Nỗi lo sông gặm làng

Thứ năm - 12/10/2023 08:24
Sau trận mưa lớn vào đầu tháng 10, đất dọc bờ sông Lam đoạn chạy qua cầu Tri Lễ (xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản của 10 hộ dân. Tình trạng lở đất dọc bờ sông cũng xảy ra tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
 
D2023101203 1
Sạt lở tại bờ sông Lam đoạn qua xóm 1 (xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An), ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ gia đình.

Thấp thỏm, lo âu...

Chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xóm 1, xã Lạng Sơn. Đứng trên cầu Tri Lễ nhìn xuống, dọc đoạn sông này, nền đất bị sạt lở tan hoang, ngoặm sâu sát nhà dân. Theo phản ánh của người dân, trong các ngày 3 và 4- 10, do mưa lớn, nước sông Lam dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết đã kéo theo cả hàng ngàn mét khối đất xuống lòng sông, tạo nên cảnh sạt lở kinh hoàng. Sự cố sạt lở cuốn theo nhiều công trình phụ của người dân như chuồng gà, kho đựng nông cụ, đất vườn trồng rau.

Ông Nguyễn Đình Cả (Xóm trưởng xóm 1) cho biết: "Tình trạng sạt lở đất diễn ra nhiều năm nay. Mỗi năm sạt lở một ít, nhưng lần này là nghiêm trọng nhất. Sạt lở đã lấn sát nhà dân, nếu mưa to sẽ rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân". Nhìn từ dưới lòng sông lên vết sạt lở cao cả chục mét, ông Phạm Văn Bắc chia sẻ: "Gia đình tôi và nhiều hộ khác mấy hôm nay đêm lo lắng nhà sập, cuốn trôi xuống sông nên chia nhau canh gác, không dám ngủ. Mong muốn của người dân là được các cấp chính quyền quan tâm, sớm có hướng khắc phục cho người dân, kè bờ sông, chống sạt lở". Gia đình anh Nguyễn Quang Linh có diện tích đất 700m2, qua 2 lần sạt lở nay chỉ còn khoảng 400m2.

Được biết, tình trạng sạt lở này đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ gia đình. Những gia đình này vốn là dân vạn chài, năm 1997, họ "lên bờ", mua đất của xã để ổn định cuộc sống. Hộ nhiều thì 700 - 800m2, hộ ít cũng 150 - 200m2, nay, sau sạt lở, đất của các hộ đều bị thu hẹp, chỉ còn một nửa hoặc 2/3 so với diện tích ban đầu.

Qua kiểm tra đánh giá sơ bộ của chính quyền địa phương, chiều dài sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xóm 1 xã Lạng Sơn là 120m, chiều rộng 20m, chiều sâu 12m, diện tích đất sạt lở ước 15.000m3. Hiện nay các vết nứt đang vào sâu dần, nguy cơ sạt lở tiếp là rất cao. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo đến các hộ dân bị ảnh hưởng, chủ động di dời tài sản, bảo vệ tính mạng khi có nguy cơ sạt lở tiếp. Đồng thời giăng dây bảo vệ, cấm khu vực nguy cơ sạt lở cao.

Để xử lý sự cố sạt lở và khắc phục các vết nứt, huyện Anh Sơn đã huy động máy móc, nhân lực san gạt đất sạt lở, lu nén các vết nứt. "Hiện điểm sạt lở đã được san gạt, hạ độ cao nên cũng đỡ nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lo lắng khi mùa mưa bão đang tới gần, sạt lở sẽ tiếp diễn, đe dọa tính mạng và tài sản. Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là bờ sông được kè, chúng tôi mới an tâm ổn định cuộc sống "- anh Võ Quang Hồng cho biết.

Theo ông Đặng Ngọc Thiện- Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn xã lạng Sơn có 2 điểm sạt lở nặng, đó là vùng vệ Cây Chanh (thôn 1) và tỉnh lộ 534. Nước sông đã khoét sâu vào sát đường, nguy cơ sạt lở tiếp khi mùa mưa bão đang đến gần.

"Uy hiếp" đất màu và đường dân sinh

Chỉ sau trận mưa lũ vào đầu tháng 10, nhiều ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân tại xã Hương Liên bị lòng sông Ngàn Sâu ăn sâu vào bên trong, để lại những vết lở nham nhở. Ngoài ra, khu vực đường dân sinh nối từ thôn 1 đến bản Rào Tre bị xói lở nghiêm trọng, chỉ còn khoảng ít mét nữa sẽ lấn vào tận đường dân sinh và khu dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy (trú thôn 1, xã Hương Liên), hầu như sau mỗi trận mưa lũ đi qua, nhiều diện tích hoa màu của người dân nơi đây lại bị cuốn trôi. Vì vậy, điều quan tâm nhất hiện nay của người dân là mong muốn chính quyền xem xét xử lý, sớm xây dựng kè, nhằm giải quyết tình trạng sạt lở, để người dân ổn định cuộc sống. "Nhiều diện tích đất sản xuất và hoa màu của người dân bị nước sông cuốn trôi trong đợt lũ vừa qua. Dân bất lực không làm được gì, giờ đến mùa mưa lũ lại lo lắng. Nếu không có biện pháp gia cố bờ kè thì chỉ vài đợt mưa lũ nữa sông sẽ lấn vào khu vực nhà dân ở mất”- bà Thủy trăn trở.
 
D2023101203 2
"Sông lấn làng" tại xóm 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Ghi nhận tại thôn 1, xã Hương Liên, khu vực bờ sông Ngàn Sâu đã "nuốt chửng" nhiều diện tích đất hoa màu của người dân. Một số điểm sạt lở gần khu dân cư, chính quyền địa phương đã cắm biển, căng dây cảnh báo nguy hiểm, người dân hạn chế qua lại. Ông Đinh Văn Sánh- Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, hàng năm sau một đợt mưa lũ khiến nhiều diện tích đất hoa màu của người dân bị sông cuốn trôi. Khu vực sạt lở chủ yếu xảy ra tại thôn 1. Nơi đây có 136 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu. "Địa phương đã nhiều lần đề xuất lên cấp huyện để xin dự án kè chống sạt lở. Tuy nhiên, do kinh phí quá lớn nên đến nay vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện”- ông Sánh cho biết thêm.

Được biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, khoảng 2km bờ sông Ngàn Sâu tại xã Hương Liên bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra khi thời gian tới có thêm các trận mưa, lũ khác. Trước mắt để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, địa phương tuyên truyền những hộ dân sống gần khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở phải di chuyển đến vị trí khác để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Xuân Sơn
Theo Cadn.com.vn

Link gốc: Nỗi lo sông gặm làng (cadn.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây