Sắp đến dịp quốc khánh, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp được nghỉ 4 ngày, thế nào cũng có tiệc tùng, gặp gỡ. Con cháu làm ăn xa về bên mâm cơm chẳng thể thiếu chai bia, chén rượu. “Đi tắt, đón đầu thời đại” nên UBND xứ Nghệ đã nhạy bén ban hành luôn cái công văn yêu cầu các cơ quan công quyền, đoàn thể và người dân “say bia” trước cả tháng trời. Chữ “say bia” xin để trong ngoặc kép vì tỉnh chỉ khuyến khích “tiêu thụ bia” chứ không khuyến khích say, chuyện uống mà say là lỗi của người uống, không phải lỗi của UBND tỉnh.
Tìm ở Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, được biết công văn của tỉnh có tiêu đề: “Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh”, công văn này mang số 5290/UNND-CNTM ban hành ngày 28/7 và được tác giả Kim Oanh tóm tắt đưa lên cổng thông tin tỉnh Nghệ An ngày 1/8/2014.
Công văn có đoạn: “yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; Các tổ chức chính trị xã hội và các Hội doanh nghiệp trên địa bàn chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh”.
Vì công văn của tỉnh dùng từ “yêu cầu” nên các đồng chí cấp dưới và bà con dù muốn hay không cũng phải chịu khó dành dụm ít tiền mua bia về mà uống. Cũng xin mách nước bà con nếu không biết uống bia thì để cho nó chua ra thành dấm, dấm bia mà làm món nhút sơ mít thì vừa ngon vừa đậm đà bản sắc quê hương, ai nghe cũng phải thèm.
Tuy nhiên có thể tỉnh Nghệ An sẽ phản pháo rằng công văn không hề nhắc đến người dânmà chỉ nhắc các UBND, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… do vậy sự suy diễn của nhà báo là không có căn cứ. Nếu quả đúng thế thì người viết nhất định sẽ xin lỗi, nhưng lại cũng muốn nói rằng chỉ mặt hàng bia đã đóng góp cho tỉnh khoảng 1.000 tỷ tiền thuế, chiếm 1/7 ngân sách (như lời ông Phó văn phòng UBND tỉnh), nếu không huy động sức dân, chỉ với một số cán bộ “UBND các huyện, thành, thị; Các tổ chức chính trị xã hội và các Hội doanh nghiệp” uống bia thì liệu có giúp cho tiền “thuế bia”của tỉnh đạt con số cao như vậy? Hay người uống bia chủ yếu là ở các tỉnh khác?
Người Việt có câu: “ gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, Nghệ An là đất học, nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài nước Việt nên nhiều nơi nhìn Nghệ An như một tấm gương để noi theo. Có lẽ bây giờ các tỉnh bạn cũng nên noi theo Nghệ An, đổi mới tư duy, thực hiện phương châm “gần mực thì … bia”. Ở đâu chả biết chứ ngoài bắc đã uống bia theo kiểu dân dã là phải kèm theo khô mực, thuốc lá, bánh đa nướng, (ở xứ Nghệ có thể thay bánh đa bằng kẹo cu đơ …). Khi thanh toán, tiền mực nướng và các loại “mồi” nhiều hơn tiền bia là chuyện bình thường. Cứ cho rằng tổng giá trị các loại “mồi” dùng trong cuộc nhậu tương đương tiền bia thì biết đâu lại chẳng thu thêm được 1/7 ngân sách nữa, vị chi là 2/7 tức cũng là gần 30% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Nếu điều suy diễn lung tung này mà đúng thì Nghệ An chả cần gì chuyện học, cứ tập trung vào “bia mực” là kinh tế tăng vùn vụt, chẳng mấy chốc sẽ trở thành đầu tầu kinh tế cả nước.
Nhận định “vớ vẩn” trên chẳng qua chỉ là căn cứ vào chỉ thị của tỉnh, cụ thể: “UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nghệ An, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp tốt với các nhà sản xuất để ưu tiên và có kế hoạch, chương trình quảng cáo, quảng bá có trọng tâm các sản phẩm, thương hiệu bia sản xuất trong tỉnh”.
Không phải chỉ có thế, công văn còn chỉ thị: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành, thị ưu tiên điểm quảng cáo …, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân; Hỗ trợ công tác thị trường cho nhà sản xuất tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trong tỉnh”.
Thế có nghĩa là vì bia mà toàn bộ hệ thống chính trị xứ Nghệ phải vào cuộc, nói cách khác định hướng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sống làm việc theo phát luật trên địa bàn Nghệ An bây giờ sẽ phải xem lại. Sau bia, biết đâu sẽ đến hàng loạt sản phẩm khác từ các tỉnh bạn và nước ngoài không được khuyến khích trên địa bàn Nghệ An? Phép vua thua lệ làng, cạnh tranh bình đẳng chỉ là cái đinh gỉ, có lẽ khẩu hiệu “do dân, vì dân” phải đổi là “do bia, vì bia” mới hợp với ý lãnh đạo Nghệ An chăng?
Trong khi chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, ban hành những chính sách hạn chế tình trạng sử dụng đồ uống có cồn nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và các bệnh tim mạch thì Nghệ An lại làm ngược lại, chẳng thế mà công văn 5290/UNND-CNTM lại viết: “ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia sản xuất trong tỉnh”.
Nếu điều này được thực hiện triệt để thì Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng nên xin Chính phủ ban hành một quy định, rằng các xe ô tô lưu thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ được phép chạy với tốc độ tối đa là 5 km/giờ đối với vùng nông thôn, còn qua thành phố, thị xã, khu dân cư là 3 km/giờ. Chỉ có chạy chậm hơn người đi bộ thì mới không gây tai nạn cho những người chân nam đá chân chiêu, vì “yêu tỉnh” mà dzô thêm vài vại.
Công văn của tỉnh tuy không đả động đến ngành Giáo dục nhưng có lẽ các Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn Nghệ An nên mở thêm ngành đào tạo nghệ thuật nướng mực, quạt bánh cu đơ… , lý do thì xin mượn ý cụ Tú Xương để giải thích:
Nào có ra gì cái chữ tây
Cử nhân, thạc sĩ ế cả bầy
Chi bằng đi học nghề nướng mực
Vừa chửi vừa rao, khách vẫn đầy.
Nói gì thì nói chứ dù sao UBND Tỉnh Nghệ An cũng có cái lý của mình, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, tỉnh cần phải có sự chia sẻ kịp thời, đây là ý kiến của ông Trung Thành Công, Phó văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (đơn vị tham mưu ra công văn).
Ý kiến của ông Công khiến người ta nhớ chuyện gần đây báo chi cho biết khá nhiều lái xe được đề bạt làm phó văn phòng ủy ban, là lái xe chuyện pháp luật chưa biết thế nào chứ chuyện bia mực thì không ít người đạt trình độ chuyên gia! (Xin đính chính ngay là người viết chỉ nói chung chung chứ tuyệt không dám ám chỉ đến ông Phó văn phòng UB tỉnh). Mà đã là ý kiến của chuyên gia thì không thể xem thường, đặc biệt là khi cấp trên của “chuyên gia” lại thuộc vào hàng “gia chuyền”.
Biết rằng sai về lý nhưng vì có “tí cái tình” nên mọi người cũng phải thông cảm, Nghệ An không hề địa phương, cục bộ, các “bia khác” cứ mang đến mà bán, còn chuyện không tìm được mặt bằng đẹp hay không cạnh tranh được vì quảng cáo thì đó là do năng lực cạnh tranh kém, không thể trách tỉnh.
Nghỉ những bốn ngày dịp quốc khánh, “Bia Nghệ An” sẽ là một đề tài thú vị bên mâm cơm xum họp gia đình, lại cũng kiếm thêm chuyện cho truyền thông, báo chí có cái mà viết, thế chẳng phải là tốt sao. Một “việc tốt” như thế liệu có cần nhân rộng cho mọi người học hỏi?
theo Xuân Dương/giaoduc.net.vn