Họp báo Chính Phủ thường kỳ tháng 8: |
Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo chiều 28/8. |
Không xác thực
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho hay, đến ngày 21/8, tại KCN Vũng Áng có 33.952 lao động đang làm việc. Trong đó, số lao động người Trung Quốc là 1.913 người, còn lại là lao động đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. “Riêng với dự án Formasa, theo số liệu chúng tôi nắm được, lao động tại đây gần 27.000 người. Lao động trong nước là 23.700, lao động người Trung Quốc là 1.799. Đã có 799 người Trung Quốc được cấp phép, còn lại 3.999 người khác đang được làm thủ tục”, ông Đàm thông tin.
Lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH giải thích: “Có thông tin nói 1 vạn lao động Trung Quốc làm việc tại Formosa. Thực ra con số 10.000 là số kế hoạch dự kiến tuyển của các nhà thầu. Đến 27/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới chính thức chấp thuận cho 2.063 chỉ tiêu lao động nước ngoài. Các nhà thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới nhưng chưa được chấp thuận. Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế, các nhà thầu cần khoảng 4,5 đến 5 vạn công nhân – trong đó có 8.000 lao động nước ngoài. Đến thời điểm này, con số 1 vạn lao động người Trung Quốc là không xác thực. Thông tin này không rõ từ đâu ra”.
Ông Đàm khẳng định, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ và các cấp chính quyền đã rõ ràng. UBND các tỉnh có trách nhiệm duyệt kế hoạch, cấp phép cho từng nhà thầu, dự án và đều đang thực hiện nghiêm túc. “Hiện chúng ta không bỏ sót, không có chuyện không kiểm soát được lao động người nước ngoài”, lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH nói.
Chỉ là tiền chứng nhận
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Việt Nguyễn |
Trước câu hỏi của phóng viên về lùm xùm thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và vụ cán bộ Phòng quản lý xuất nhập khẩu bị “tố” nhận tiền doanh nghiệp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Với sự việc ở Cục Quản lý thị trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất trong tháng 9. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng. Chiều 28/8, Bộ Nội vụ cũng đã công bố quyết định thanh tra về việc này. Điều đó khẳng định quan điểm của Chính phủ về tuyển dụng cán bộ, công chức là phải công khai, đảm bảo không có tiêu cực. Những vụ việc gần đây xuất hiện, cấp nào để xảy ra thì phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh”.
Chuyện để lộ đề thi ở Cục Quản lý thị trường cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin: “Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Công Thương đã ra quyết định xử lý các cá nhân, tập thể. Ban cán sự của Bộ ra nghị quyết về việc hủy bỏ kết quả cuộc thi tuyển công chức và sẽ tiếp tục xử lý các phát hiện tiếp theo”. Trước đó, tại kỳ thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường năm 2013 được tổ chức ngày 24/12 với sự tham gia của 299 thí sinh để tuyển chọn 10 người vào các chức danh của Cục Quản lý thị trường theo chỉ tiêu. Sau khi kết thúc kỳ thi, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận được nhiều đơn thư tố cáo có hiện tượng tiêu cực: Lộ đề thi, giám thị tiếp tay cho thí sinh chép bài, trong số 10 thí sinh trúng tuyển có những người là con cháu của lãnh đạo trong ngành…
Đối với việc tuyển dụng công chức ở Cục Quản lý cạnh tranh (6 chỉ tiêu biên chế nhưng tuyển 9), ông Đỗ Thắng Hải giải thích: “Do có biến động về nhân sự (1 cán bộ nghỉ hưu, 1 xin thôi việc và 2 cán bộ đi làm tham tán thương mại ở nước ngoài), nên Cục Quản lý cạnh tranh đã có công văn xin thêm chỉ tiêu và được Bộ phê duyệt thành 9 chỉ tiêu. “Đến lúc này, chúng tôi khẳng định Cục Quản lý cạnh tranh đã làm đúng. Dù vậy, chúng tôi sẽ vẫn phối hợp với Bộ Nội vụ để làm rõ thêm, kể các vấn đề tuyển dụng ở các đơn vị khác”, ông Hải nói.
Với đoạn video đang gây xôn xao dư luận ghi lại cảnh một phó trưởng phòng phụ trách xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng nhận tiền từ doanh nghiệp và được cho là “nhận lót tay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay trong chiều 27/8, Bộ đã tạm đình chỉ công tác cán bộ này để nghe tường trình, báo cáo vụ việc. Bộ cũng đã cử đoàn công tác xuống Hải Phòng làm việc. “Dựa vào video, chúng tôi đã tìm ra 2 doanh nghiệp được cho là đưa tiền lót tay, đã gặp trực tiếp, lập biên bản làm việc với họ. Cả hai doanh nghiệp đều khẳng định tiền đưa cho cán bộ của chúng tôi là tiền chứng nhận xuất xứ, ngoài ra không có khoản nào khác”, ông Hải khẳng định.
theo Việt Nguyễn/giadinh.net.vn