Sáng 26/8, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có buổi tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp dân Trung ương (Hà Đông – Hà Nội).
Tổng Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp làm việc, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của 3 trường hợp.
Trường hợp đầu tiên được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trực tiếp mời vào làm việc là trường hợp khiếu kiện của ông Nguyễn Văn Dân (trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) khiếu kiện Quyết định số 2923/QĐ-UBND ngày 6/5/2013 về việc giao thửa đất số 69, tờ bản đồ số 10 cho bà Nguyễn Thị Chuốt để sử dụng.
Theo phản ánh của ông Dân, sau gần 20 năm canh tác sử dụng đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước thì “bỗng dưng” phải giao đất cho người khác (bà Chuốt).
Ông Dân vui vẻ bắt tay cảm ơn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vì đã giải quyết thỏa đang khiếu nại của ông. |
Vì vậy, ông Dân kiến nghị Tổng thanh tra xem xét bàn giao lại đất và để gia đình ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Sau khi lắng nghe phản ánh từ người dân và giải trình từ phía UBND TP. Hà Nội, Tổng thanh tra Chính phủ nhận định, trong trường hợp này, chính quyền thực hiện thu hồi đất mà không có quyết định là không đúng, giao cho hộ khác sử dụng lại càng sai, vì vậy cần phải rà soát lại. Quan trọng nhất bản thân gia đình ông Dân không nhận được quyết định khiếu nại.
“Có sự mâu thuẫn giữa các quyết định ra trước, ra sau và ngay trong một quyết định cũng còn sự mâu thuẫn nên nhất định phải xem xét lại”, Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh..
Tổng thanh Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội phải xem xét dứt điểm vụ việc trên.
Theo kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Văn Dân cho biết hoàn toàn hài lòng với hướng giải quyết mà Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra.
Bà Thạch Thị Phúc (khóm 5, phường 8, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) là một người dân nghèo ở tận Trà Vinh ra Hà Nội khiếu kiện. Trước đó, 14 năm trời ròng rã, bà "vác" đơn đi khắp nơi khiếu kiện nhưng không được giải quyết.
Bà Thạch Thị Phúc sau 14 năm ròng ra đi kiện khắp nơi khóc nức nở vì được găp Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Theo phản ánh của bà Phúc, năm 2.000, nhà nước thu hồi nhà và “bắt ép” gia đình bà nhận 6,4 triệu đồng tiền bồi hoàn, bắt gia đình rời nhà cửa mà lại không cấp nhà tái định cư, giá bồi thường đất lại không thỏa đáng. Vì vậy mà bà Phúc đã khiếu nại khắp các cấp chính quyền những mong giải quyết sự bức xúc của mình nhưng đều không được chấp nhận.
Sau khi nghe bà Phúc trình bày sự việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kết luận công tác thu hồi đất để xây dựng tượng đài của tỉnh Trà Vinh là hoàn toàn đúng mục đích.
“Tuy nhiên, tỉnh Trà Vinh cần phải cần rút kinh nghiệm trong một số việc như khi giải quyết vấn đề của dân mà lại không có quyết định bồi hoàn, không có biên bản họp các hộ dân, không có quyết định thu hồi đất” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu chính quyền tỉnh Trà Vinh phải có trách nhiệm giải quyết vụ việc của bà Phúc, đồng thời giao cho Cục III phối hợp với tỉnh Trà Vinh rà soát lại quá trình giải quyết, thu hồi đất, quá trình ra văn bản, cuối cùng là ra quyết định giải quyết để báo cáo lên thủ tướng Chính phủ.
Sau nhiều năm dài khiếu nại ở cấp tỉnh không thỏa đáng, bà Phúc mang đơn kiện lên tới cấp Trung ương. 2,5 tháng ròng rã ăn trực nằm chờ ngoài vỉa hè ở Trụ sở Tiếp dân Trung ương, hôm nay bà Phúc may mắn được làm việc với Tổng Thanh tra Chính phủ khiến bà mừng đến phát khóc. Thế nhưng, sau khi nghe kết luận từ Tổng Thanh tra Chính phủ, bà Phúc quả quyết vẫn chưa hài lòng về kết luận trên, đồng thời khẳng định sẽ vẫn tiếp tục ở lại Hà Nội, chờ bằng được quyết định giải quyết dứt điểm sự việc của bà rồi mới quay trở về Trà Vinh.
Tương tự như trường hợp của bà Phúc, bà Tạ Thị Tuyết, trú tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đại diện cho các tiểu thương chợ Bỉm Sơn bày tỏ không nhất trí với việc UBND tỉnh Thanh Hoá thu hồi đất chợ để giao cho Công ty Đông Bắc xây dựng và quản lý chợ; đề nghị huỷ bỏ Quyết định số 999/QĐ-UBND ngày 25/4/2014 của UBND tỉnh Thanh Hoá về phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Bỉm Sơn. Đồng thời, đề nghị được tham gia góp vốn và tiếp tục quản lý chợ, thành lập hợp tác xã để quản lý kinh doanh và khai thác chợ Bỉm Sơn thay cho Công ty Cổ phần Chợ Bỉm Sơn.
Tiểu tương chợ Bỉm Sơn: "Chúng tôi chỉ có mong muốn bám chợ để sống. Dân khổ lắm, ông Tổng thanh tra ơi". |
Sau khi lắng nghe trình bày từ bà Tuyết và các tiểu thương khác cùng lý giải của UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kết luận, việc điều chỉnh chuyển đổi mô hình chợ để chỉnh trang đô thị, nâng cấp kinh tế xã hội theo quyết định của UBND tỉnh là đúng đắn. Đến nay chưa phát hiện tiêu cực hay tham nhũng gì. Trên 700 hộ, chỉ còn hơn 70 hộ chưa đồng ý.
Tuy nhiên, về việc bà con muốn tự đầu tư xây dựng khu chợ này, theo quan điểm bà con thì là chính đáng, nhưng e rằng mô hình này sẽ không hiệu quả và dễ đổ vỡ.
Ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: "Phải có nhà đầu tư, đảm bảo được yêu cầu phát triển. Các dự án lớn đều do các nhà đầu tư đứng lên làm, chứ làm gì có hợp tác xã nào vài trăm tỷ đồng".
Kết thúc buổi buổi tiếp dân, đa số các tiểu thương có mặt tại buổi làm việc đều bày tỏ thái độ không đồng tình với kết luận trên của Tổng thanh tra Chính phủ.
Một tiểu thương làm nghề bán thịt trong chợ Bỉm Sơn không kìm được cảm xúc đã thốt lên: "Chúng tôi chỉ có mong muốn bám chợ để sống. Dân khổ lắm, ông Tổng thanh tra ơi!".