Siêu nhân của mẹ

Chủ nhật - 29/04/2018 19:46
Câu chuyện người mẹ trẻ mơ con mình có sức mạnh “siêu nhân” để chống chọi với căn bệnh nan y khiến nhiều người cảm động. Người mẹ đó là chị Trần Thị Thêm, 28 tuổi, cô nuôi dưỡng trường mầm non trong làng chài nghèo ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}


Phi Hùng động viên mẹ (chị Thêm, bìa trái) bằng sự hồn nhiên vì đã quá quen với rất nhiều mũi tiêm - Ảnh: V.Toàn

Con chị là bé Hoàng Phi Hùng, 6 tuổi. Cách đây năm năm, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Thêm vừa đong đầy hạnh phúc với bước đi chập chững của bé Phi Hùng thì tai họa ập đến.

5 năm chống chọi bệnh nan y

"Do đã tiêm tủy sống nhiều rồi nên khi thấy bạn chuẩn bị tiêm là Phi Hùng xin bác sĩ đứng cạnh để động viên bạn “làm một siêu nhân”. Có lúc thấy bạn kêu khóc, Phi Hùng chạy ra khỏi phòng tìm bố rồi kéo bố vào giữ tay bạn cho bác sĩ tiêm"

Bác sĩ NGŨ THỊ LÊ VINH (trưởng khoa tiêu hóa - máu Bệnh viện Nhi Nghệ An)

Năm 2008, thấy con nóng, sốt, da vàng bợt và nổi những nốt thâm, vợ chồng chị Thêm đưa con đi khám tại phòng khám tư nhân trong xã. Phòng khám cho biết “đây là triệu chứng mọc răng của trẻ”. Một tháng sau, thấy bụng con to hơn bình thường nên vợ chồng chị Thêm đưa con đến Trung tâm Y tế huyện khám. Tại đây các bác sĩ cho biết “máu của Hùng có vấn đề” và giới thiệu sang Bệnh viện Nhi Nghệ An gấp. Bệnh viện Nhi Nghệ An cũng kết luận tương tự. Đoán con mắc bệnh nan y, vợ chồng chị Thêm xin chuyển con ra Bệnh viện Nhi T.Ư.

Khi nghe các bác sĩ thông báo Hùng bị “bạch cầu cấp thể lympho, nguy cơ cao” (một hệ ung thư máu), vợ chồng chị Thêm như quỵ xuống. Mới 13 tháng tuổi, Phi Hùng phải trải qua hàng loạt xét nghiệm, nhiều lần lấy máu và tiêm truyền đau đớn trên giường bệnh. “Tôi không thể nhớ có bao nhiêu mũi tiêm trên cơ thể bé nhỏ của Phi Hùng. Khi tiêm theo định kỳ, khi tiêm đột xuất. Có buổi tiêm một mũi hóa chất, hai mũi kháng sinh và truyền dịch nhưng hễ sốt đột xuất là phải tiêm ngay. Mái đầu trẻ thơ chưa kịp mọc tóc dày đã rụng hết. Số lượng mũi tiêm nhiều đến mức khiến Hùng phát sợ, nhưng quen rồi thì Hùng hồn nhiên đến nỗi vừa nhìn bác sĩ tiêm vừa cười tươi. Lúc chọc tủy, nhìn mũi kim dài 10cm thì Hùng khóc thét, bác sĩ vừa rút mũi kim là Hùng lại cười ngay. Lạ thế” - chị Thêm kể.

Cuộc sống của vợ chồng trẻ bắt đầu đảo lộn. Chị Thêm nghỉ việc để chăm con ở bệnh viện. Chồng chị là anh Hoàng Văn Hải, ngư dân của làng chài Hội Thủy, khi kéo lưới thuê trên biển, khi ra bệnh viện thăm con. Tiền thuốc, tiền tàu xe, ăn ở mỗi tháng hơn 15 triệu đồng là khoản chi vượt quá khả năng của gia đình. Vay lãi nóng không nổi, vợ chồng chị Thêm quyết định bán ngôi nhà cấp bốn với giá 70 triệu đồng để chi trả những tập đơn thuốc ngày một dày thêm. Bán nhà cũng không xoay trở nổi, năm 2010 anh Hải bỏ nghề kéo lưới thuê, vay 20 triệu đồng đi Đài Loan làm nghề đánh cá. Nhưng hai lần đi, công ty tuyển dụng lao động đều bị phá sản nên anh phải quay về.

Năm 2012, lần thứ ba anh Hải lại đi xuất khẩu nhưng đi biển được 45 ngày thì gặp tai nạn nên anh phải trở về và mới đây ngày 10-5, anh Hải đi xuất khẩu lần thứ tư mong kiếm thêm tiền để tiếp tục chạy chữa cho con. “Thời gian Phi Hùng điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội thì được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Nhưng có đợt Phi Hùng chỉ nằm viện một tháng, hoặc một tuần rồi về nhà uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, khoảng thời gian này tôi phải mua thuốc ngoài. Bây giờ thuốc đắt tiền mấy tôi cũng mua cho Phi Hùng uống” - chị Thêm quả quyết.

Bịch cá Phi Hùng”

Một lần chị Thêm vừa đi mua cá ở biển về nhờ người bán hộ rồi ngồi xe thồ đi hơn 30km sang bệnh viện thăm con. Thấy mẹ vỗ về trong nước mắt, Hùng ôm mẹ nói: “Mẹ đừng khóc, con không sợ tiêm, không sợ uống thuốc để được ở bên mẹ. Mẹ cố gắng vay tiền chữa bệnh cho con, sau này lớn lên con sẽ đi làm giúp mẹ trả nợ”... Tháng 4-2012, thêm một tin lành khi các bác sĩ thông báo “Hùng đã kết thúc phác đồ điều trị, các chỉ số xét nghiệm đã ổn định nên ngừng các loại thuốc đối với Hùng và chuyển sang theo dõi trong năm năm vì khả năng tái bệnh vẫn còn”. Vợ chồng chị Thêm ôm chặt lấy con như giữ chặt niềm hạnh phúc. Cuộc sống của Hùng gần như trở lại bình thường. Hùng được đến lớp mầm non học hát, học múa, học vẽ cùng bao bạn ở làng chài.

Hôm ngồi ăn cơm với mẹ, tự dưng Hùng im lặng một hồi lâu rồi đưa tay xoa trên cái đầu trọc, nói: “Mẹ mua cho con bộ tóc giả, đi học các bạn chê đầu con không có tóc”. Cuối năm 2012, Hùng đoạt giải nhì cuộc thi công dân tí hon do nhà trường tổ chức. Đang khoe chuyện về con, chị Thêm bỗng ngậm ngùi: “Mỗi tháng Phi Hùng phải ra lại Bệnh viện Nhi Nghệ An một lần để khám theo đúng quy trình. Từ hôm về đến nay đã hơn 20 lần Hùng phải trở lại viện. Có đợt ra khám rồi về lại sốt, ho phải ra khám tiếp. Đau thế nhưng từ bệnh viện về là Hùng đòi đi học ngay. Hiện vợ chồng còn lo vì thi thoảng tai Hùng chảy mủ và răng chảy máu. Nhiều lúc tôi nghĩ Phi Hùng có sức mạnh như “siêu nhân” mới có thể chống chọi bệnh đến bây giờ. Ước gì như thế để giành lấy sự sống cho con”.

Ngừng câu chuyện, chị Thêm đi ra biển dưới trời nắng nóng để mua những loại cá rẻ tiền như cá mu, cá thửng, cá cơm về bán quanh làng chài. Mỗi lần chị ra mua cá, bà con ngư dân ở làng chài vừa bán vừa cho. Có người dành riêng bịch cá, nói: “Đây là bịch cá của Phi Hùng, mẹ Thêm nhé”.

Theo Vũ Toàn (Tuổi trẻ)

 

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây