi ra ở riêng với căn nhà nhỏ ở Nước Xa, nhưng khi Thủy điện Sông Tranh 2 đầu tư xây dựng nơi đây bị giải tỏa, phải lên sát đường ĐT 616 dựng căn nhà gỗ nhỏ sinh sống. Khi mang thai bé gái đầu là Vy, anh Việt rất thương vợ con. Bé Vy chào đời và đến tuổi đi học. Tôi mang thai tiếp cu Hoài bây giờ. Lúc sinh cu Hoài ra, đến tháng thứ 2, thấy cu Hoài có dấu hiệu đầu to, anh Việt bỏ 3 mẹ con đi luôn từ đó đến nay không về nhà nữa. Ba tụi nhỏ bỏ đi đến nay, một mình cực khổ quá đi, vất vả lắm, phải cực khổ lắm mới có cái ăn cho hai đứa nhỏ, nhưng vẫn không đủ".

Từ ngày người chồng phụ bạc bỏ đi theo người phụ nữ khác, mọi khó khăn chồng chất đè lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ nơi núi rừng âm u này. Mới 27 tuổi, nhưng chị Lệ trông như người đàn bà đã qua tuổi 40. Chỉnh sửa lại cái đầu cho con trai, đang ú ớ gọi mẹ, nước mắt người mẹ cứ thế trào ra, không nén lại được. "Cứ nhìn cu Hoài vậy, lúc tay chân co giật là tôi khóc miết, thương con lắm. Cu Hoài khóc không được, chỉ biết ú ớ thôi. Nhà nghèo quá không có tiền bồng con đi khám được. Càng ngày cái đầu cu Hoài càng to lên.
Cuộc sống quá khổ cực, chị chỉ biết nhìn con mà khóc. Chị nói: "Lúc cu Hoài được 4-5 tháng tuổi, thấy đầu cu Hoài to lên dần, tôi sợ quá, tôi bồng cu Hoài đi xuống bệnh viện ở thành phố Tam Kỳ khám, bác sĩ không nói con tôi bị bệnh gì. Lúc này, tôi mượn được ít tiền đưa cu Hoài đón xe đò ra bệnh viện ở Đà Nẵng khám, bác sĩ bảo con tôi bị não, không điều trị được. Hết tiền nên lại đưa con về lại nhà". 

Sáng dậy, chị cho cu Hoài ăn vài thìa cơm, rồi lên rừng làm rẫy. Nếu bé Vy không đi học, ở nhà thì trông em được chừng nào hay chừng ấy. Đến tối chị về nhà, vẫn cứ nhìn thấy cu Hoài nằm bất động một chỗ. Nhà không cái quạt điện, lại đóng kín cửa nên không khí rất nóng, ruồi cứ bay ve ve, chực bán lấy cậu bé con tội nghiệp. "Thời gian gần đây, cu Hoài không ăn cơm được nữa, tui phải nấu cháo cho con ăn, nhưng ăn vào vài muỗng lại nôn ra hết, nhìn con mà như đứt từng khúc ruột", chị Lệ quệt nước mắt nói. 

 
 Chị Lệ bên ngôi nhà gỗ nghèo khổ.

Chị Lệ đau đới nói: "Toàn cái đầu cu Hoài rất mềm, ấn nhẹ tay cũng thấy, nhìn rõ thấy nước ứ trong đầu. Buổi tối lấy đèn pin rọi trên đỉnh đầu, thấy nước trong đầu cu Hoài chảy qua chảy lại đó". Sợ chúng tôi không tin, chị Hoài nhờ ông Trác đóng cửa lại, không cho ánh nắng mặt trời rọi vào, chị mở tủ lấy cái đèn pin rồi bật sáng để trên đỉnh đầu cu Hoài rọi qua lại cho chúng tôi xem. 

"Bây giờ cái đầu cu Hoài to quá, không bế lên được nữa. Cháu cứ nằm một chỗ gần một năm nay rồi, tội nhất là cu Hoài không mặc áo thun được, vì áo thun có cỗ nhỏ nên không chui lọt đầu. Bỏ con ở nhà, để cháu ú ớ một mình tôi cũng thấy ân hận lắm, nhưng vì cần gạo nuôi con, cần tiền để chữa bệnh cho con, nên tôi phải lên rẫy hàng hàng", chị Lệ tâm sự.

Tiếp chúng tôi trong vội vàng, rồi chị vơ vội cái mũ đội lên đầu, đeo chiếc khẩu trang và đóng nhanh hai cánh cửa nhà lại rồi lại đi vào rừng làm tiếp. Bỏ cu Hoài nằm một mình ở nhà như điệp khúc "ú ớ" vốn xảy ra lâu nay với em bé có cái đầu to nhất Việt Nam này.

Rời căn nhà của bé Hòa, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh thương tâm của bé. Chỉ mong sao có nhiều nhà hảo tâm, cũng như y học giúp đỡ để cháu có thể thoát bệnh. 

Theo Quang Minh (Xzone/TTTĐ)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây