Chiều tháng 8, nắng như rang và gió Tây Nam tựa hắt lửa vào mặt. Đường về vùng mỏ Thạch Khê vắng hoe, cát bụi theo gió cuốn mù mịt. Hai bên đường, những dãy ruộng trơ đất chạy dài và xa tít tắp, độc một màu trắng bạc, khô cằn. Nắng hạn khiến cỏ dại cũng không sống nổi.
Hai giờ chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn Nguyễn Viết Hải đến trụ sở làm việc. Vẫn nụ cười tươi và dáng vẻ nhanh nhẹn thường trực, nhưng những điều đó vẫn không thể che giấu được vẻ mệt mỏi ở vị cán bộ có tiếng là mẫn cán này. Hầu hết những người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê mà tôi tiếp xúc, đều có dáng vẻ tương tự - biêng biêng, mệt mỏi trong tình trạng “nhược nắng” và thiếu nước lâu ngày. Ông Hải nói về tình trạng thiếu nước sinh hoạt bằng câu chuyện của chính gia đình mình. Chuyện ông kể dài và khá “mùi mẫn”, nhưng có thể tóm lược thế này: sáng ngủ dậy, vợ ông xách chiếc can nhựa đạp xe chừng hơn cây số đến thôn Vĩnh Bình để… xếp hàng chờ hứng nước. Trong thời gian chờ vợ mang nước về, mọi hoạt động thường lệ của gia đình như đánh răng rửa mặt, nấu cơm sáng đều bị ngưng trệ. Nhà ông Hải có 3 nhân khẩu nhưng lượng nước hứng theo kiểu phân phối của thời bao cấp cũng chỉ đủ cho việc rửa rau, nấu cơm. Còn nước uống phải đi mua nước đóng bình. “Tất cả các hộ dân trên địa bàn xã đều phải mua nước suối đóng bình về sử dụng. Nhà tôi 3 nhân khẩu nhưng mỗi tháng phải tốn chừng 60 nghìn đồng cho 4 bình nước uống loại 15 lít”, ông Nguyễn Viết Hải cho biết.
Xã Thạch Bàn có 1027 hộ dân với 4056 nhân khẩu. Ghi nhận của chính quyền xã cho thấy, tất cả số hộ dân nơi đây đều phải mua nước đóng bình để uống. Như lời Phó Chủ tịch Nguyễn Viết Hải thì bình quân mỗi tháng, một người dân Thạch Bàn phải tốn ít nhất 20.000 đồng cho nước uống. Đây là một con số không hề nhỏ, nếu đem so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người của xã này là 1,2 triệu đồng/người/tháng. “Mỗi tháng, người dân toàn xã phải chi tới hơn 81 triệu đồng chỉ riêng tiền nước uống. Đó là chưa kể lượng thời gian phải bỏ ra để đi lấy nước sinh hoạt hàng ngày”, ông Hải xót xa.
Dòng nước ít ỏi này là nguồn sống của gần 2.000 người dân ở vùng mỏ sắt Thạch Khê.
Năm 2006, công trình nước tự chảy được đầu tư trên địa bàn xã Thạch Bàn với mức vốn hơn 500 triệu đồng, dẫn nước từ núi Nam Giới về các thôn xóm. Thế nhưng chỉ được hơn 1 năm, công trình này đã trở nên vô tác dụng. Nguyên nhân được cho là do đường ống không đảm bảo chất lượng và các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm trong thi công, bảo dưỡng. Tại thôn Vĩnh Tiến, hệ thống này đang vận hành ở mức… nhỏ giọt, với lưu lượng ước chừng 2m3/ngày đêm. Thôn này có hơn 400 nhân khẩu, cộng với khoảng chừng ấy người dân thôn Bắc Sơn và xấp xỉ 1000 người ở thôn 9, thôn 10 của xã Thạch Đỉnh dùng chung chỗ nước ít ỏi này. Tính ra, gần 2000 con người phải chia nhau sử dụng 2m3 nước trong một ngày!
“Sao không đào giếng mà dùng?”, tôi buột miệng hỏi. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Hòa nhìn tôi, kiểu nhìn của các chị hàng buôn khi bị mặc cả quá quắt: “giếng đó”. Dường như ở vùng bãi ngang khô cằn này, người ta rất dễ cáu bẳn khi ai đó đề cập đến chuyện nước sinh hoạt. Theo cái hất hàm của ông Hòa, tôi nhìn về phía người phụ nữ đang bơm nước giếng khoan để rửa chân. Đó là vợ ông, ngoài 50 tuổi, đang rướn người kéo chiếc cần bơm. Một dòng nước, nói đúng hơn là một thứ dung dịch ộc lên, vàng đục và thoảng mùi hăng hắc.
Không chỉ riêng Thạch Bàn, người dân ở hầu hết các xã thuộc vùng ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê như Thạch Đỉnh, Thạch Trị, Thạch Khê… đều phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho rằng việc bóc tầng phủ, hút nước ngầm của dự án này đã khiến mực nước ngầm trên địa bàn bị tụt xuống mức thấp và hàm lượng sắt nhiễm trong nước quá lớn. Đó là nguyên nhân khiến nước giếng ở vùng này luôn ở tình trạng vàng đục, chua nồng. Khảo sát của Sở Khoa học – Công nghệ Hà Tĩnh cho thấy hơn 60% số giếng nước ở Thạch Đỉnh không đạt tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng. “Nước tưới phục vụ sản xuất thì không hy vọng, chỉ mong sao người dân có đủ nước sinh hoạt, nước uống. Dân ở đây phải chịu quá nhiều cực khổ rồi”, ông Nguyễn Văn Hồng than thở.
Còn chị Võ Thị Thanh Hà, cán bộ Trạm y tế xã Thạch Đỉnh thì tỏ ra lo ngại: “Số ca mắc và tử vong vì bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc sử dụng nước bẩn, chứa nhiều độc tố. Đáng lo nhất là tình trạng sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh trong một thời gian dài sẽ dễ dẫn tới việc bùng phát các dịch bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa”.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư được thực hiện trên diện tích gần 4000 hecta, với khoảng 4000 hộ dân thuộc 6 xã vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà bị ảnh hưởng. Sau một thời gian ngắn khởi công rầm rộ thì từ cuối năm 2010 đến nay, mỏ sắt này ngưng hoạt động do nhiều khó khăn, phần nhiều do những yếu tố chủ quan. Mỏ sắt ngưng hoạt động, người dân vùng mỏ vốn đã nghèo đói lại càng thêm khổ cực.
Khi đói, người ta thường an ủi nhau “uống nước lã cầm hơi”. Với người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê, nước lã – theo đúng nghĩa đen – cũng là giấc mơ quá xa xỉ. Nghĩa là, họ đang tiến dần đến mức cùng cực!
Phóng sự của Phạm Tường/Bảo vệ pháp luật số 69
st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:11.0pt; font-family:"Arial","sans-serif"; mso-ascii-font-family:Arial; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-theme-font:minor-fareast; mso-hansi-font-family:Arial; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn